Ngày 2/6, Quốc hội thảo luận, đánh giá, bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013, trong đó nhiều đại biểu nhấn mạnh tới việc xây dựng nền kinh tế tự chủ.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc - Ảnh: TTXVN |
Báo cáo về kinh tế - xã hội của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho thấy xu hướng ổn định của nền kinh tế vẫn chưa vững chắc, doanh nghiệp còn khó khăn, nguy cơ nợ công còn tiềm ẩn... Trong đó, nhiều đại biểu cho rằng, tình hình ở Biển Đông gần đây tạo ra nhiều rủi ro cho kinh tế Việt Nam, nhắc nhở chúng ta phải xây dựng nền kinh tế tự chủ.
Hiện nay, nguyên phụ liệu nhiều ngành sản xuất trong nước phải nhập khẩu tới 50 - 60% từ Trung Quốc (TQ). Nhiều dự án năng lượng của nước ta đều do TQ làm tổng thầu, nên phải nhập khẩu nhiều máy móc, thiết bị của TQ. TQ hiện chiếm khoảng 10% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, chủ yếu là hàng nông sản.
Theo các đại biểu, muốn có sự tự chủ về kinh tế thời gian tới cần đầu tư đủ cho các chuỗi giá trị nông sản để thay đổi tình hình này. Thời điểm khó khăn hiện nay là thời cơ để tái cơ cấu kinh tế, phải hỗ trợ mạnh hơn cho nông dân để tìm kiếm thị trường mới, nâng cao tiêu chuẩn hàng hóa để không quá lệ thuộc vào nước láng giềng TQ.
Đặc biệt, Việt Nam cần tận dụng cơ hội mới về hội nhập để cải cách mạnh mẽ nền kinh tế mất cân đối như hiện nay. Đất nước chuẩn bị đón nhận các cơ hội về hội nhập khi các hiệp định tự do thương mại như Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU đang vào giai đoạn nước rút.
Đáng chú ý, theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, các hiệp định tự do thương mại không chỉ mở ra cơ hội giao thương mới, mà còn tạo điều kiện cho Việt Nam thoát khỏi sự phụ thuộc kinh tế vào TQ.
Theo ý kiến của các đại biểu, Quốc hội cần xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, các địa phương trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông sản, mở rộng chuyển hướng thị trường xuất nhập khẩu để giảm dần sự lệ thuộc vào TQ. Đồng thời, có chính sách thu hút các nguồn lực để khai thác tài nguyên biển đảo, hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ sắt công suất lớn, vừa bảo vệ ngư trường, vừa đánh bắt hải sản.
Đoàn thư ký kỳ họp đã xin ý kiến dự kiến cân đối ngân sách dành 16.000 tỷ đồng chi tăng cường trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư, hỗ trợ bà con ngư dân đánh bắt xa bờ.