Nhiều nước tăng lãi suất, FED vẫn nói không

Lê Phan| 26/07/2021 04:19

Tính từ đầu năm đến nay đã có 17 ngân hàng trung ương (NHTƯ) nâng lãi suất, trong đó có những ngân hàng nâng lãi suất 3-4 lần. Diễn biến này cho thấy xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại không chỉ đã bắt đầu mà còn đang tăng tốc tại một số nền kinh tế.

Thắt chặt chính sách tiền tệ

Chile là quốc gia mới đây, nhất đã nâng lãi suất chủ chốt hôm 14/7/2021 vừa qua, đánh dấu lần tăng đầu tiên trong hai năm rưỡi qua. Nước này cũng trở thành nền kinh tế mới nổi thứ 7 quyết định tăng lãi suất tính từ đầu năm đến nay, với mức tăng 25 điểm cơ bản, lên 0,75%. Được biết lạm phát trong tháng 6 vừa qua của Chile nước này đã leo lên mức 3,8%, vượt mục tiêu 3%.

Trước đó, vào giữa tháng 6, hai NHTƯ lớn là Brazil và Nga cũng đều nâng lãi suất lần thứ ba trong năm nay, với tổng mức tăng sau ba lần lần lượt là 2,25% và 1,25%, lên mức tương ứng 4,25% và 5,5%. Cả hai nước này cũng phát đi tín hiệu tiếp tục nâng lãi suất mạnh trong những tháng tới. Đáng lưu ý là Brazil đối mặt với mức lạm phát 8%, trong khi lạm phát của Nga ở mức 6% trong tháng 6/2021.

Tuy nhiên, Armenia mới là quốc gia quán quân giữ số lần tăng lãi suất nhiều nhất trong 7 tháng qua, khi đã có đến 4 lần nâng lãi suất, với lần điều chỉnh gần nhất là vào ngày 15/6/2021, lên mức 6,5%. Tổng mức tăng lãi suất của nước này trong 4 lần là 1,25%, nhưng quốc gia Tây Nam Á này cho biết sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.

Chủ tịch FED vẫn “bình chân như vại” trước áp lực lạm phát

Chủ tịch FED vẫn “bình chân như vại” trước áp lực lạm phát

Hầu hết lý do được các nước này đưa ra là NHTƯ đã giữ lãi suất thấp trong một thời gian để đảm bảo không bị cản trở trong quá trình phục hồi nền kinh tế, nhưng giờ là lúc tăng lãi suất nhằm đối phó với lạm phát gia tăng. Áp lực lạm phát đang là mối lo lớn nhất hiện nay, trong bối cảnh giá hàng hóa toàn cầu tăng vọt, đẩy lạm phát tại nhiều quốc gia vượt mục tiêu đề ra.

Trong khi đó, các NHTƯ ở Trung Âu như Hungary và Czech, cũng dự kiến sẽ sớm nâng lãi suất. Tại châu Á, NHTƯ Hàn Quốc có thể sẽ một lần nữa đi đầu trong chu kỳ tăng lãi suất ở khu vực này. Riêng khu vực Đông Nam Á, Fitch Ratings Inc - một cơ quan dự báo tín dụng ở Mỹ mới đây dự báo Malaysia sẽ bắt đầu chu kỳ thắt chặt tiền tệ vào năm 2022 với một đợt nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, khi lạm phát nước này đang gia tăng trở lại.

FED vẫn nói không

Một số nền kinh tế khác tuy chưa tăng hoặc chưa có kế hoạch tăng lãi suất, nhưng cũng đã bắt đầu rút dần các gói kích thích tiền tệ. Đơn cử như NHTƯ Canada (BOC) hôm 14/7 quyết định vẫn giữ nguyên lãi suất tại 0,25% nhưng thông báo thu hẹp chương trình mua tài sản, đánh dấu lần thu hẹp thứ hai trong năm nay và là lần thứ ba tính từ tháng 10 năm ngoái. Theo đó, BOC sẽ giảm giá trị mua từ 3 tỷ USD xuống còn 2 tỷ USD/tuần, sau khi đã giảm từ 4 tỷ USD xuống còn 3 tỷ USD/tuần vào tháng 4 vừa qua. 

Tương tự, NHTƯ Úc cũng đang đảo ngược chính sách với quyết định giảm giá trị mua trái phiếu hằng tuần xuống còn 4 tỷ USD từ mức 5 tỷ USD hiện tại và có thể tiếp tục giảm xuống vào tháng 11 tới. Quốc gia láng giềng của Úc là New Zealand đã quyết định kết thúc chương trình mua tài sản trước ngày 23/7/2021. Israel - quốc gia đã đạt được miễn dịch cộng đồng nhờ chương trình tiêm chủng vaccine toàn dân thành công, cũng dừng chương trình cho vay hỗ trợ đã triển khai vào năm ngoái để giúp các doanh nghiệp đối phó với đại dịch Covid-19.

Hầu hết lý do được các nước đưa ra là NHTƯ đã giữ lãi suất thấp trong một thời gian để đảm bảo không bị cản trở trong quá trình phục hồi nền kinh tế, nhưng giờ là lúc tăng lãi suất nhằm đối phó với lạm phát gia tăng.

Trong khi đó, NHTƯ lớn nhất thế giới là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn chưa có bất kỳ hành động nào về thắt chặt tiền tệ, đã tác động đến chính sách tiền tệ của nhiều nền kinh tế khác và thúc đẩy một số NHTƯ nói trên quyết định tăng lãi suất sớm hơn.

Trong cuộc họp gần đây, FED cho biết sẽ chỉ nâng lãi suất từ năm 2023, dù thị trường đang dự báo sẽ có ít nhất một đợt nâng lãi suất trong năm 2022. Bất chấp lạm phát tại Mỹ đã nằm ở mức cao trong những tháng gần đây, cụ thể tháng 5 đã tăng lên mức 5% và tháng 6 lên mức 5,4%, cao nhất kể từ năm 2008 và cũng đã vượt mục tiêu 2%, nhưng FED vẫn “bình chân như vại”, bởi theo quan điểm của Chủ tịch FED Jerome Powell, lạm phát chỉ xuất phát từ các yếu tố tạm thời. 

Song song đó, FED cũng chưa có bất kỳ động thái nào đáng kể về việc “siết van” các gói hỗ trợ. Dù vậy, gần đây Chủ tịch FED cho biết các thành viên đã tổ chức cuộc bàn luận đầu tiên về việc giảm bớt nhịp độ mua trái phiếu mỗi tháng, nhưng chưa biết đến khi nào mới triển khai. Ở thời điểm này, FED vẫn mua ít nhất 80 tỷ USD trái phiếu chính phủ và 40 tỷ USD chứng khoán đảm bảo bằng khoản thế chấp (MBS) mỗi tháng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhiều nước tăng lãi suất, FED vẫn nói không
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO