Vì sao các nước chạy đua phát hành tiền số?

Lê Phan| 31/10/2020 05:27

Hàng loạt quốc gia đang chạy đua cho kế hoạch phát hành tiền số thay thế tiền mặt trong tương lai, gồm những nền kinh tế lớn và phát triển nhất. Động lực nào phía sau chiến lược này và mục tiêu mà họ nhắm đến là gì?

Chạy đua tiền kỹ thuật số

Mới đây, Ngân hàng Trung ương (NHTƯ) Nhật Bản (BOJ) đưa ra kế hoạch thử nghiệm một loại tiền kỹ thuật số vào năm tới, có thể bắt đầu từ tháng 3/2021. NHTƯ châu Âu (ECB) cũng cho biết sẽ thử nghiệm một loại tiền ảo vào năm tới và Mỹ cũng đang nghiên cứu ý tưởng này. Trong khi đó, NHTƯ Thụy Điển đang làm việc với công ty tư vấn Accenture để thí điểm đồng tiền kỹ thuật số được đề xuất mang tên "e-krona".

Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) và 7 NHTƯ, bao gồm cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), ECB, BOJ và NHTƯ Anh (BOE) đã thành lập một nhóm nghiên cứu chung vào tháng 1 để nghiên cứu lợi ích và chi phí của việc phát hành tiền tệ kỹ thuật số của NHTƯ (gọi tắt là CBDCs). Sự hợp tác này không bao gồm Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC). Và mới đây ngày 9/10/2020, nhóm này đã công bố một báo cáo đưa ra một số yêu cầu chính đối với CBDCs.

bai-2-Libra-5358-1603768169.jpg

Đây có lẽ là phản ứng trước việc Trung Quốc đang tiến hành thử nghiệm đồng nhân dân tệ kỹ thuật số và dự kiến bắt đầu phát hành rộng rãi vào Thế vận hội mùa Đông 2022 tại Bắc Kinh, động thái mà theo nhiều chuyên gia phân tích tài chính là tiến gần hơn một bước để siết chặt kiểm soát giao dịch tài chính của người dân. 

Trước đó, Trung Quốc đã tung ra đồng nhân dân tệ kỹ thuật số trên cơ sở thử nghiệm tại một số thành phố. Một chương trình thử nghiệm khác đã bắt đầu vào tối 12/10/2020 tại Thẩm Quyến, nơi PBoC phát hành 10 triệu nhân dân tệ kỹ thuật số (tương đương 1,5 triệu USD) cho 50.000 cư dân sử dụng tại gần 3.400 cửa hàng.

Chiến dịch của PBoC diễn ra khi các NHTƯ trên toàn thế giới chạy đua phát hành tiền số để hiện đại hóa hệ thống thanh toán, cũng như chống lại sự cạnh tranh tiềm tàng từ các loại tiền ảo do tư nhân phát hành. Đặc biệt là sau khi Facebook vào năm ngoái thông báo đồng tiền kỹ thuật số Libra do tập đoàn này nghiên cứu và phát triển sẽ được hỗ trợ bởi hỗn hợp các loại tiền tệ chính và nợ chính phủ. 

Một cuộc khảo sát với 66 NHTƯ của BIS có trụ sở tại Basel được công bố vào đầu năm nay cho thấy khoảng 80% các ngân hàng đã tham gia vào vấn đề này, tăng từ 70% năm trước. Tỷ lệ đó nói lên rằng họ có khả năng cao phát hành một loại tiền tệ kỹ thuật số cho công chúng trong 1-3 năm tới.

Được biết, NHTƯ Nga cũng đang nghiên cứu dự án mang tên "kế hoạch phát hành tiền tệ kỹ thuật số của Chính phủ Nga", cho phép người dùng tự do chuyển đồng ruble kỹ thuật số sang ví điện tử của họ và sử dụng chúng trên thiết bị di động. Trước đó, hồi tháng 7/2020, Nga đã thông qua Luật Tiền kỹ thuật số, cho phép đồng tiền này tồn tại trong hệ thống pháp luật Nga. Vào tháng 8/2020, Ngân hàng Nhà nước Sberbank của Nga cũng tuyên bố rằng họ đang xem xét phát hành một stablecoin được hỗ trợ bằng đồng ruble. 

Rủi ro, lợi ích và tranh giành sức ảnh hưởng

Sự lưu thông ngày càng tăng của các loại tiền kỹ thuật số đã tạo ra một số rủi ro về kinh tế và an ninh quốc gia, chẳng hạn như rò rỉ dữ liệu thanh toán cho các quốc gia khác, mở cửa cho các hoạt động bất hợp pháp như rửa tiền và việc sử dụng tiền điện tử để tài trợ cho khủng bố, buộc các NHTƯ phải gia tăng nguồn lực để giám sát.

Dù vậy, việc thay thế tiền mặt bằng tiền kỹ thuật số cũng sẽ giúp cắt giảm chi phí vận chuyển và bảo quản an toàn, đồng thời kích thích sự đổi mới và cạnh tranh trong lĩnh vực tài chính, khi mở đường cho các hoạt động thanh toán linh hoạt, hiệu quả, toàn diện và sáng tạo hơn, cũng như giúp theo dõi chi tiêu cho các dự án do chính phủ tài trợ. Trong khi đó, nhóm nghiên cứu CBDCs lại khuyến nghị phát triển tiền kỹ thuật số nhưng không để nó thay thế tiền mặt hoàn toàn, phải làm sao để nó hỗ trợ chứ không gây tổn hại cho sự ổn định tiền tệ và tài chính.

Nhưng có lẽ lợi ích lớn nhất của tiền kỹ thuật số mà các NHTƯ đang nhắm đến là nhằm tranh giành sức ảnh hưởng. Theo giới phân tích, nếu Trung Quốc phát triển một loại tiền kỹ thuật số có tính cạnh tranh, Mỹ sẽ mất ảnh hưởng toàn cầu, khi mà đồng nhân dân tệ số có thể thu hút các quốc gia mới nổi nắm giữ, những đối tác thương mại và con nợ đang phụ thuộc vào Bắc Kinh.

Trong bài bình luận hồi tháng 9, PBoC cho biết, Trung Quốc cần trở thành nước đầu tiên phát hành tiền ảo nhằm thúc đẩy quốc tế hóa nhân dân tệ và giảm phụ thuộc vào hệ thống thanh toán USD toàn cầu. Nếu thành công, các quy định cấm giao dịch bằng đồng USD đối với Trung Quốc cũng sẽ mất đi tính hiệu lực. Còn nếu từ góc độ công nghệ, nếu đồng nhân dân tệ số trở thành chuẩn mực quốc tế, việc các nước khác phát hành đồng tiền số cũng sẽ chịu không ít cản trở. 

142343434-6555-1603768169.jpg

Có thể thấy tham vọng số hóa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc không chỉ giới hạn ở thị trường nội địa, Dù vậy, yếu tố công nghệ không tự động khiến đồng nhân dân tệ kỹ thuật số được chấp nhận toàn cầu, mà sẽ còn phụ thuộc vào các vấn đề chính trị, kinh tế và tầm ảnh hưởng giữa các quốc gia. Ngoài ra, sự minh bạch cũng là vấn đề mà Bắc Kinh cần phải đảm bảo.

Trong khi đó, với những đồng tiền do tư nhân phát triển như Libra của Facebook, dù được tin tưởng sẽ trở thành một đồng tiền số toàn cầu, ổn định và có thể giúp hàng tỷ người không thể tiếp cận dịch vụ tài chính truyền thống, thông qua việc giảm chi phí cho nhiều loại hình thanh toán và giao dịch, cũng đang bị các chính phủ tìm cách hạn chế.

Cụ thể, khi Facebook thông báo về kế hoạch này, các nhà lập pháp và giới chức quản lý tài chính tại nhiều quốc gia trên thế giới đã ngay lập tức quan ngại về tác động đối với hệ thống tài chính toàn cầu, khi hơn 2 tỷ người dùng Facebook có thể sử dụng đồng Libra. Còn ECB hồi tháng 9 năm nay đã đề xuất những loại tiền số có giá trị nhất như Libra sẽ phải nằm dưới sự giám sát của Cơ quan Ngân hàng châu Âu (EBA), nhằm giảm bớt sự ảnh hưởng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vì sao các nước chạy đua phát hành tiền số?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO