Kinh tế và thương mại toàn cầu trước những lực cản mới

Gia Lê| 04/02/2021 06:00

Nền kinh tế toàn cầu năm 2020 đã rơi vào suy thoái sâu vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Kinh tế năm 2021 được dự báo sẽ có khởi sắc nhưng gần đây lại cho thấy có thêm những lực cản ngăn chặn đà hồi phục này.

bai-3-thuong-mai-1-4983-1611740039.jpg

Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, nền kinh tế thế giới ước giảm 4,3% trong năm 2020 - mức suy giảm chỉ xảy ra trong cuộc đại suy thoái bắt đầu giữa những năm 1930 và trong hai cuộc chiến tranh thế giới. Tuy nhiên, để đánh giá đầy đủ thiệt hại thì các nhà kinh tế cần ước tính GDP toàn cầu phát triển như thế nào nếu không có đại dịch.

Cụ thể, với dự báo của WB đầu năm 2020 thì GDP toàn cầu sẽ tăng 2,5% trong năm 2020, đạt mức 86.000 tỷ USD. Và so với con số đó, GDP toàn cầu năm 2020 có lẽ đã mất đi 6,6%, tương đương khoảng 5.600 tỷ USD. Năm 2021, nền kinh tế dù được dự báo sẽ tăng trở lại ở mức 4%, nhưng sẽ vẫn thấp hơn 5,3% so với dự báo của WB trước đại dịch, mất thêm gần 4.700 tỷ USD. Cộng hai con số này, trong năm 2020 và 2021, đại dịch đã gây tổn thất 10.300 tỷ USD cho kinh tế toàn cầu. 

Tuy nhiên, mọi thứ chưa chắc sẽ như kỳ vọng, khi gần đây đã xuất hiện một số yếu tố có thể trở thành lực cản cho kinh tế toàn cầu trong năm nay. WB cảnh báo,  triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn “cực kỳ bất ổn” và tăng trưởng GDP có thể chậm lại, còn 1,6%, nếu Covid-19 chưa được khống chế. WB cũng dự kiến GDP toàn cầu năm 2022 sẽ vẫn thấp hơn 4,4% so với mức mà ngân hàng này dự báo trước đại dịch.

Trong khi chuỗi cung ứng cần phải mất thêm thời gian để tái cấu trúc và sắp xếp, thì thương mại sẽ chưa thế sớm phục hồi về lại mức bình thường như trước, nhất là khi cước vận tải biển tăng vọt gần đây và tình trạng thiếu hụt container rỗng trên toàn cầu ngày càng trầm trọng.  

Nguyên nhân, thứ nhất là nguy cơ lây lan của dịch Covid-19 gia tăng hoặc việc triển khai tiêm chủng vắc xin ngừa virus SARS-CoV-2 bị đình trệ. Thứ hai là nguy cơ gia tăng nợ công tại các quốc gia sẽ trở nên trầm trọng hơn, đặc biệt là những nền kinh tế đang phát triển vốn có sức chống chọi yếu với các cuộc khủng hoảng do năng lực tài chính có hạn. Khi đó, các nước này sẽ khó có thể tiếp tục duy trì và triển khai các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, do đó tăng trưởng sẽ khó đạt được mục tiêu đề ra.

Đại dịch Covid-19 vừa qua đã làm nhiều nước hao tổn nguồn lực khiến thâm hụt ngân sách và nợ công ngày càng trầm trọng, do đó nguồn lực để hỗ trợ tăng trưởng cũng ngày càng suy yếu. Thứ ba, trong khi chuỗi cung ứng cần phải mất thêm thời gian để tái cấu trúc và sắp xếp, thì thương mại sẽ chưa thể sớm phục hồi về mức bình thường như trước, nhất là khi cước vận tải đường biển tăng vọt và tình trạng thiếu hụt container rỗng trên toàn cầu ngày càng trầm trọng.

Đó là hệ quả của việc số lượng tàu vận chuyển suy giảm bởi đơn hàng đặt đóng tàu mới trong năm 2020 giảm đến 50%, một phần vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến thương mại lao dốc, một phần chưa biết nên chọn công nghệ nào cho tàu mới để giảm khí thải lưu huỳnh theo quy định của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO). 

Trong khi đó, tình trạng thiếu hụt container rỗng trên toàn cầu bắt đầu từ tháng 12/2020 cho đến nay, ngày càng trầm trọng hơn, khiến giá cước vận chuyển bằng container tăng lên mức kỷ lục, do nhu cầu hàng hóa tăng đột biến tại các tuyến đi Mỹ và châu Âu, tình trạng thiếu container rỗng tại châu Á, việc dỡ hàng hóa bị chậm lại vì chính sách phong tỏa tại một số nước và sự thay đổi các luồng vận chuyển do tác động của đại dịch.

Trung Quốc đang gom container từ các nước với giá cao, khi nước này bắt đầu tăng tốc sản xuất và xuất khẩu sau dịch bệnh bùng phát, góp phần tạo nên sự khan hiếm chung về container. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế và thương mại toàn cầu trước những lực cản mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO