Trung Quốc liên tiếp giảm dự trữ bắt buộc - Rủi ro thêm tích lũy

Gia Lê| 10/09/2019 01:17

Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC) mới đây thông báo sẽ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho tất cả ngân hàng thương mại. Theo đó, từ ngày 16/9/2019, tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ giảm 0,5%, qua đó giải phóng lượng vốn dài hạn khoảng 900 tỷ nhân dân tệ, tương đương 126 tỷ USD.

Trung Quốc liên tiếp giảm dự trữ bắt buộc - Rủi ro thêm tích lũy

Ngoài ra, PBoC cũng sẽ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc 1% đối với một số ngân hàng thương mại đô thị nhất định, với đợt hạ 50 điểm cơ bản đầu tiên sẽ có hiệu lực từ ngày 15/10/2019 và đợt thứ hai diễn ra vào một tháng sau đó. Động thái này sẽ tăng cường khả năng cho vay của các ngân hàng và quan trọng hơn là giảm chi phí sử dụng lượng vốn mà họ nhận được từ NHTW, từ đó hỗ trợ các nỗ lực của Chính phủ để vực dậy nền kinh tế giữa thương chiến Mỹ - Trung.

Vào cuối tháng 6/2019, PBoC cũng đã giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 0,5% đối với một số ngân hàng, qua đó giải phóng khoảng 700 tỷ nhân dân tệ, tương ứng 108 tỷ USD thanh khoản khi nước này cố gắng kiểm soát đòn bẩy và hỗ trợ các công ty quy mô nhỏ. Cụ thể, 5 ngân hàng Chính phủ lớn nhất và 12 ngân hàng thương mại cổ phần sẽ được giải phóng 500 tỷ nhân dân tệ thông qua các hợp đồng hoán đổi nợ thành cổ phần, qua đó giảm bớt gánh nặng nợ cho một số công ty và giúp “làm đẹp” bảng cân đối kế toán của các ngân hàng.

Trước đó vào tháng 1/2019, PBoC cũng đã có hai lần giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, với mức giảm 0,5% vào ngày 15/1/2019 và thêm 0,5% vào ngày 25/1/2019. Đợt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trên đã giúp giải phóng ròng 800 tỷ nhân dân tệ, tương ứng 116 tỷ USD thanh khoản.

Có thể thấy, ngoài các động thái phá giá đồng nhân dân tệ, PBoC đã thực thi chính sách nới lỏng nhanh hơn thông qua hàng loạt điều chỉnh giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng từ đầu năm đến nay, giúp thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào hơn và giải phóng một lượng tiền gửi dự trữ bắt buộc để đẩy vào nền kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp trước những thiệt hại từ cuộc chiến thương mại với Mỹ đang gây ra.

Mặc dù trong các tuyên bố được đưa ra, PBoC luôn lặp lại quan điểm “tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng và trung lập, đồng thời tạo ra một môi trường tiền tệ và tài chính thuận lợi cho sự phát triển chất lượng cao và cải cách về phía nguồn cung”, tuy nhiên hành động của PBoC dường như không đồng nhất với những cam kết.

Với nền kinh tế đang giảm tốc, hoạt động sản xuất kinh doanh trì trệ, bong bóng nhà đất, hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu đứng trước nguy cơ phá sản khi bị liên tiếp áp các hàng rào thuế quan khi vào Mỹ, rủi ro trong nền kinh tế Trung Quốc đang gia tăng hơn bao giờ hết. Việc nới lỏng chính sách trước mắt tuy có thể hỗ trợ nền kinh tế ngăn chặn đà tuột dốc quá nhanh, nhưng đồng thời cũng tiếp tục tích tụ những rủi ro khó lường trước.

Ngày càng nhiều những dự báo cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu sắp diễn ra sẽ bắt nguồn từ sự sụp đổ của nền kinh tế Trung Quốc. Thực tế, Trung Quốc dường như đang lặp lại những sai lầm trước đây của Nhật Bản, mà hệ quả là sau đó trải qua những thập kỷ mất mát với kinh tế suy yếu.

Cụ thể, với chính sách tiền tệ nới lỏng, nguồn vốn được giải ngân ra có thể không chảy vào các hoạt động sản xuất, mà lại được tiếp tục rót vào thị trường bất động sản, theo đó Bắc Kinh dường như đang bơm thêm quả bong bóng nhà đất to hơn, mà khi đổ vỡ sẽ kéo theo cả nền kinh tế xuống dốc.

Thống kê cho thấy giá nhà đất tại Bắc Kinh đã tăng lên gần 15 lần trong 20 năm qua, theo đó tỷ lệ giữa giá nhà và mức thu nhập của người dân ở Trung Quốc lên cao, từ mức 5,6 vào năm 1996 lên mức 7,6 năm 2013, cao hơn nhiều so với mức 3.0 của Nhật Bản vào lúc cao điểm năm 1988. Trong khi đó, ngành tài chính Trung Quốc đã cho vay nhiều hơn đối với lĩnh vực bất động sản so với các ngân hàng Nhật Bản trong thời kỳ bong bóng bất động sản của nước này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trung Quốc liên tiếp giảm dự trữ bắt buộc - Rủi ro thêm tích lũy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO