Cuộc chiến năng lượng

Khả Hân| 27/05/2022 06:00

Với kế hoạch giảm 70% lượng dầu, khí nhập khẩu từ Nga trong năm nay và chấm dứt nhập khẩu năng lượng của Nga trước cuối thập kỷ này, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực tìm phương án thay thế.

Tuy nhiên các chuyên gia kinh tế cho rằng điều này không mấy khả thi trong tương lai gần.

EU muốn giảm phụ thuộc năng lượng từ Nga

Sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine, Mỹ và EU đã triển khai hàng loạt đòn trừng phạt nhắm vào nước này, từ chính trị, ngoại giao đến tài chính. Tuy nhiên, đòn trừng phạt về năng lượng cho đến lúc này vẫn đang gây chia rẽ giữa các nước thành viên và không thể triển khai triệt để, khi mà nhiều quốc gia vẫn đang phụ thuộc vào Nga với 40% lượng khí đốt và 27% lượng dầu nhập khẩu.

Mới đây nhất, giới chóp bu EU đã đề xuất một kế hoạch nhằm giảm phụ thuộc năng lượng vào Nga, gồm ba mũi nhọn: chuyển sang nhập khẩu khí đốt không phải của Nga, tăng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ các quốc gia như Ai Cập, Israel và Nigeria, triển khai nhanh hơn năng lượng tái tạo và nỗ lực hơn nữa để tiết kiệm năng lượng. 

EU phụ thuộc năng lượng quá nhiều vào Nga

EU phụ thuộc năng lượng quá nhiều vào Nga

Theo đó, EU dự kiến sẽ đầu tư 210 tỷ euro mà khối đã có kế hoạch hỗ trợ bằng cách thêm tiền từ quỹ phục hồi sau Covid-19 và kế hoạch này cuối cùng sẽ giúp làm giảm hàng tỷ euro mà châu Âu chi cho nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch mỗi năm. Các thành viên EU phải đạt được sự đồng thuận để thực hiện biện pháp này, nhưng một nhóm các nước - dẫn đầu là Hungary - đã phản đối. Hiện EU đã cho Hungary, Czech và Slovakia thêm thời gian để loại bỏ dần sự phụ thuộc vào dầu của Nga. 

Thái độ phản đối lệnh cấm dầu khí Nga cũng phần nào phản ánh nỗi lo ngại của chính phủ các nước EU về phản ứng của cử tri đối với chi phí năng lượng cao, khi giá nhiên liệu và điện tăng mạnh kể từ khi xung đột quân sự ở Ukraine nổ ra. Trước đó, ngay từ đầu tháng 4, ba nước Baltic gồm Litva, Latvia và Estonia sớm tuyên bố ngừng ngập khẩu khí đốt Nga, đồng thời kêu gọi EU làm theo. Sau đó, nhiều nước EU, trong đó có Pháp, Phần Lan, Bồ Đào Nha ủng hộ các biện pháp mạnh tay với năng lượng Nga. 

Giới quan sát cho rằng, lệnh cấm dầu khí chắc chắn sẽ là đòn giáng nặng đối với kinh tế Nga, bởi châu Âu là thị trường khổng lồ mà Moskva khó có thể tìm được bên thay thế ngay. Tuy nhiên, lệnh cấm khí đốt Nga cũng có thể khiến EU thiệt hại ít nhất 3% GDP, tùy thuộc vào mức độ khắc nghiệt của mùa Đông.

Hay như Đức gần đây cũng tuyên bố Berlin đã đạt tiến triển trong nỗ lực cắt giảm đáng kể sự phụ thuộc vào năng lượng Nga, cụ thể nguồn cung từ Nga hiện chỉ chiếm 12% tổng lượng nhập khẩu dầu mỏ của Đức, giảm 23% so với trước đây. Than đá từ Nga cũng giảm 8% so với mức 45% mà Đức nhập khẩu trước đây. Trong khi đó, tình trạng phụ thuộc vào khí đốt vẫn lớn, song nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng đã giảm lượng nhập khẩu mặt hàng này của Nga, từ mức 55% trước khi Moskva phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine xuống còn 35%. 

Liệu có khả thi?

Từ cuối tháng 3, Mỹ và EU đã công bố thỏa thuận cung cấp LNG nhằm giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào nhiên liệu hóa thạch của Nga, theo đó đặt mục tiêu chuyển 50 tỷ mét khối LNG tới châu Âu trong những năm tới, chiếm 1/3 lượng khí mà EU nhận từ Nga. EU cũng đã thảo luận với các nhà sản xuất dầu khí Trung Đông trong những tuần gần đây để tăng sản lượng khai thác và chuyển hướng cung cấp năng lượng sang châu Âu.

Với tham vọng giảm 70% nhập khẩu năng lượng từ Nga trong năm nay và chấm dứt nhập khẩu năng lượng của Nga trước cuối thập kỷ này, châu Âu đang đẩy nhanh nỗ lực tìm phương án thay thế, tuy nhiên các chuyên gia kinh tế cho rằng điều này không mấy khả thi trong tương lai gần. Thống kê cho thấy EU đã nhập khẩu khoảng 800 triệu euro năng lượng Nga mỗi ngày vào tháng 11 năm ngoái, trong đó có 400 triệu euro khí đốt, 380 triệu euro dầu và 20 triệu euro than đá. EU đã trả 35 tỷ euro cho năng lượng Nga kể từ khi Moskva bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Giới quan sát cho rằng, lệnh cấm dầu khí chắc chắn sẽ là đòn giáng nặng đối với kinh tế Nga, bởi châu Âu là thị trường khổng lồ mà Moskva khó có thể tìm được bên thay thế ngay. Tuy nhiên, lệnh cấm khí đốt Nga cũng có thể khiến EU thiệt hại ít nhất 3% GDP, tùy thuộc vào mức độ khắc nghiệt của mùa Đông. Vì vậy, các lãnh đạo châu Âu sẽ phải đối mặt một câu hỏi lớn khi cân nhắc lệnh cấm năng lượng Nga. "Nếu chúng ta cấm dầu và khí Nga, nó sẽ tác động nặng nề hơn với Nga, hay với chính các nền kinh tế EU?".

Tổng thống Nga Putin ngày 17/5/2022 cho biết, các nước châu Âu sẽ không thể áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga. "Rõ ràng, một số quốc gia EU vốn phụ thuộc lớn vào tỷ trọng hydrocarbon của Nga, sẽ không thể từ bỏ dầu của chúng tôi trong một thời gian dài", ông Putin nói trong một bài phát biểu trên truyền hình. Theo ông Putin, châu Âu sẽ đối mặt với giá năng lượng và lạm phát cao hơn do đề xuất cấm vận dầu mỏ của Nga, đồng thời lưu ý: "Tất nhiên, một vụ tự sát kinh tế như vậy là chuyện nội bộ của các nước châu Âu".

Ngày 11/5/2022, Nga đã chủ động áp đặt các biện pháp trừng phạt, phần lớn đối với các công ty con ở châu Âu của Gazprom bao gồm Gazprom Germania - một doanh nghiệp kinh doanh, lưu trữ và vận chuyển năng lượng mà Đức đã ủy thác vào tháng trước để đảm bảo nguồn cung. Chính quyền Moskva cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với chủ sở hữu một phần đường ống Yamal-Europe ở Ba Lan, chuyên vận chuyển khí đốt của Nga đến châu Âu. Hệ quả là giá khí đốt đã tăng chóng mặt trong năm qua, gây thêm gánh nặng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cuộc chiến năng lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO