Ngành năng lượng Nga bắt đầu ngấm đòn trừng phạt

Phiên An| 25/03/2022 09:00

Các lệnh trừng phạt không trực tiếp đánh vào dầu khí Nga, nhưng những dấu hiệu khó khăn ban đầu đã xuất hiện.

Ngành năng lượng Nga bắt đầu ngấm đòn trừng phạt

Một nhà máy lọc dầu ở Omsk, Nga. Ảnh: Reuters

Chiến dịch quân sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine và làn sóng trừng phạt của phương Tây đang bắt đầu tác động vào ngành dầu khí - động cơ kinh tế của Nga. Mỹ và Canada đã dừng nhập khẩu dầu Nga, dù họ vốn cũng mua khá ít. Trong khi đó, Liên minh châu Âu vẫn đang xem xét lệnh cấm này.

Nhìn chung, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đến nay tránh tác động trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga. Tuy nhiên, họ đã chặn khả năng Nga tiếp cận với nguồn tài chính và công nghệ tiên tiến để phát triển lĩnh vực năng lượng.

Việc các hãng năng lượng phương Tây rút khỏi Nga đang gây gián đoạn các dự án lớn từ Bắc Cực đến Thái Bình Dương. Thương nhân và nhà băng thì tránh né những chuyến hàng chở dầu của Nga vài tuần gần đây.

Tất cả những điều này đang đe dọa sản lượng dầu của Nga, nơi cứ 10 thùng thì có một thùng được xuất khẩu. Các quốc gia dầu khí bị trừng phạt khác như Iran và Venezuela, từng phải vật lộn phục hồi vì tác động lớn với sản xuất mà các lệnh cấm gây ra.

Các nhà phân tích cảnh báo Nga cũng có thể gặp tình trạng tương tự. "Điều này sẽ khiến ngành công nghiệp bị ảnh hưởng trong nhiều năm, làm mất khả năng cạnh tranh", Mikhail Krutikhin - chuyên gia tại hãng tư vấn RusEnergy đánh giá.

Dấu hiệu khó khăn đã bắt đầu xuất hiện. Đầu tuần này, Nga cho biết xuất khẩu dầu qua đường ống Caspian Pipeline Consortium từ Kazakhstan đến Biển Đen có thể tạm thời giảm khoảng một triệu thùng mỗi ngày - tương đương 1% nhu cầu dầu thế giới - do bão làm hư hại.

Các quan chức Nga cho biết việc sửa chữa có thể mất đến hai tháng. Caspian Pipeline Consortium cho biết việc tìm kiếm phụ tùng thay thế "có thể khá khó khăn trong tình hình thị trường hiện tại". Một phát ngôn viên của Chevron thì cho biết công ty "đang đánh giá tình hình". Caspian Pipeline Consortium thuộc sở hữu của cả Nga, Kazakhstan, Tập đoàn Chevron (Mỹ) và nhiều bên khác.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sản lượng dầu của Nga dự kiến giảm 15% trong năm nay xuống mức thấp nhất kể từ năm 2003. Các chuyên gia tư vấn của Rystad Energy nói rằng sản xuất có thể không bao giờ trở lại mức đỉnh trước xung đột nếu các lệnh trừng phạt kéo dài vài năm.

Khí đốt tự nhiên của Nga là nguồn cung cấp năng lượng chính cho châu Âu. Dù chưa thể cấm nhập khí đốt, các nhà hoạch định chính sách châu Âu cũng đang gấp rút giảm bớt sự phụ thuộc vào Moskva. Đức đã đóng băng dự án đường ống Nord Stream 2 trị giá 11 tỷ USD - vốn có khả năng tăng gấp đôi công suất truyền tải hiện có của Nga.

Và dù dầu của Nga vẫn đang chảy sang châu Âu, nhiều thương nhân đã tránh mua do các ngân hàng từ chối cấp vốn sau khi xung đột Ukraine nổ ra. Hiện tại, dầu thô Urals chuẩn của Nga đang được bán với giá khoảng 85 USD mỗi thùng, thấp hơn đáng kể so với dầu Brent (115 USD).

"Nếu xu hướng này kéo dài, ngay cả khi xuất khẩu dầu không bị trừng phạt trực tiếp, các bể chứa của Nga cũng sẽ đầy và không có nơi nào khác để trữ dầu", George Voloshin - nhà phân tích tại hãng tư vấn Aperio Intelligence cho biết.

Giới chức Nga thì nói rằng nước này sẽ đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và cố gắng duy trì sản lượng dầu ổn định. "Có lẽ, chúng tôi sẽ kiếm được ít hơn", Phó Thủ tướng Alexander Novak cho biết hồi đầu tuần. "Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để không làm giảm xuất khẩu".

Hôm 23/3, ông Novak cho biết các công ty dầu khí của Nga sẽ gặp khó khăn về logistics và thanh toán trong tháng 4 và tháng 5 vì các lệnh trừng phạt.

Ngay sau khi lực lượng Nga tiến vào Ukraine, BP cho biết sẽ thoái gần 20% cổ phần của mình tại nhà sản xuất dầu Rosneft. Shell thì cho biết sẽ chấm dứt các liên doanh với Nga. Exxon Mobil nói sẽ ngừng sản xuất một dự án dầu khí trị giá hàng tỷ USD mà họ triển khai trên đảo Sakhalin ở Bắc Thái Bình Dương.

Những ngày gần đây, các công ty dịch vụ dầu mỏ lớn nhất thế giới, Halliburton, Baker Hughes và Schlumberger, cho biết đang ngừng hoạt động hoặc tạm ngừng đầu tư và triển khai công nghệ mới ở Nga. Việc này sẽ gây ra tác động lớn, do các công ty nước ngoài đang hỗ trợ đáng kể cho lĩnh vực dầu khí của Nga.

Theo hãng tư vấn năng lượng Vygon Consulting có trụ sở tại Moskva, các công ty nước ngoài đang cung cấp 60% phần mềm cho ngành. Bên cạnh đó, trong khi các doanh nghiệp Nga chịu trách nhiệm hầu hết việc khoan cơ bản, các công ty quốc tế thống trị về kỹ thuật thăm dò và xử lý tiên tiến.

"Việc này sẽ có tác động đến sản xuất dầu, vì bạn sẽ thiếu các khoản đầu tư mới và công nghệ cần thiết", Audun Martinsen - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu dịch vụ năng lượng tại Rystad cho biết.

Sản lượng dầu của Nga dự kiến đạt đỉnh trong thập kỷ này. Hầu hết các giếng đang hoạt động đều đã cũ và đòi hỏi kỹ thuật tốn kém, cần nhiều lao động. Các công ty Nga đang tìm cách tiếp cận các kỹ thuật từ ngành dầu đá phiến Mỹ, để khai thác nhiều nguồn dầu hơn.

"Nga đã chật vật trong nhiều năm để ngăn chặn sụt giảm sản lượng", Martinsen nói. Vì vậy, nếu không có công nghệ nước ngoài mới, việc sụt giảm có thể càng tăng tốc.

Tương tự, với khí đốt, Moskva đặt cược lớn vào việc nâng cao thị phần khí hóa lỏng toàn cầu, bằng cách dựa vào các công ty quốc tế để khai thác trong điều kiện khắc nghiệt của Bắc Cực. Martinsen cho biết Nga hiện không được tiếp cận các công nghệ cần thiết để phát triển cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, các hãng lọc dầu sẽ phải vật lộn tìm nguồn cung một số hóa chất cần thiết cho quá trình tinh chế.

Dù vậy, Alexander Gabuev - thành viên cấp cao của Trung tâm Carnegie Moskva, cho biết các công ty năng lượng của Nga có nhiều kỹ sư được đào tạo ở phương Tây. Họ sẽ cố gắng phát triển công nghệ dù có thể không tiên tiến và an toàn bằng.

Bên cạnh đó, các nhà phân tích dự đoán Nga sẽ tìm đến Trung Quốc để được giúp đỡ trong các khoản đầu tư vào năng lượng. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng sẽ rơi vào thế khó do lo ngại các lệnh trừng phạt của phương Tây, Henning Gloystein - Giám đốc phụ trách năng lượng, khí hậu và tài nguyên tại công ty tư vấn Eurasia đánh giá.

Năng lượng hiện là vũ khí địa chính trị mạnh nhất của Moskva, được sử dụng để tạo ưu thế trên bàn đàm phán với các khách hàng và chính phủ nước ngoài. Ngành năng lượng đi xuống sẽ tác động lớn đến nền kinh tế, khi lĩnh vực dầu khí đóng góp khoảng 40% ngân sách. Theo cách nhà phân tích, khoảng 1,5 triệu người trong ngành này có thể mất việc vào năm tới.

(Theo VnExpress)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành năng lượng Nga bắt đầu ngấm đòn trừng phạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO