Cước vận tải biển từ Á sang Âu lại tăng nóng

Bảo Quân| 28/05/2021 05:03

Phí vận chuyển một container chứa hàng (loại 40 feet) bằng tàu biển từ châu Á sang châu Âu lại vượt kỷ lục 10.000 USD/container.

Cước vận tải biển từ Á sang Âu lại tăng nóng

Nhu cầu container 20 và 40 feet đang vượt xa khả năng cung ứng của thị trường.

Trước sự thay đổi chóng mặt trong nhu cầu container 20 và 40 feet do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, cước vận tải hàng hoá trên biển lại tăng cao, tiếp tục gây sức ép lên các nhà xuất - nhập khẩu. Dẫn Chỉ số Drewry World Container, hãng tin Bloomberg ngày 27/5/2021 cho biết cước vận tải một container 40 feet từ Thượng Hải sang Rotterdam (Hà Lan) đã lên đến 10.174 USD, tăng 3,1% so với cách đây 1 tuần và nhảy vọt 485% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhu cầu thay đổi chưa có tiền lệ

Được biết, Chỉ số Drewry World Container là chỉ số giá cước vận tải biển bao gồm 8 tuyến đường biển chính trên toàn cầu, và toàn bộ chỉ số đã tăng 2% trong tuần qua, lên 6.257 USD, cao hơn 293% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Drewry, cả mức giá cước vừa nêu lẫn giá cước từ Thượng Hải sang Rotterdam đều đang ở mức cao nhất kể từ năm 2011.

Tại Mỹ, và một số khu vực khác, hàng loạt hãng vận tải hàng hóa đã phải trả hơn 10.000 USD/container trên thị trường giao ngay, mà vốn thông thường đã phải gánh các khoản phụ phí khổng lồ để đảm bảo giao hàng hoặc dỡ hàng đúng giờ. Theo Bloomberg, cước vận tải biển tăng nóng, do nhu cầu container 20 và 40 feet đang vượt xa khả năng cung ứng của thị trường.

Nguyên nhân cho việc này đến từ sự gia tăng mạnh mẽ trong nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng và nhu cầu trữ hàng của doanh nghiệp. Trong thông cáo "Đánh giá khủng hoảng hàng hóa Covid", Hội đồng vận tải thế giới có trụ sở tại Washington D.C. nhận xét: "Không ai có thể lường trước các mức giá cước đang gây căng thẳng cho mạng lưới vận tải container hiện nay, vì nhu cầu thay đổi không giống như bất kỳ thời kỳ nào trong quá khứ".

Cụ thể hơn, cách đây 1 tháng, làn sóng nhập hàng hóa dồn dập từ châu Á đã gây ra hiện tượng thắt nút cổ chai ở các cảng Bờ Tây của Mỹ, khiến tình trạng khan container toàn cầu thêm trầm trọng, đẩy giá cước vận tải từ châu Á và châu Âu sang Mỹ lên cao. Trước đó, số lượng container được xử lý vào tháng 2/2021 ở hai cảng Los Angeles và Long Beach thuộc California - nơi được xem là cửa ngỏ tiếp nhận hàng từ châu Á, cũng tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái, nối dài đà tăng qua tháng thứ 8 liên tiếp. Riêng trong tháng 3/2021, số lượng container được xử lý ở cảng Los Angeles tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái.

Song song đó là sự gián đoạn của ngành vận tải biển, từ sự cố tàu Ever Given mắc cạn ở kênh đào Suez, đến tình trạng ùn ứ tại các cảng biển, gây ra độ trễ lớn và khiến giá cước vận tải tăng nóng. 

Giá cước vận tải biển Á-Âu (màu đen) và chỉ số tổng hợp giá cước vận tải biển toàn cầu Drewry World Container Index. Đơn vị: USD/container.

Giá cước vận tải biển Á-Âu (màu đen) và chỉ số tổng hợp giá cước vận tải biển toàn cầu Drewry World Container Index. Đơn vị: USD/container.

Khó cho xuất - nhập khẩu, lợi cho hãng tàu

Trong khi khó khăn đối với các nhà xuất - nhập khẩu ngày càng chồng chất, các hãng tàu lại đang hưởng lợi nhuận cao ngất ngưởng. Michael O'Sullivan - CEO của công ty bán lẻ quần áo Burlington Stores (trụ sở tại Mỹ), nói "những khó khăn về chi phí trong chuỗi cung ứng và cước vận tải đang tiếp tục gia tăng, và điều này có thể gây sức ép lên biên lợi nhuận hoạt động của doanh nghiệp trong năm nay".

Ngược lại, cổ phiếu của A. P. Moller-Maersk - hãng vận tải biển lớn nhất thế giới, lại đạt cao kỷ lục vào đầu tuần này. Cổ phiếu của ZIM Integrated Shipping Services - một hãng tàu của Israel niêm yết vào cuối tháng 1/2021, đã tăng hơn 3 lần so với mức giá khi IPO là 15 USD.

Hồi giữa tháng 5, chỉ số Baltic Dry Index đã chạm đỉnh 10 năm, tăng hơn 700% kể từ tháng 4/2020. Được biết, chỉ số này do Sàn Giao dịch Baltic (London, Anh) công bố hằng ngày để theo dõi cước vận tải biển đối với các mặt hàng nguyên liệu thô như quặng sắt, than, xi măng, ngũ cốc,...

Còn theo dữ liệu từ BIMCO - hiệp hội hàng hải quốc tế lớn nhất đại diện cho các chủ tàu, cước vận tải biển tăng đã thúc đẩy một làn sóng đặt mua tàu container mới trong 5 tháng đầu năm nay. Theo ngân hàng đầu tư Platou Securities, các tàu cỡ lớn (capesize) - loại to nhất với trọng tải toàn phần trung bình đạt 180.000 tấn, đang có cước phí khoảng 41.500 USD/ngày nếu doanh nghiệp thuê tàu ngay lập tức. Con số này tăng gần gấp đôi so với một tháng trước và gần gấp 8 lần mức trung bình năm 2020.

Vào cuối tháng 12 năm ngoái, cước vận tải biển cũng có thời điểm chạm ngưỡng 10.000 USD. Theo Chỉ số cước vận chuyển container Thượng Hải (SCFI) công bố vào trung tuần tháng 12/2020, mức giá cước giao ngay trên tuyến từ châu Á sang châu Âu liên tiếp phá phá kỷ lục. Trong 10 tuần qua, cước vận tải đến Bắc Âu và Địa Trung Hải đã tăng hơn 150%. Theo ông Lars Jensen thuộc công ty tư vấn hàng hải SeaIntelligence Consulting, trong một số trường hợp, SCFI đang thể hiện mức giá thấp hơn đáng kể so với thực tế mà các chủ hàng phải trả, vì có các khoản phí khác liên quan đến khả năng đáp ứng đối với thiết bị container và chỗ trên tàu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cước vận tải biển từ Á sang Âu lại tăng nóng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO