Sách nói: Sôi động thị trường quốc tế

Hồng Như| 14/06/2021 09:00

Deloitte dự đoán, đến năm 2027, thị trường sách nói được định giá khoảng 15 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 24,4%.

Sách nói: Sôi động thị trường quốc tế

Xu hướng tất yếu

Deloitte nhấn mạnh trong báo cáo: “Im lặng có thể là vàng nhưng nó không phải là điều tốt nhất khi lái xe đi làm, tập thể dục hay làm việc nhà. Sách nói sẽ trở thành điều thiết yếu trong cuộc sống”.

Sách nói xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1930 tại các thư viện ở Mỹ, phục vụ cho người khiếm thị và người cao tuổi. Trước đó, sách nói được thu vào các đĩa CD và cung cấp trực tiếp tại thư viện. Những năm gần đây, khi các thiết bị ghi âm, tích hợp âm thanh phát triển, các nhà xuất bản dễ dàng chuyển đổi các bản sách giấy sang dạng âm thanh.

Nhiều chuyên gia nhận định, xu hướng tiếp cận thông tin của người dùng đang dần thay đổi trước tốc độ công nghệ hóa tối ưu cuộc sống. Người dùng ưu tiên sử dụng sách nói vì tính tiện dụng của nó. Họ có thể nghe khi đang làm việc, lái xe mà không bị hạn chế về mặt vật lý như sách giấy hoặc sách điện tử. Trong một khảo sát của GoodEReader, có 57% người dùng sách nói tại Anh cho rằng họ không có thời gian để cầm một quyển sách. Và họ nhận thấy rằng hành động nghe một cuốn sách nói mang tính nhập vai và thân mật hơn khi đọc.

Về khuynh hướng đọc, hiện phân khúc phi hư cấu, bao gồm các thể loại sách nói phổ biến như: lịch sử, tiểu sử và phát triển bản thân được dự đoán sẽ tăng trưởng nhanh hơn các thể loại khác với tốc độ CAGR là 25%. Lý do chủ yếu phụ thuộc vào sự gia tăng của các loại sách phát triển bản thân, giáo dục và xu hướng chọn lựa của các bậc phụ huynh. Đa phần phụ huynh chọn thể loại này cho các bé nghe, vừa hạn chế thời gian sử dụng màn hình điện thoại vừa gián tiếp giáo dục con. 

Thể loại viễn tưởng bao gồm các sách bí ẩn, giả tưởng, kinh dị tội phạm và khoa học, theo số liệu năm 2019, chiếm thị phần doanh thu cao hơn 65,6% tổng thị trường và có khả năng sẽ giữ vị trí thống trị trong giai đoạn 2020 - 2027. Nguyên nhân là do thể loại này có một nhóm khách hàng tiềm năng và trung thành.

Tuy nhiên, dù thể loại nào thì độ dài của sách nói vẫn là một trong những yếu tố quan trọng quyết định mức độ phổ biến của nó. Thông thường, độ dài tiêu chuẩn của một sản phẩm âm thanh sẽ dao động từ 7 - 9 tiếng. Và xu hướng chung của người dùng là chọn mua một quyển sách có thời gian ngắn hơn.

Để thu hút khách hàng mà vẫn đảm bảo nội dung phát hành, hiện một số công ty sản xuất sách nói đang tung ra các bộ sách với 5, 6 phần nhỏ và nếu người dùng mua trọn bộ sẽ được giảm giá.

Với cách thức này, các công ty cũng đáp ứng đúng tâm lý của người dùng. Phần lớn họ thích mua các gói đăng ký hơn là tải xuống từng quyển vì gói đăng ký cung cấp quyền truy cập được vào nhiều đầu sách và sử dụng được tất cả tính năng của kho sách. Chi phí đăng ký trung bình từ 10 - 15 USD/tháng, rẻ hơn chi phí mua từng file sách nói riêng lẻ, thường mất từ 20 - 30 USD/file.

Mỹ và Trung Quốc dẫn đầu thị trường

Năm 2020 và 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên khắp thế giới, thời gian người dùng ở nhà và tìm kiếm các phương tiện giải trí, giáo dục cao, thị trường sách nói theo đó cũng sôi động theo.

Chris Lynch - đồng Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất bản sách nói (APA), Giám đốc Công ty xuất bản Simon & Schuster Audio, cho biết: "So với năm 2019, thị trường sách nói ở Mỹ đang tăng trưởng bền vững ở mức 16%. 8 năm liên tiếp, sự tăng trưởng đều giữ ổn định ở mức 2 con số. Đây là một hiện tượng của ngành xuất bản".

Theo ước tính hồi tháng 4 của Công ty nghiên cứu thị trường eMarketer, năm 2020 hơn 70% người trưởng thành ở Mỹ nghe nội dung âm thanh kỹ thuật số ít nhất 1 lần/tháng, thời gian nghe được ghi nhận ở mức tăng trưởng 8,3% trong tổng số 1 giờ 29 phút mỗi ngày. eMarketer cũng dự đoán, vào năm 2022, thời gian trung bình dành cho việc nghe sẽ tăng lên 1 giờ 37 phút mỗi ngày.

Song song với Hoa Kỳ, sách nói ở Trung Quốc cũng đang trên đà phát triển. Theo Deloitte, Trung Quốc và Hoa Kỳ đang chiếm 75% tổng số người nghe sách nói trên toàn cầu. Giai đoạn 2020 - 2027, Trung Quốc sẽ là một trong hai quốc gia (cùng với Nhật Bản) dẫn đầu thị trường sách nói ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. 

Đầu tháng 5/2021, Ximalaya - công ty cung cấp sách nói và podcast lớn nhất Trung Quốc đã IPO trên thị trường chứng khoán. Trong quý I năm 2021, Ximalaya có 250 triệu người dùng, doanh số năm 2020 tăng 51,3% so với năm trước, đạt mức 4,05 tỷ NDT (khoảng 633 triệu USD).

Yu Jianjun - người sáng lập Ximalaya cho biết: “Nhiều người dùng đang sẵn sàng trả tiền cho các nội dung chất lượng cao và sách nói là một trong những lựa chọn của họ”. Điểm thu hút của các loại sách nói ở Trung Quốc là có thể hỗ trợ đắc lực cho việc học tiếng Hoa nên một phần khách hàng của thị trường này là người nước ngoài.

Dự kiến thị trường sách nói của Mỹ, Trung Quốc và toàn cầu vẫn sẽ tăng trưởng và tạo ra một cuộc cạnh tranh lớn trong ngành xuất bản. Malcolm Gladwell - nhà báo Anh và là tác giả của quyển Đọc vị người lạ chia sẻ: “Sách nói đang tạo ra một cuộc cạnh tranh thú vị với các ấn bản điện tử và sách giấy. Đây có thể là động lực để các loại hình này thay đổi tích cực hơn và dần thay đổi xu hướng sáng tác của các tác giả”. 

Gladwell cũng khẳng định: “Podcast và sách nói khiến cách khai thác nội dung của tôi trở nên thân mật và tình cảm hơn. Ban đầu, tôi không quen nhưng rồi được người dùng phản hồi tốt, tôi dần hứng thú với cách kể chuyện mới và sẽ phát triển theo hướng này trong thời gian tới”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sách nói: Sôi động thị trường quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO