Lũ lụt và biến chủng Delta, "đòn kép" giáng vào vận tải biển toàn cầu

Bảo Quân| 28/07/2021 09:24

Chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đã gặp hàng loạt sự cố lớn trong năm nay, tiếp tục hứng chịu thêm "đòn giáng mạnh nữa", lần này là từ lũ lụt tại Trung Quốc và châu Âu.

Lũ lụt và biến chủng Delta,

Mưa lớn gây lũ lụt nghiêm trọng ở Trịnh Châu, Hà Nam, Trung Quốc hôm 23/7 - Ảnh: Reuters.

Tim Huxley - CEO của Công ty Vận tải Mandarin Shipping, đã nhận xét như trên. "Hiếm có tuần nào trôi qua mà không có diễn biến gì mới như thế này", Huxley nói. Theo các chuyên gia vận tải biển, các cảng biển trên toàn cầu đang trong tình trạng tắc nghẽn chưa từng thấy nhiều thập niên qua.

Năm nay, vận tải biển toàn cầu đã phải đối mặt với hàng loạt sự gián đoạn. Trong bối cảnh nhiều quốc gia bắt đầu phục hồi sau Covid-19, nhu cầu tiêu dùng đang tăng mạnh thì biến chủng Delta bùng phát ở một số nước châu Á, gây ra tình trạng thiếu hụt container, khiến luồng vận chuyển hàng hóa bị tắc nghẽn, đẩy chi phí vận tải leo thang.

Hồi tháng 4/2021, Ever Given - một trong những tàu chở container lớn nhất thế giới, mắc kẹt tại kênh đào Suez, khiến dòng phương tiện di chuyển qua kênh đào bị tắc gần 1 tuần. Kênh đào Suez là một trong những tuyến đường biển "bận rộn" nhất thế giới, khi khoảng 12% tổng giá trị hàng hóa trên thế giới đi qua đây.

Tắc nghẽn vận tải từ Á sang Âu

Đến tháng 6/2021, một lần nữa chi phí vận tải biển tăng vọt, do số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt tại miền Nam Trung Quốc khiến cho các cảng biển tại khu vực này bị ách tắc.

Link bài viết

Ngoài ra, lũ lụt ở miền Trung gây trở ngại cho việc vận chuyển than từ Nội Mông và Sơn Tây. Theo nhà chức trách, lũ lụt đến ngay thời điểm các nhà máy nhiệt điện ở Trung Quốc phải hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu điện đỉnh điểm trong mùa hè.

Cùng lúc, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng do lũ lụt tại Hà Nam càng trở nên tồi tệ hơn, khi tỉnh này nằm sâu trong nội địa Trung Quốc, không có đường bờ biển, còn các tuyến đường sắt bị tê liệt. "Rõ ràng, điều đó ảnh hưởng tới quá trình vận tải hàng hóa nói chung, khiến cho chi phí vận tải biển cũng tăng lên", Huxley nói.

Các mảnh vỡ, đổ nát được tập trung tại một địa điểm ở Ahrweiler, dọc sông Ahr, bang Rhineland-Palatinate, Đức, ngày 22/7. Ảnh: Reuters.

Các mảnh vỡ, đổ nát do lũ lụt tại một địa điểm ở Ahrweiler, dọc sông Ahr, tiểu bang Rhineland-Palatinate, Đức, ngày 22/7. Ảnh: Reuters.

Còn tại châu Âu, mưa lớn và lũ lụt cũng tàn phá nhiều vùng thuộc khu vực phía Tây châu lục, trong đó một số địa phương tại Đức và Bỉ bị rơi vào tình trạng ngập lụt nghiêm trọng. Nhiều vùng ở Thụy Sỹ, Luxembourg và Hà Lan cũng chịu ảnh hưởng, tác động mạnh đến sản xuất và dịch vụ. 

Tại Đức, hoạt động vận tải hàng hoá bằng đường bộ đã chậm lại đáng kể. Do ảnh hưởng của lũ lụt, hết tuần thứ 2 của tháng, khối lượng hàng bị chậm đã tăng 15% so với tuần trước, theo dữ liệu từ nền tảng quan sát chuỗi cung ứng FourKites.

Phó chủ tịch phụ trách kinh doanh và tiếp thị của công ty vận tải và logistic Đài Loan OEC Group Nick Klein cho biết, các công ty đang xoay đủ cách để giải cứu hàng hoá mắc kẹt tại các cảng châu Á và châu Âu. Klein nói: "Chắc phải đến tháng 3 sang năm thì sự tồn đọng hàng hóa này mới có thể được giải quyết".

Trong khi đó, Huxley cho biết, các tuyến đường sắt liên kết từ Cộng hòa Séc và Slovakia đến các cảng Rotterdam và Hamburg của Đức đều đã bị gián đoạn nghiêm trọng. 

"Lũ lụt sẽ thực sự phá vỡ chuỗi cung ứng vì các liên kết đường sắt đều đã bị đứt. Và, điều đó sẽ làm việc vận chuyển hàng hóa vào, ra châu Âu chậm lại, ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp như sản xuất xe hơi, đồ gia dụng và nhiều ngành công nghiệp khác", vị CEO nói.

Khủng hoảng thuỷ thủ đoàn

Bên cạnh lũ lụt, biến chủng Delta của SARS-CoV-2 đang hoành hành tại châu Á đã buộc nhiều quốc gia đưa ra lệnh cấm thuỷ thủ từ tàu biển lên bờ.

vận tải biển chiếm khoảng 90% lượng hàng hoá thương mại được vận chuyển trên toàn cầu, do đó khủng hoảng thuỷ thủ đoàn có thể gây gián đoạn nguồn cung tất cả mọi mặt hàng

Khủng hoảng thuỷ thủ đoàn do Covid-19 có thể gây gián đoạn nguồn cung của tất cả mặt hàng

Theo Reuters, lệnh cấm khiến các thuyền trưởng không thể thay thuỷ thủ đoàn đã mệt mỏi sau chuyến đi dài, đẩy số lượng thuỷ thủ bị mắc kẹt ngoài biển dù đã xong nhiệm vụ khoảng 100.000 người. Tình trạng này tương tự như những gì đã xảy ra vào năm 2020, giai đoạn đỉnh điểm của phong toả và đóng cửa.

Tổng thư ký Hội đồng Vận tải biển Quốc tế (ICS) Guy Platten nói: "Chúng ta không còn ngấp nghé một cuộc khủng hoảng thuỷ thủ đoàn thứ hai nữa, mà đang ở trong cuộc khủng hoảng như vậy rồi. Đây là thời điểm có rất nhiều rủi ro đối với các chuỗi cung ứng toàn cầu".

Hãng vận tải biển Đức Hapag Lloyd cho biết, những gì đang diễn ra là "thách thức lớn". Một báo cáo của hãng này viết: "Công suất tàu bè đang rất eo hẹp. Container rỗng cũng hiếm. Và, tình hình vận hành tại một số cảng và bến tàu cũng chưa thực sự cải thiện. Chúng tôi cho rằng tình trạng này có thể kéo dài sang quý IV/2021 nhưng rất khó để dự báo chính xác".

Theo Reuters, ngành vận tải biển đảm nhận khoảng 90% lượng hàng hoá thương mại được vận chuyển trên toàn cầu, do đó khủng hoảng thuỷ thủ đoàn có thể gây gián đoạn nguồn cung của tất cả mặt hàng, từ dầu lửa và quặng sắt tới thực phẩm và đồ điện tử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lũ lụt và biến chủng Delta, "đòn kép" giáng vào vận tải biển toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO