Mỹ có thể quay lại CPTPP

Lê Phan| 26/11/2020 07:48

Có nhiều lý do để Mỹ tìm kiếm một hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), từ tăng cường ảnh hưởng địa - chính trị, củng cố vị thế trong khu vực, đa dạng hóa chuỗi cung ứng giữa thời dịch Covid-19 và các cuộc thương chiến, cho đến cạnh tranh với Trung Quốc.

Bóng gió về việc tái đàm phán

Cùng với việc ông Joe Biden được tuyên bố là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, nhiều chuyên gia kinh tế gần đây đã dự báo về khả năng Mỹ có thể theo đuổi trở lại CPTPP, vốn đã được cựu Tổng thống Obama và chính ông Biden - thời còn là phó tổng thống trong nhiệm kỳ Obama, theo đuổi trong một thời gian dài, khi đó được xem là một trong chính sách "xoay trục sang châu Á" của chính quyền Barack Obama.

Nhà kinh tế học Mỹ Stephen Roach trong một cuộc phỏng vấn gần đây nhận định: "Tôi nghĩ có khả năng chúng ta sẽ quay trở lại khuôn khổ CPTPP đã được đàm phán rất kỹ lưỡng dưới thời chính quyền của Tổng thống Barack Obama và ông Joe Biden. Mặc dù không bao gồm Trung Quốc, nhưng đây là một hiệp định đa phương, bao gồm nhiều quốc gia lớn nhất, hùng mạnh nhất trên thế giới".

bai-1-my-trung-1-4273-1606277790.jpg

Dù cả ông Biden và ông Trump đều không nói họ sẽ tìm cách tham gia CPTPP, nhưng cả hai đều bày tỏ sự ủng hộ đối với ý tưởng này ở những góc độ khác nhau. Ông Joe Biden ủng hộ CPTPP và gần đây ông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Mỹ phải thiết lập các quy tắc về thương mại. Trong khi đó, mặc dù ông Donald Trump đã phản đối CPTPP vào năm 2016, nhưng vào năm 2018, với tư cách là tổng thống, ông gợi ý rằng Mỹ có thể tham gia FTA này và để ngỏ khả năng Washington sẽ đàm phán.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 càng cho thấy những lỗ hổng của chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay, từ sản phẩm y tế đến chất bán dẫn, do đó việc thiết lập chuỗi cung ứng bền vững với các đối tác đáng tin cậy là một giải pháp quan trọng để tăng cường khả năng phục hồi trong các mạng lưới này, và CPTPP đáp ứng yêu cầu đó. 

Tham gia CPTPP sẽ là một cách chắc chắn giúp Mỹ củng cố các mối quan hệ chiến lược và kinh tế với châu Á - khu vực đã trở thành động lực cho tăng trưởng toàn cầu và dự kiến sẽ chiếm 50% nền kinh tế toàn cầu vào năm 2040. 

Cạnh tranh với Trung Quốc

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa được ký kết ngày 15/11/2020 vừa qua, giới phân tích cho rằng không chỉ giúp Trung Quốc giành lợi thế về kinh tế mà còn tăng vị thế ảnh hưởng địa - chính trị trong khu vực, buộc Mỹ phải có những giải pháp đột phá về vấn đề thương mại với khu vực châu Á.

Trước những thiệt hại của cuộc thương chiến với Mỹ suốt hai năm qua, giờ đây Trung Quốc có thể tận dụng RCEP để giải tỏa bớt áp lực, đẩy mạnh phân phối hàng hóa ở các thị trường thay thế tại các quốc gia thành viên RCEP, thay vì phụ thuộc quá lớn vào thương mại với Mỹ như những năm qua. Về phần mình, Mỹ vẫn chưa có một hiệp định đa phương nào mới để đa dạng hóa chuỗi cung ứng cũng như thị trường tiêu thụ thay thế Trung Quốc.

Mỹ cũng có lý do để lo ngại khi Trung Quốc gần đây cũng bày tỏ mối quan tâm được gia nhập vào CPTPP - hiệp định do chính Mỹ thiết kế để phục vụ cho lợi ích chiến lược và là ưu tiên hàng đầu trong chính sách thương mại của Washington, cũng như nhằm kiềm chế Trung Quốc khi Washington mời các nước láng giềng của Bắc Kinh tham gia vào một thỏa thuận thương mại không có nền kinh tế lớn nhất châu Á này, tuy nhiên đã bị hủy bỏ dưới thời Tổng thống Trump.

Kể từ khi Mỹ rút khỏi CPTPP, Trung Quốc đã âm thầm tiếp cận một số nước thành viên hiệp định để tìm hiểu thêm về thỏa thuận cũng như quan điểm của các nước này về việc Trung Quốc gia nhập CPTPP. Hồi cuối tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu tại Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) cho rằng Trung Quốc có "thái độ tích cực và cởi mở" đối với việc tham gia CPTPP. 

1434354-1153-1606277790.jpg

Cùng với RCEP, CPTPP có thể giúp Trung Quốc giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ cũng như khả năng dễ tổn thương của nền kinh tế trước hành động tăng thuế và các biện pháp trừng phạt khác của Washington. Đó còn là hành động để Bắc Kinh chứng minh cho thế giới thấy rằng Trung Quốc nghiêm túc với tự do hóa thương mại, trong khi Mỹ đang trượt sâu hơn vào chủ nghĩa bảo hộ.

Mà không chỉ Trung Quốc, nước Anh cũng thể hiện sự quan tâm đến CPTPP, khi vào giữa tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế của Vương quốc Anh - bà  Liz Truss đã gặp 11 thành viên của CPTPP để thảo luận về khả năng Anh gia nhập hiệp định này nhằm mục tiêu đảm bảo có các cơ hội thương mại và đầu tư gia tăng, giúp kinh tế Anh khắc phục thách thức chưa từng có do đại dịch Covid-19.

Trước tình thế này, rõ ràng Mỹ không muốn đứng ngoài cuộc. Dưới thời Tổng thống Trump, Washington từng đưa ra ý tưởng về một "mạng lưới kinh tế thịnh vượng" bao gồm các quốc gia Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Việt Nam, với mục tiêu phát triển chuỗi cung ứng mà không bao gồm Trung Quốc, nhưng đến giờ vẫn chưa đi đến đâu.

Cựu Phó tổng thống Joe Biden, cho biết, ông sẽ xem xét việc Mỹ tham gia CPTPP nếu một số điều khoản của hiệp định này được cải thiện. Rõ ràng, sự quan tâm của Trung Quốc đối với CPTPP sẽ tạo thêm động lực cho Mỹ làm như vậy. Với cách tiếp cận sẽ thành lập một liên minh thay vì đơn độc trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, ông Biden càng có lý do tái đàm phán để gia nhập CPTPP.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mỹ có thể quay lại CPTPP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO