Kinh tế thế giới tăng trưởng 5,9%, chứng khoán sẽ vượt trội so với tài sản khác

Khởi Vũ| 25/06/2021 06:49

Tăng trưởng toàn cầu sẽ tăng tốc trong những tháng tới, khi các quốc gia dần mở cửa trở lại nền kinh tế, tạo động lực cho phục hồi tăng trưởng doanh thu và nhu cầu tuyển dụng, theo Credit Suisse.

Kinh tế thế giới tăng trưởng 5,9%, chứng khoán sẽ vượt trội so với tài sản khác

Dự đoán triển vọng đầu tư cho nửa sau của năm 2021, Ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse cho rằng, nền kinh tế thế giới sẽ đạt mức tăng trưởng 5,9% trong năm nay, và 4% vào năm sau. Mức tăng trưởng này sẽ được dẫn dắt bởi các chiến dịch tiêm vaccine, các gói kích thích tài chính và sự phục hồi ngày một tăng của ngành dịch vụ.

Báo cáo của ngân hàng này cũng cho biết, nước Mỹ sẽ tăng trưởng với tốc độ khoảng 6,9% trong năm nay, trong khi con số đối với Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là 4,2%, và châu Á (trừ Nhật Bản) là 7,5%. Theo Giám đốc đầu tư khu vực Nam Á tại Credit Suisse, Ray Farris, tăng trưởng kinh tế có thể sẽ dẫn đến sự phục hồi mạnh mẽ của lợi nhuận toàn cầu - động lực thúc đẩy thị trường chứng khoán.

"Chúng tôi tin rằng, chứng khoán sẽ trở thành loại tài sản sở hữu sức tăng trưởng tốt hơn trong 6 tháng đến 1 năm tới. Miễn là lợi nhuận tiếp tục đi lên, lịch sử cho thấy chứng khoán sẽ tiếp tục đi lên", ông Farris bình luận, đồng thời lưu ý rằng, "thỉnh thoảng sẽ có những điều chỉnh, nhưng những điều chỉnh đó thực sự sẽ là cơ hội".

Đối với thị trường chứng khoán, Credit Suisse đánh giá cao cổ phiếu của các ngành mang tính chu kỳ, như tài chính và nguyên vật liệu. Cổ phiếu chu kỳ là cổ phiếu của các công ty có hoạt động kinh doanh cơ bản, có xu hướng tăng - giảm tương ứng theo chu kỳ mở rộng và suy thoái của nền kinh tế.

Link bài viết

Trong đó, các thị trường có tính chu kỳ ở châu Âu là Vương quốc Anh, Đức, và Tây Ban Nha. Theo ông Farris, thị trường chứng khoán châu Âu sẽ tạo ra tăng trưởng lợi nhuận tương tự như Mỹ vào năm 2021, dù đang hoạt động ở "mức định giá thực sự thấp nhất trong nhiều thập kỷ".

Còn tại châu Á, Credit Suisse quan tâm đến thị trường chứng khoán Hàn Quốc và Thái Lan, do đây là 2 thị trường có thể hưởng lợi từ sự thiếu hụt chip trên toàn cầu và xu hướng tăng phát (tăng cung tiền hoặc giảm thuế).

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Thái Lan nhiều khả năng cũng sẽ hưởng lợi từ đà tăng của giá dầu. Riêng với thị trường Trung Quốc, ngân hàng Thuỵ Sĩ này giữ quan điểm trung lập, khi đà tăng trưởng kinh tế tại đây đã chững lại sau đại dịch, và rủi ro về các quy định pháp lý đang tạo áp lực tâm lý lên giới đầu tư.

Về chính sách tiền tệ, vị Giám đốc đầu tư khu vực Nam Á của Credit Suisse cho rằng, thị trường tài sản và giá tài sản vẫn sẽ hưởng lợi từ chính sách tiền tệ của Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, và nhiều quốc gia khác.

"Các ngân hàng trung ương, và cả các ngân hàng trung chủ chốt, nhiều khả năng sẽ tiếp tục mở rộng bảng cân đối kế toán, bơm thêm thanh khoản vào hệ thống cho đến cuối năm nay", ông Farris nói.

Dù áp lực lạm phát và rủi ro lạm phát đã tăng trong những tháng gần đây, song Credit Suisse kỳ vọng, lạm phát sẽ chỉ tạm thời vượt qua mục tiêu mà ngân hàng trung ương thuộc các nền kinh tế lớn đã đề ra khi ngành dịch vụ mở cửa trở lại. Đồng thời, áp lực tăng giá liên tục sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) phải thu hẹp chương trình mua tài sản sớm hơn dự kiến.

Lập luận cho việc tạm thời vượt mục tiêu của ngân hàng trung ương tương tự với những gì được đề cập trong cuộc họp lãi suất của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) vào tháng 6.

Áp lực tăng giá liên tục sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) phải thu hẹp chương trình mua tài sản sớm hơn dự kiến.

Áp lực tăng giá liên tục sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) phải thu hẹp chương trình mua tài sản sớm hơn dự kiến

Cụ thể, FOMC sẽ phấn đấu đạt toàn dụng lao động và thúc đẩy tỷ lệ lạm phát dài hạn hơn ở mức 2%. Vì tỷ lệ lạm phát luôn thấp hơn mục tiêu dài hạn này, nên mục tiêu của FOMC là làm cho tỷ lệ lạm phát ở mức vừa phải vượt quá 2% trong một khoảng thời gian, để tỷ lệ lạm phát sẽ đạt mức trung bình 2% trong một khoảng thời gian và kỳ vọng lạm phát dài hạn giữ ở mức 2%.

Theo ông Farris, FED sẽ không công bố bất cứ quyết định nào cho đến cuối quý III/2021 và sau đó, đồng thời việc rút lại chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ không xảy ra cho đến năm 2022. Ngoài ra, vị chuyên gia dự báo FED sẽ giữ lãi suất ổn định cho đến năm 2023. "Cho nên, đây là bối cảnh chính sách tiền tệ rất có lợi cho các tài sản rủi ro", ông nói.

Đề cập đến những điều bản thân đã nói vào giữa tháng 5, Farris cho rằng, tăng trưởng toàn cầu đang đạt đến đỉnh, dữ liệu trở nên biến động hơn và thị trường chứng khoán toàn cầu có thể trải qua các đợt điều chỉnh sâu hơn, nhưng làn sóng điều chỉnh này có thể mang lại cơ hội lớn cho nhà đầu tư.

"Vấn đề là không mua đuổi thị trường chứng khoán đã tăng mạnh trong vài tháng qua, và duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục một cách thận trọng, hy vọng rằng sẽ có đủ nguồn lực để tận dụng làn sóng này", vị Giám đốc khuyên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế thế giới tăng trưởng 5,9%, chứng khoán sẽ vượt trội so với tài sản khác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO