Chính sách tiền tệ các nước: Nơi thắt chặt, nơi nới lỏng

Lê Phan| 28/04/2022 01:00

Bất chấp lạm phát leo thang trở lại vì ảnh hưởng chiến sự ở Ukraine và chuỗi cung ứng hàng hóa đứt gãy, ngân hàng trung ương (NHTƯ) nhiều nước vẫn chưa vội tiếp bước Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ.

Nơi mạnh tay...

Trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2022 tăng vọt lên 8,5% so với cùng kỳ, cao nhất trong 41 năm qua, FED mới đây tuyên bố sẽ tiếp tục cắt giảm khoảng 1.000 tỷ USD khỏi bảng cân đối kế toán trong vòng một năm tới cùng với việc nâng lãi suất. Theo đó, cơ quan này sẽ cắt giảm 60 tỷ USD trong kho bạc mỗi tháng bằng cách không tái đầu tư số tiền thu được từ trái phiếu đáo hạn.

FED cũng sẽ giảm khoản tài sản nắm giữ chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp (MBS) mà họ đã mua trong thời kỳ đại dịch, giới hạn mức giảm của loại tài sản này là 35 tỷ USD/tháng. Chương trình này dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 6 hoặc tháng 9 tới tùy theo áp lực của lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp và tình trạng tăng trưởng kinh tế của Mỹ. 

tien-1-3962-1650943382.jpg

Trước tình hình này, cả lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ lẫn lãi suất cho vay thế chấp gần đây đã leo thang. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng đang ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế khi chi phí vay cao hơn, gây sức ép lên cả hộ gia đình và doanh nghiệp. Đầu năm 2022, lãi suất trung bình của một khoản vay thế chấp kỳ hạn 30 năm dao động trên ngưỡng 3%, giờ đây theo Freddie Mac (công ty thế chấp cho vay mua nhà liên bang) là 4,72%, mức cao nhất kể từ tháng 12/2018. 

Tại châu Á, Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS) gần đây đã quyết định siết chặt chính sách tiền tệ trước áp lực lạm phát gia tăng đối với nền kinh tế do ảnh hưởng của cuộc chiến Nga - Ukraine. Thay vì lãi suất, chính sách tiền tệ của Singapore dựa trên tỷ giá hối đoái, cho phép đồng đô la địa phương tăng hoặc giảm so với đồng tiền của các đối tác thương mại lớn.

Trong khi đó, NHTƯ các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng hành động tương tự như MAS. NHTƯ Hàn Quốc (BOK) thông báo sẽ tăng lãi suất chuẩn thêm 25 điểm cơ bản, lên 1,5%. Trước đó, hôm 13/4/2022, Ngân hàng Dự trữ New Zealand đã quyết định nâng tỷ lệ lãi suất chủ chốt thêm 50 điểm cơ bản, lên 1,5%, đánh dấu mức tăng lãi suất lớn nhất trong vòng 22 năm qua. NHTƯ tại những nền kinh tế châu Á mới nổi như Philippines, Malaysia và Ấn Độ cũng đã phát tín hiệu về khả năng tăng lãi suất. 

...Nơi nới lỏng

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc và Nhật Bản vẫn "kiên trì bám trụ” tỷ lệ lãi suất thấp. Hồi tháng 3, NHTƯ Nhật Bản (BOJ) đã quyết định giữ nguyên lãi suất ngắn hạn âm 0,1% và lãi suất dài hạn duy trì ở mức gần bằng 0 để đạt mục tiêu lạm phát ở mức 2%, đồng thời có kế hoạch tiếp tục mua trái phiếu chính phủ không giới hạn và lượng cổ phiếu trị giá lên tới 12.000 tỷ yên (101 tỷ USD) mỗi năm. Có thể thấy BOJ đang duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng bất chấp lo ngại ngày càng tăng về việc đồng yên suy yếu và giá tăng đối với các mặt hàng nhập khẩu như dầu thô, khí đốt tự nhiên và lúa mì.

Không chỉ BOJ và PBoC, một NHTƯ hàng đầu khác cũng chưa vội thắt chặt chính sách tiền tệ, đó là NHTƯ châu Âu (ECB), khi cơ quan này gần đây cho biết sẽ tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản ở mức -0,5%.

Tương tự, NHTƯ Trung Quốc (PBoC) hồi giữa tháng 4 cho biết quyết định giữ nguyên lãi suất cơ sở cho vay (MLF) kỳ hạn một năm ở mức 2,85%. Trước đó, ngày 17/1/2022, PBoC đã bất ngờ hạ 10 điểm cơ bản lãi suất MLF (lãi suất tham chiếu - định giá cho các khoản vay) từ 2,95% xuống 2,85% đối với các khoản cho vay trong vòng một năm. Đáng lưu ý là PBoC mới đây cũng giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 25 điểm cơ bản đối với các ngân hàng thương mại và quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 25/4/2022. Động thái này sẽ giúp hệ thống liên ngân hàng có thêm 530 tỷ nhân dân tệ (tương đương 83,2 tỷ USD) thanh khoản dài hạn, hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với những khó khăn trong thời gian tới.

Đây là lần đầu tiên PBoC hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhằm ngăn chặn đà giảm mạnh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trước đó, tháng 12/2021, PBoC đã hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc 50 điểm cơ bản đối với các ngân hàng thương mại lớn, giúp hệ thống liên ngân hàng có thêm 1.200 tỷ nhân dân tệ thanh khoản dài hạn. Hiện thách thức chủ yếu của nền kinh tế Trung Quốc là các đợt bùng phát dịch và chính sách Zero Covid.

Không chỉ BOJ và PBoC, một NHTƯ hàng đầu khác cũng chưa vội thắt chặt chính sách tiền tệ, đó là NHTƯ châu Âu (ECB), khi cơ quan này gần đây cho biết sẽ tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản ở mức -0,5%, dù đã xác nhận sẽ đẩy nhanh việc giảm quy mô chương trình mua trái phiếu trong quý II, trước khi kết thúc vào quý III năm nay. Một thời gian sau khi quá trình này hoàn tất, có thể là vài tuần hoặc vài tháng, việc tăng lãi suất mới được tiến hành. 

Quyết định của ECB được đưa ra trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát tại Eurozone trong tháng 3 đã đạt mức cao kỷ lục, 7,5% và nhiều khả năng sẽ còn tăng hơn nữa. Mặc dù ECB đang chậm chân hơn nhiều NHTƯ khác trong việc nâng lãi suất, nhiều chuyên gia tin rằng, giới chức ECB có đủ lý do để thận trọng. Trong khi đó, giới phân tích vẫn kỳ vọng ECB có thể tăng lãi suất tổng cộng 70 điểm cơ bản trong năm nay, tuy nhiên hiện vẫn chưa có nhà hoạch định chính sách nào của ngân hàng này có quan điểm ủng hộ chính sách thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chính sách tiền tệ các nước: Nơi thắt chặt, nơi nới lỏng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO