Đông Nam Á thiếu hụt lao động trầm trọng

Hồng Như| 06/10/2021 04:06

Dịch Covid-19 đã gây ra sự gián đoạn trên thị trường lao động toàn thế giới, đặc biệt là tại Đông Nam Á (ASEAN) - một trong những tâm chấn toàn cầu của đại dịch. Cơ cấu việc làm thay đổi và những vấn đề về lao động nhập cư ảnh hưởng lớn đến thị trường nói chung và gây ra tình trạng thiếu hụt lao động.

Đông Nam Á thiếu hụt lao động trầm trọng

Doanh nghiệp chật vật vì thiếu lao động nhập cư

Theo số liệu từ Liên hợp quốc, số lượng lao động nhập cư tại các nước Đông Nam Á chủ yếu là lao động phổ thông, chiếm khoảng 6,8 triệu người so với hơn 670 triệu người trong khu vực. Các nước như Singapore, Thái Lan và Malaysia có số lượng lao động nhập cư nhiều nhất. Riêng tại Singapore nhóm này chiếm 1/3 tổng số lực lượng lao động.

Các lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp, ngư nghiệp, chế biến thực phẩm, xây dựng và dịch vụ ở một số nước phụ thuộc phần lớn vào người nhập cư. Tuy nhiên, nhóm lao động này chủ yếu làm những việc không chính thức, được trả lương thấp và có nhiều hạn chế trong việc tiếp cận với sự hỗ trợ của nhà nước tại quốc gia mà họ cư trú.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nêu trong một báo cáo rằng với ảnh hưởng của dịch Covid-19 và sự xuống dốc của nền kinh tế, người lao động nhập cư là đối tượng dễ tổn thương nhất. Vì vậy, đa phần đối tượng này đều tìm cách quay về nước. Philippines và Việt Nam đã đứng trong top 10 quốc gia nhận người lao động nhập cư quay về nhiều nhất thế giới. Tại các nước khác trong khu vực ASEAN, mức tiếp nhận lao động làm việc tại nước ngoài chiếm từ 11 - 30%.

Link bài viết

Hiện các lĩnh vực như xây dựng và đóng tàu của Singapore đang bị đóng băng vì nhóm ngành này chủ yếu dựa vào nguồn lao động giá rẻ đến từ Ấn Độ và Bangladesh nhưng với chính sách nghiêm ngặt trong việc tiếp nhận lao động nước ngoài đã khiến tình trạng thiếu hụt lao động của nước này trở nên trầm trọng hơn. 

Ngành công nghiệp dầu cọ của Malaysia cũng đang chịu tác động nặng nề do thiếu lao động. Trước đây, nhân công của nhóm ngành này chủ yếu là người lao động di cư từ Indonesia, Bangladesh và Ấn Độ sang. Đại diện Sime Darby Plantation cho biết tình trạng thiếu lao động của công ty này nói riêng và các DN khác tại Malaysia đang ở mức báo động. Công ty chỉ đang sử dụng 20% lao động so với nhu cầu. 

Vấn đề thiếu hụt lao động đã và đang ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế các nước ASEAN. Theo dữ liệu của Hội đồng Dầu cọ Malaysia, trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu dầu cọ của nước này đã sụt giảm 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Singapore, lĩnh vực xây dựng cũng không ngừng lao dốc. Năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát ngành này đã giảm 36 % tỷ trọng, đến quý I năm nay, lại giảm tiếp 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các DN tại Malaysia và Singapore đều kiến nghị chính phủ nới lỏng các quy định về nhập cảnh, cho phép người lao động nước ngoài trở lại làm việc để giải quyết tình trạng khủng hoảng hiện tại.

Doanh nghiệp Thái Lan chấp nhận chi để đón lao động nhập cư

Là một trong 3 nước có số lượng lao động nhập cư lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc thiếu hụt lao động. Các ngành xuất khẩu chủ chốt như sản xuất thực phẩm và cao su chiếm 45% GDP (số liệu năm 2020) và có khoảng 50% người nhập cư trong lực lượng lao động.

Chia sẻ với Reuters, ông Suchart Chomklin - Bộ trưởng Bộ Lao động Thái Lan cho biết nước này có khoảng 3 triệu lao động nhập cư hợp pháp, chi phối lớn đến thị trường lao động. Vì vậy, Bộ lao động cho phép các DN tổ chức đón lao động nhập cư để khắc phục các vấn đề về lao động, tạo đà khôi phục nền kinh tế trong giai đoạn “bình thường mới”. 

Theo đó, người lao động (NLĐ) từ các nước như Myanmar, Lào và Campuchia muốn đến hoặc trở lại Thái Lan làm việc bắt buộc phải ký một biên bản ghi nhớ với DN và chính quyền địa phương. DN đảm bảo chi trả lệ phí cấp phép lao động cho NLĐ với giá 1.900 baht/ người (khoảng 58 USD/người). Khi nhập cảnh, NLĐ phải thực hiện 3 lần xét nghiệm RT-PCR và cách ly tập trung 14 ngày. Đồng thời, người sử dụng lao động phải trả thêm cho NLĐ bảo hiểm y tế Covid-19. 

Tính chung, nếu muốn thuê một NLĐ nước ngoài, tổng số tiền người sử dụng lao động tại Thái Lan phải chi lên tới 14.000 baht (hơn 414 USD). Mức này chưa bao gồm chi phí đi lại và thị thực.

Ông Suparp Suwanpimonkul - Phó giám đốc điều hành của công ty sản xuất các bộ phận bằng cao su của ôtô và thiết bị điện tử S.K. Polymer Co. cho biết: “Chúng tôi có khá nhiều đơn đặt hàng nhưng vì không đủ công nhân nên công ty chỉ có thể hoạt động ở mức 75 - 80% công suất. Vì vậy, chúng tôi đang cân nhắc kế hoạch tuyển lao động nước ngoài”.

Tại Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM, theo khảo sát của Trung tâm dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, trong quý III/2021, có hơn 42.700 người có nhu cầu tìm việc làm. Tuy nhiên nhu cầu về lao động của các DN đang ở mức 43.600 - 56.800 người. Trong quý IV, con số này tăng 44.000 - 57.000. Nhu cầu chủ yếu tập trung ở các nhóm nghề như kinh doanh - thương mại; dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ; công nghệ thông tin; vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng; dịch vụ thông tin tư vấn - chăm sóc khách hàng và nhóm du lịch - nhà hàng - khách sạn.

Trước bối cảnh các KCN, KCX tại TP.HCM đang thiếu nhiều công nhân, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế sau dịch, TP.HCM đã thông qua 3 phương án đón NLĐ từ các tỉnh trở lại TP.HCM làm việc trong tình hình mới, cũng như đề xuất phương án tổ chức NLĐ đi lại giữa 5 địa phương bằng phương tiện cá nhân.

Từ nay cho đến ngày 30/11/2021, Thành đoàn TP.HCM đẩy mạnh hoạt động tiếp sức người lao động với chương trình Combo 3 trong 1, nhà trọ 0 đồng - Test nhanh miễn phí - Có việc làm ngay nhằm đồng hành cùng DN, hỗ trợ NLĐ tìm việc và giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động hiện tại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đông Nam Á thiếu hụt lao động trầm trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO