Từ khả năng phản ứng nhanh nhạy trong một cuộc phỏng vấn tuyển dụng đến thỏa hiệp được với một đứa trẻ, tất cả đều như một cuộc chơi đòi hỏi bạn có các kỹ năng cốt lõi để giao tiếp một cách có hiệu quả chứ không đơn giản là nói những gì mình nghĩ. Vậy làm sao để bạn luôn là người chủ động trong mọi tình huống?
Làm sao để có thể tương tác thực sự tốt với người đối diện? Các chuyên gia về tâm lý đã nghiên cứu vấn đề đã đưa ra vài mẹo nhỏ cho bạn:
Làm thế nào để kết bạn với đối phương trong cuộc trò chuyện?
Đừng bắt đầu một cuộc trò chuyện với vấn đề mà bạn quan tâm. Hãy luôn là người quan tâm đến các chủ đề của người khác và tham gia vào cuộc trò chuyện với quy luật sau trong tâm trí: “Mọi người mà bạn từng gặp đều biết điều gì đó mà bạn không biết”.
Khơi gợi đúng chủ đề mà họ quan tâm để họ nói về nó là một trong những cách giao tiếp hiệu quả nhất, không chỉ giúp đối phương cảm thấy hứng thú với cuộc trò chuyện mà còn khiến bạn dễ dàng hơn trong việc nắm bắt đối phương. Tâm lý học con người cho rằng: Người ta sẽ quên những gì họ đã nói với bạn, nhưng không bao giờ quên những gì họ đã cảm nhận về bạn. Cảm nhận mới là thứ còn lại sau cùng chứ không phải là ngôn ngữ hay nội dung thông tin bạn đã truyền đạt.
Làm thế nào để có thể gây ảnh hưởng đến người khác trong giao tiếp?
Hãy yêu cầu họ tư vấn cho bạn. Mọi người luôn yêu thích việc đưa ra lời khuyên cho người khác. Cuộc trò chuyện bắt đầu một yêu cầu đưa ra lời khuyên, hỏi ý kiến về một vấn đề dù nhỏ nhất sẽ tạo được sự gần gũi không ngờ, và việc từ chối những vấn đề sau đó sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Mặc dù bạn đang muốn gây ảnh hưởng cho đối phương nhưng không vì thế mà tìm cách áp đặt bằng những mệnh lệnh cứng nhắc (và thường sẽ thất bại), thay vào đó đề nghị được tư vấn khiến câu chuyện trở nên dễ dàng và đối phương sẽ phần nào “mất cảnh giác” trong việc thực ra chính họ đang bị gây ảnh hưởng.
Làm thế nào để giao tiếp hiệu quả với người nước ngoài?
Hay nói chung là giao tiếp hiệu quả với một người mà lối suy nghĩ và văn hóa khác xa bạn? Nguyên tắc tối thượng của giao tiếp đa văn hóa là: Hãy là chính mình. Nhận thức rõ ràng về nền văn hóa của mình và đừng mất quá nhiều thời gian để nghĩ về văn hóa của người khác. Thay vào đó, chỉ cần lùi lại một chút và nghĩ một cách đơn giản về cách mà bạn giao tiếp với họ.
Làm thế nào để đạt được một thỏa thuận?
Hãy tưởng tượng bạn đang ở trong một tình huống cực kỳ phức tạp như là thỏa thuận tiền chuộc với một kẻ tống tiền để trao trả con tin, hay con bạn đang đòi hỏi tiền tiêu vặt của nó phải được tăng gấp nhiều lần hiện tại. Bạn hãy áp dụng các nguyên tắc sau:
1) Nghĩ đến vấn đề đang diễn ra chứ không phải người đang thỏa thuận với bạn. Đừng lo lắng đối phương là ai, quan hệ với bạn thế nào và bạn/họ có thích họ/bạn hay không, chỉ tập trung vào chủ đề đang cùng quan tâm.
2) Nghĩ đến lợi ích mỗi bên sẽ đạt được, không nghĩ đến vị trí. Đừng nghĩ mình đang ở thế mạnh (hay yếu) hơn trong cuộc đàm phán. Hãy tự hỏi bản thân: Đối phương cần gì ở mình? Chúng ta có những lợi ích chung nào?
3) Đích đến của cuộc thỏa thuận là lợi ích cho cả 2 bên, mọi thứ tốt đủ cho 2 bên chứ không thể hoàn hảo. Và đừng chỉ nhắm tới số tiền tối đa bạn có thể thu về.
Làm thế nào để đối đáp thật nhanh trong một cuộc phỏng vấn tuyển dụng?
Các nhà tâm lý học đưa ra cho bạn một mẹo cực kỳ đơn giản và dễ áp dụng: Hãy đợi 5 giây trước khi đưa ra câu trả lời của nhà tuyển dụng.
Câu trả lời của bạn có thể không thực sự thông minh, hay đúng, hay làm họ hài lòng, nhưng việc chờ đợi 5 giây rồi mới trả lời khiến nó trở nên có sức nặng hơn gấp bội. Ngoài ra hãy nhớ rằng mặc dù phản ứng nhanh có thể sẽ phần nào gây ấn tượng với nhà tuyển dụng nhưng nó lại hiếm khi là yêu cầu của các vị trí công việc – nói cách khác chưa chắc nhanh đã là tốt để bạn luôn nghĩ mình phải ứng đáp nhanh nhất có thể với nhà tuyển dụng. Hãy luôn ghi nhớ nguyên tắc “5 giây” chờ đợi để gây ấn tượng mạnh nhất với họ.
(Theo Nhịp sống kinh tế)