Nhiều dòng tiền đang thoát khỏi những tài sản rủi ro

Lê Phan| 26/08/2021 05:56

Có thể nói, sự xuất hiện của biến thể Delta làm đảo ngược hầu hết thành quả chống đại dịch Covid-19 của các nước. Trước nguy cơ này, dòng tiền rút dần khỏi các kênh đầu tư rủi ro và chạy vào các tài sản an toàn cũng không có gì lạ.

Tiền thoát khỏi tài sản rủi ro

Chỉ trong vòng ba phiên từ ngày 16-18/8/2021, chỉ số chứng khoán Dow Jones của Mỹ đã giảm đến 670 điểm, tương đương mức giảm gần 2%. Các chỉ số chứng khoán như S&P 500 hay Nasdaq  cũng như nhiều thị trường chứng khoán khác khắp toàn cầu cũng chìm trong sắc đỏ, khi dòng tiền đang bị rút ra khỏi kênh đầu tư rủi ro này, sau chuỗi tăng điểm mạnh mẽ suốt từ đầu năm. 

Cần biết rằng, một số nhà đầu tư lớn đã bắt đầu thoát ra khỏi thị trường trong những tháng gần đây. Tập đoàn SoftBank của tỷ phú Masayoshi Son đã bán gần 14 tỷ USD cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết trong quý II/2021, gần gấp ba lần quý trước đó khi tập đoàn này tăng cường đầu tư vào các dự án khởi nghiệp công nghệ.

bai-2-20210819-WTI-7555-1629796066.jpg

Một số nhà đầu tư đang lo ngại khi nhìn thấy sự tương đồng giữa mức tăng trưởng của thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay với mẫu hình từng được thấy vào năm 1987. Thời điểm đó, mức tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn trước đó đã bị xóa sạch bởi sự sụp đổ của thị trường diễn ra vào "ngày thứ hai đen tối" trong tháng 10/1987.

Quay lại quá khứ, năm 1985 và 1986 đã chứng kiến chỉ số S&P 500 tăng lần lượt là 31% và 18%, trùng khớp ngẫu nhiên với mức tăng trưởng trong năm 2019 và 2020 vừa qua. Dù vậy, sự tăng trưởng tiếp tục của thị trường từ đầu năm đến nay vẫn chưa đến mức "nóng sốt" như những gì đã diễn ra trong những tháng đầu năm 1987.

Không chỉ chứng khoán, thị trường dầu sau đà hồi phục mạnh gần đây cũng đang chịu áp lực điều chỉnh. Giá dầu WTI của Mỹ đã giảm đến 15% tính từ đầu tháng 8 đến phiên ngày 19/8/2021, còn nếu tính từ đỉnh cao trên 76 USD/thùng, giá dầu đã "bốc hơi" gần 18%. Giá dầu Brent cũng đã giảm gần 14% tính từ đầu tháng 8 đến nay.

Ngược lại, những tài sản có tính an toàn như đô la Mỹ vẫn tiếp tục đi lên, với chỉ số USD Index tăng gần 2% tính từ đầu tháng 8 và tăng hơn 4% tính từ cuối tháng 5, hiện vượt mốc 93 điểm.  Đáng lưu ý là giá vàng cũng đang phát tín hiệu phục hồi trở lại trước nhu cầu trú ẩn rủi ro đang quay trở lại.

Động lực dẫn dắt

Dịch bệnh bùng phát trở lại với biến chủng Delta đang đe dọa khả năng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu nói chung và cả những nền kinh tế phát triển nói riêng, bất chấp không ít quốc gia trong số này đã đạt được kết quả tích cực từ chính sách tiêm vaccine ngừa SARS-CoV-2 trong thời gian qua. Đơn cử như Israel - quốc gia thuộc nhóm hàng đầu thế giới về tỷ lệ tiêm phòng, hiện cũng là quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất thế giới tính trên bình quân quy mô dân số. Số ca nhiễm tính theo ngày đã tăng gấp đôi trong hai tuần qua, đưa Israel trở lại "điểm nóng mới nổi" trong các bảng thống kê về đại dịch của thế giới.

Những tài sản có tính an toàn như đô la Mỹ vẫn tiếp tục đi lên, với chỉ số USD Index tăng gần 2% tính từ đầu tháng 8 và tăng hơn 4% tính từ cuối tháng 5, hiện vượt mốc 93 điểm. Đáng lưu ý là giá vàng cũng đang phát tín hiệu phục hồi trở lại trước nhu cầu trú ẩn rủi ro đang quay trở lại.

Xu hướng tương tự cũng đang diễn ra tại Mỹ. Sau một thời gian "hạ nhiệt", ngày 18/8/2021, Mỹ lại trở thành tâm dịch thế giới với trên 150.000 ca dương tính, trong đó các ca nhiễm chủng Delta chiếm gần như 100%. Thống kê chính thức cho thấy Mỹ đã có trên 1.000 ca tử vong trong ngày 18/8/2021, tức là cứ một giờ thì có khoảng 42 bệnh nhân không qua khỏi nguy kịch. 

Có thể nói, sự xuất hiện của biến thể Delta làm đảo ngược hầu hết thành quả chống dịch của các nước. Trước nguy cơ này, dòng tiền rút dần khỏi các kênh đầu tư rủi ro và chạy vào các tài sản an toàn cũng không có gì lạ, trong khi xu thế phục hồi của nền kinh tế có thể bị chững lại vì các đợt bùng phát dịch.

Dù các nước vẫn tiếp tục mở rộng chính sách tài khóa để ứng phó với dịch bệnh và kích thích kinh tế, nhưng ngược lại chính sách này đang có dấu hiệu sẽ sớm thắt chặt trở lại tại nhiều nước. Như biên bản cuộc họp được công bố mới đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho thấy, nhiều thành viên của cơ quan này nhận định rằng các điều kiện kinh tế và tài chính có thể đã đủ để giảm quy mô mua tài sản trong vài tháng tới.

"Nhiều thành viên cũng nhận thấy một số lợi ích tiềm ẩn từ việc chấm dứt chương trình mua trái phiếu trước khi quyết định nâng lãi suất", theo biên bản cuộc họp. Các nhà làm chính sách cũng bàn luận về việc tách rời việc giảm quy mô tài sản với việc nâng lãi suất. Trước đó, ngày 18/8/2021, Chủ tịch FED chi nhánh St. Louis là James Bullard từng kỳ vọng nhịp độ mua tài sản sẽ kết thúc vào quý I/2022, nhanh hơn các đợt trước đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhiều dòng tiền đang thoát khỏi những tài sản rủi ro
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO