Thế giới chia rẽ vì vaccine

Lê Phan| 28/05/2021 06:00

Trong khi những nước phát triển phương Tây đang tiến hành tiêm chủng rộng rãi nhờ nguồn cung ứng vaccine dồi dào, thì tại một số nước như Ấn Độ, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, hệ thống y tế quá tải và thiếu hụt vaccine trầm trọng.

Bai2-1-1742-1622012812.jpg

Dịch bệnh phân hóa giữa các nước

Chỉ trong hai ngày 20 và 21/5/2021, Ấn Độ đã có thêm hơn 1 triệu người nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 26 triệu, đứng thứ hai thế giới sau Mỹ và cao hơn 10 triệu ca so với nước xếp ngay sau đó là Brazil. 

Biến chủng mới cũng đang hoành hoành tại các quốc gia châu Á, đặc biệt là tại các nước Nam Á, Đông Nam Á. Như tại Sri Lanka hôm 20/5/2021 đã ghi nhận trên 3.400 ca nhiễm mới, mức cao nhất theo ngày kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này, nâng tổng số ca nhiễm lên gần 155.000 trường hợp. 

Malaysia trong cùng ngày cũng tiếp tục ghi nhận số ca tử vong do dịch và số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 ở mức cao kỷ lục. Hiện tại châu Á đã vượt qua châu Âu và vươn lên dẫn đầu về tổng số ca nhiễm, với hơn 48,2 triệu ca, cao hơn 2,2 triệu so với châu Âu, kế tiếp là Bắc Mỹ với gần 39,4 triệu ca.

Trong khi đó tại Mỹ, dù vẫn đang là nước có tổng số lượng người nhiễm và tử vong cao nhất thế giới, nhưng nước này đang dần tiến đến việc đạt được miễn dịch cộng đồng, khi công tác tiêm chủng vaccine cho kết quả tích cực, nhờ vào nguồn cung ứng vaccine dư thừa. Hôm 13/5/2021, Mỹ đã quyết định cho phép người đã tiêm chủng đầy đủ ngừng đeo khẩu trang ở ngoài trời và tiến đến loại bỏ nhu cầu giãn cách xã hội.

Châu Âu cũng đang bắt đầu mở cửa trở lại, khi ngày 19/5/2021, đại sứ từ 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí cần nới lỏng những biện pháp hạn chế áp dụng với khách từ ngoài EU, đặc biệt với những người đã tiêm vaccine ngừa Covid-19, ngay trước mùa Hè và cũng là mùa cao điểm du lịch, nhằm sớm khôi phục nền kinh tế. Theo đó, EU miễn kiểm dịch hay không bắt buộc cách ly 1 hay 2 tuần như trước đây đối với những người nước ngoài đến khu vực nếu đã được tiêm chủng đầy đủ.

Chia rẽ vì vaccine

Tình hình bùng phát dịch bệnh phân hóa giữa các khu vực càng làm xoáy sâu vào sự chia rẽ về vấn đề cung ứng vaccine trên toàn cầu. Trong khi những nước phát triển phương Tây đang tiến hành tiêm chủng rộng rãi nhờ nguồn cung ứng vaccine dồi dào, thì tại một số nước như Ấn Độ đang thiếu hụt trầm trọng.

Thời gian qua, nhiều lời kêu gọi các nước giàu chia sẻ vaccine cho các nước nghèo đã được đưa ra, gồm lãnh đạo nhiều quốc gia, các công ty dược và cả lãnh đạo đứng đầu của một số tổ chức quốc tế như WHO. Trước tình trạng này, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 19/5/2021 đã thông báo Mỹ sẽ chia sẻ 80 triệu liều vaccine cho các nước vào cuối tháng 6 này, trong khi EU cũng cho biết đã xuất khẩu 220 triệu liều vaccine ra khỏi khối. 

Bai2-2-2625-1622012812.jpg

Nhưng điều lớn hơn mà nhiều quốc gia đang kỳ vọng là nhận được quyền chủ động sản xuất vaccine để đảm bảo tự đáp ứng nhu cầu, với hơn 100 nước đã kêu gọi mà đứng đầu là Ấn Độ và Nam Phi. Trong khi phía Mỹ gần đây tỏ dấu hiệu ủng hộ bỏ quyền bằng sáng chế với vaccine Covid-19, thì đề xuất này đang gây chia rẽ ở khắp nơi. 

Như tại châu Âu, các nước Pháp, Áo, Ý, Nga đều ủng hộ việc dỡ bỏ toàn cầu đối với các rào cản về bằng sáng chế vaccine, nhưng Đức - nền kinh tế lớn nhất EU, tỏ rõ quan điểm không ủng hộ đề xuất này. Nước này tuyên bố việc đẩy mạnh sản xuất vaccine phụ thuộc vào khả năng sản xuất và công nghệ chứ không phải vấn đề bản quyền. Đây cũng là quan điểm mà tỷ phú Bill Gates từng nêu ra, khi cho rằng việc chia sẻ công thức là không đủ mà cần phải có những công nghệ sản xuất đi kèm để đảm bảo tính khả thi.

Thay vì ủng hộ bỏ quyền sở hữu trí tuệ để vaccine có thể được sản xuất ở nhiều nước, Đức muốn đẩy mạnh năng lực sản xuất ở Đức, EU và các nơi khác để cung cấp vaccine cho toàn cầu. Đáng lưu ý là một số ý kiến cho rằng việc Mỹ gần đây thể hiện sự ủng hộ là để xoa dịu những chỉ trích từ các nghị sĩ Đảng Dân chủ và áp lực quốc tế, còn trong quá trình đàm phán với WTO, đoàn Mỹ sẽ cố gắng thu hẹp phạm vi từ bỏ.

Về phía các hãng dược, chưa có một công ty nào lên tiếng ủng hộ đề xuất bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine. Một số đã nói thẳng là điều này có thể phá vỡ chuỗi cung ứng vốn đã bị kéo căng hết cỡ và mong manh hiện nay. Rõ ràng khi nhiều nước tự chủ động sản xuất vaccine theo công thức được chuyển giao, ngoài tính an toàn và hiệu quả của vaccine khó được đảm bảo như đã nói, còn có thể gây ra tình trạng chuỗi cung ứng bị xáo trộn và phân mảnh. Ngoài ra, nếu lợi nhuận bị ảnh hưởng vì phải từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ, các hãng dược sẽ giảm động lực nghiên cứu nếu xảy ra một đại dịch mới.

Cho đến nay, các nước thành viên WTO đã trải qua hàng loạt cuộc họp nhưng vẫn không đạt được tiến triển đáng kể về đề xuất từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine. Kết quả cuối cùng về việc bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine Covid-19 sẽ được quyết định trong các cuộc họp trong vài tuần và những tháng tới bởi tất cả các nước thành viên WTO, quyết định cuối cùng ra sao khó mà đoán trước được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thế giới chia rẽ vì vaccine
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO