Triển vọng kinh tế toàn cầu khá hơn

An Bình| 27/01/2021 06:00

Ngày 26/1, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã bày tỏ lạc quan về tình hình kinh tế thế giới năm 2021. Theo đó, dự kiến kinh tế toàn cầu tăng trưởng 5,5% trong năm nay, cao hơn 0,3% so với dự báo đưa ra hồi tháng 10/2020.

Triển vọng kinh tế toàn cầu khá hơn

Trong buổi họp báo trực tuyến công bố báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới, nhà kinh tế trưởng của IMF Gita Gopinath cũng dự báo GDP toàn cầu sẽ tăng 4,2% vào năm 2022. 

Theo bà Gopinath, phần lớn sự phục hồi kinh tế hiện nay phụ thuộc vào kết quả của "cuộc đua" giữa những biến thể mới của SARS-CoV-2 và vắc-xin nhằm chấm dứt đại dịch, cũng như khả năng của các chính sách hỗ trợ hiệu quả.

Theo bà, việc IMF điều chỉnh tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2021 đã phản ánh tác động tích cực của việc triển khai chương trình tiêm chủng tại một số quốc gia bên cạnh việc chính phủ một số nước như Mỹ và Nhật Bản ban hành chính sách hỗ trợ kinh tế và người dân vào cuối năm 2020.

Theo nhà kinh tế hàng đầu của IMF, đại dịch Covid-19 dự kiến khiến GDP toàn cầu từ năm 2020 đến năm 2025 mất 22.000 tỷ USD.

Dù lạc quan hơn về triển vọng toàn cầu, IMF vẫn ít nhiều bi quan về Eurozone - khu vực gồm 19 nền kinh tế thành viên. Dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Eurozone bị IMF cắt giảm 1 điểm phần trăm so với lần dự báo trước, còn 4,2%. Dự báo tăng trưởng năm nay của cả 4 nền kinh tế lớn nhất khu vực, gồm Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha, đều bị cắt giảm.

Theo báo cáo, hoạt động kinh tế ở Eurozone đã giảm tốc trong quý 4/2020 và xu hướng này có thể tiếp diễn trong quý I/2021. IMF không cho rằng nền kinh tế Eurozone sẽ quay trở lại mức sản lượng như ở thời điểm cuối năm 2019 trước cuối năm 2022.

Tuy nhiên, kinh tế Mỹ được IMF dự báo tăng tốc trong năm 2021. Báo cáo nâng dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ thêm 2 điểm phần trăm, nhờ đà phục hồi được đẩy nhanh trong nửa cuối năm 2020 và các biện pháp kích cầu mới. Theo IMF, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng trưởng 5,1% trong năm nay.

Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu của IMF cũng đánh giá gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD do tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất có thể đẩy sản lượng kinh tế Mỹ tăng 5% trong vòng 3 năm tới. IMF dự báo kinh tế Trung Quốc tăng 8% trong năm nay, giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 10.

"Kinh tế Trung Quốc đã quay trở lại mức trước đại dịch trong quý 4/2020, đi trước tất cả các nền kinh tế lớn khác. Mỹ được dự báo sẽ vượt qua mức trước đại dịch trong năm nay, đi trước khu vực Eurozone", bà Gopinath nhận định.

Đối với Nhật Bản, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2021 của nước này thêm 0,8% lên 3,1%, trong khi đó, kinh tế Ấn Độ sẽ tăng tới 11,5%, cao hơn 2,7% so với dự báo trước đó.

Như đã đưa tin, trước đó, trong báo cáo Tình hình và Triển vọng kinh tế thế giới công bố ngày 25/1, Liên Hợp Quốc dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 4,7% trong năm 2021, sau khi giảm 4,3% trong năm 2020 do đại dịch COVID-19, giảm mạnh hơn hai lần so với mức giảm trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Báo cáo cho rằng các biện pháp hỗ trợ mạnh và kịp thời đã ngăn chặn một thảm họa kinh tế như đại suy thoái trên toàn cầu.

(Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Triển vọng kinh tế toàn cầu khá hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO