Vì sao Trung Quốc điều chỉnh chiến lược chống Covid-19?

Lê Phan| 12/12/2022 04:30

Trước các bất ổn do chiến lược chống Covid-19 ngặt nghèo suốt thời gian qua, gần đây các thành phố Trung Quốc đã đẩy nhanh nới lỏng hạn chế phòng dịch nghiêm ngặt. Xu hướng này có tiếp diễn?

Vì sao Trung Quốc điều chỉnh chiến lược chống Covid-19?

Trung Quốc đang nới lỏng các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt

Tín hiệu nới lỏng

Cụ thể, thành phố Thẩm Quyến và Thượng Hải đã bỏ yêu cầu người đi làm phải xuất trình kết quả xét nghiệm PCR để di chuyển trên phương tiện giao thông công cộng. Trước đó, Thiên Tân, Thành Đô và Trùng Khánh cũng có động thái tương tự.

Tại Bắc Kinh, một số khu chung cư cho phép cư dân được cách ly tại nhà thay vì ở cơ sở cách ly tập trung, nếu họ có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19. Điều này làm dấy lên hy vọng rằng nền kinh tế số 2 thế giới có thể từ bỏ chính sách chống dịch Zero Covid đã cô lập nước này và ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế trong gần ba năm qua.

Hôm 5/12/2022, tại cuộc họp của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc 12, Phó thủ tướng Tôn Xuân Lan, quan chức chống dịch hàng đầu của nước này cho rằng với việc biến chủng Omicron suy yếu, độ phủ tiêm vaccine và kinh nghiệm phòng chống dịch tích lũy thời gian qua, Trung Quốc đang đứng trước một tình huống mới và những nhiệm vụ mới.

Trước phát biểu này của phó thủ tướng, giới quan sát nhận định chính quyền các địa phương Trung Quốc sẽ báo cáo giảm quy mô các cuộc xét nghiệm hàng loạt và cho phép một số đối tượng nhiễm Covid-19 được cách ly tại nhà, thay vì đưa tất cả tới các bệnh viện dã chiến. Thực tế vào tháng 11, chính phủ Trung Quốc đã có một số điều chỉnh trong chính sách chống dịch, khi thông báo rằng công tác xét nghiệm sẽ được tiến hành có trọng tâm hơn và giảm sự bất tiện cho người dân.

Theo các chuyên gia, giờ đây chính phủ Trung Quốc phải hành động hài hòa trong việc định hình lại nhận thức về mối đe dọa dịch bệnh và dần tránh xa Zero Covid, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giải tỏa căng thẳng từ các xung đột trong nước. Dù vậy, nhiều người vẫn lo ngại về khả năng bảo vệ người dân của các loại vaccine Trung Quốc trước virus, đặc biệt là người già. 

Thực tế, lý do khiến các nhà chức trách Trung Quốc lo ngại là tỷ lệ tiêm vaccine thấp, đặc biệt là ở nhóm người già dễ bị tổn thương. Dù hơn 90% trong tổng số 1,4 tỷ dân Trung Quốc đã được tiêm 2 mũi vaccine, chỉ khoảng 40% người trên 80 tuổi được tiêm mũi tăng cường. Các nhà dự báo ước tính sẽ có khoảng 1,3-2 triệu người tử vong nếu nước này mở cửa trở lại hoàn toàn.

Chính vì vậy, một bộ phận người dân Trung Quốc vẫn ủng hộ việc áp đặt các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt. Cho tới thời điểm hiện tại, chính phủ Trung Quốc chưa đưa ra bất kỳ dấu hiệu chính thức nào về thời điểm chấm dứt Zero Covid hay liệu có chấm dứt chiến lược chống dịch này hay không. Các chuyên gia của Ngân hàng Goldman Sachs đưa ra khả năng 60% Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại vào quý II/2023 và khả năng 30% cho một cuộc mở cửa trở lại sớm hơn.

Ảnh hưởng nặng nề lên kinh tế

Đáng lưu ý là nhiều nhà kinh tế cảnh báo rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ khó phục hồi nhanh chóng kể cả khi nước này đẩy nhanh các biện pháp mở cửa, nhất là khi những yếu tố dẫn tới sự suy giảm về mặt cấu trúc của nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn đó, bao gồm khủng hoảng bất động sản, dân số già hóa và năng suất giảm.

Chẳng những vậy, những diễn biến liên quan đến đại dịch Covid-19 ở Trung Quốc - "công xưởng" lớn nhất thế giới - trong những ngày gần đây làm gia tăng mức độ bất ổn đối với kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh các quốc gia đang chật vật ứng phó với ảnh hưởng của cuộc chiến tranh ở Ukraine, khủng hoảng năng lượng và lạm phát.

Trong suốt nhiều năm, Trung Quốc giữ vai trò công xưởng và một đầu tàu quan trọng của kinh tế toàn cầu. Bởi vậy, bất ổn ở Trung Quốc chắc chắn không có lợi cho kinh tế thế giới và có thể ảnh hưởng lan rộng ra các nền kinh tế khác, khi làm suy giảm hoạt động sản xuất và phân phối ra thị trường toàn cầu vô số mặt hàng như mạch tích hợp, phụ tùng máy móc, thiết bị gia dụng... của nước này. 

Ngoài ra, bất ổn ở Trung Quốc cũng có thể là lý do khiến các công ty Mỹ và châu Âu đẩy nhanh việc dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, tăng cường đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Thực tế, tình trạng trì hoãn và khan hiếm liên quan tới Covid-19 ở Trung Quốc đã khiến nhiều doanh nghiệp đánh giá lại chuỗi cung ứng của họ và cân nhắc bổ sung thêm các nguồn nguyên vật liệu thô và nhân công ngoài Trung Quốc, nhằm hạn chế những rủi ro đi kèm với việc đầu tư vào nước này.

Dù vậy, mức độ liên hệ qua lại mật thiết của nền kinh tế toàn cầu, sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc mặt khác cũng có thể giúp ích cho các quốc gia khác bằng cách kéo giá năng lượng xuống. Mối lo về sự suy giảm nhu cầu tiêu thụ dầu ở Trung Quốc do ảnh hưởng của chính sách chống dịch Zero Covid đã khiến giá dầu thế giới giảm liên tục trong 3 tuần qua, xuống mức thấp nhất từ đầu năm. Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Năm 2021, Trung Quốc sản xuất gần 30% hàng hóa của thế giới.

Nhưng rõ ràng ở thời điểm hiện tại, ảnh hưởng kinh tế lớn nhất sẽ rơi vào Trung Quốc thay vì nền kinh tế toàn cầu. Hiện số người đang bị cách ly ở Trung Quốc thời điểm này còn lớn hơn cả giai đoạn đỉnh điểm của làn sóng biến chủng Omicron vào mùa Đông năm ngoái. Do đó, các chuyên gia phân tích cũng cho rằng làn sóng lây nhiễm và các biện pháp chống dịch, chứ không phải việc người dân phản đối các biện pháp đó mới là những vấn đề đang có ảnh hưởng lớn nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vì sao Trung Quốc điều chỉnh chiến lược chống Covid-19?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO