Chỉ dấu khủng hoảng kinh tế thế giới từ Deutsche Bank

Lê Phan| 19/07/2019 08:00

Sự kiện Deutsche Bank vì thua lỗ phải sa thải hàng loạt nhân viên khắp toàn cầu gợi nhớ hình ảnh của ngân hàng Lehman Brothers năm nào, vốn đã là một chỉ báo quan trọng đánh dấu cuộc khủng hoảng tiền tệ bắt đầu từ năm 2008.

Chỉ dấu khủng hoảng kinh tế thế giới từ Deutsche Bank

Vị thế của Deutsche Bank

Ngày 7/7/2019, Deutsche Bank công bố kế hoạch cải tổ toàn diện và rút khỏi mảng kinh doanh cổ phiếu toàn cầu, sau khi lỗ 2,8 tỷ euro trong quý II/2019, theo đó sẽ thu hẹp mảng ngân hàng đầu tư cùng với mảng kinh doanh toàn cầu và trái phiếu, do đó phải sa thải 18.000 nhân viên để đưa về mức 74.000 nhân viên vào năm 2022, trong đó cả Giám đốc Ngân hàng Đầu tư Garth Ritchie cũng sẽ ra đi.

Một loạt giải pháp khác cũng được thực thi để ngăn chặn đà rơi của lợi nhuận gồm tạm gác chia cổ tức trong năm nay và năm tới, cắt giảm khoảng 40% tài sản có rủi ro trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng; thực hiện kế hoạch đầu tư 4 tỷ euro vào việc cải thiện kiểm soát vào năm 2022, tạo bộ phận thứ tư được gọi là ngân hàng doanh nghiệp, đồng thời chi 7,4 tỷ euro để cải tổ toàn diện cho tới năm 2020, trong đó riêng chi phí tái cơ cấu trong quý II vừa qua đã là 3 tỷ euro.

Deutsche Bank thành lập vào năm 1870, có trụ sở chính tại Frankfurt am Main CHLB Đức, đã phát triển thành tập đoàn ngân hàng tư nhân lớn nhất nước Đức trong hơn một thế kỷ hoạt động và cũng là một trong những định chế tài chính lớn nhất thế giới với mạng lưới hoạt động trải rộng tại 72 quốc gia và có đến 75% khoản lợi nhuận ở thị trường nước ngoài. Deutsche Bank có mặt tại Việt Nam năm 1992 và cho đến nay đã có hơn 70 nhân viên.

Tuy nhiên, nhìn vào kết quả kinh doanh gần đây của Deutsche Bank khiến không ít người giật mình, khi tổng tài sản từ mức hơn 16,7 tỷ euro vào cuối năm 2015 xuống chỉ còn gần 10,7 tỷ euro vào cuối năm 2018, tức “bốc hơi” đến 36% chỉ trong vòng 4 năm, lợi nhuận năm 2018 chỉ còn 391 triệu euro, giảm 38% so với năm 2017 và cũng thấp hơn con số xấp xỉ hơn 450 triệu euro của hai năm 2015 và 2016. Đáng lưu ý là chi phí vận hành của bộ máy đã tăng hơn 74% so với tổng thu nhập.

Lý giải nguyên nhân kinh doanh đi xuống trong năm 2018, Deutsche Bank chia sẻ rằng, điều kiện thị trường không thuận lợi, căng thẳng địa - chính trị gia tăng và tâm lý tiêu cực của các nhà đầu tư, đặc biệt là ảnh hưởng từ thị trường bán lẻ châu Âu. 

Link bài viết

Bên cạnh đó, Deutsche Bank đã bị mắc kẹt vào các vụ bê bối và khoản tiền phạt lên tới 7,2 tỷ USD theo phán quyết của Bộ Tư pháp Mỹ vào tháng 1/2017 vì cáo buộc lừa dối nhà đầu tư trong việc bán chứng khoán được thế chấp (MBS) trước cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Đó là giọt nước tràn ly.

Chỉ dấu khủng hoảng kinh tế thế giới

Vào năm 2008, Citigroup đã tiến hành một trong những đợt sa thải lớn nhất trong lịch sử, khi phải cắt giảm đến 50.000 việc làm, tức sa thải đến 14% lực lượng lao động. Nhưng Citigroup năm ấy dù sao cũng vẫn còn tồn tại và thoát ra khỏi khủng hoảng, không như gã khổng lồ Lehman Brothers vốn được thành lập từ năm 1850 đã phải tuyên bố phá sản với khoản nợ 613 tỷ USD vào ngày 15/9/2008, trở thành vụ phá sản ngân hàng lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ và là cột mốc quan trọng trong giai đoạn khủng hoảng bắt đầu từ năm đó.

Chưa rõ công cuộc tái cấu trúc của Deutsche Bank sẽ đến đâu, và cho dù tái cấu trúc thành công vẫn cho thấy triển vọng u ám của các thị trường tài chính trong tương lai gần. Deutsche Bank rút khỏi mảng cổ phiếu toàn cầu bất chấp nhiều thị trường chứng khoán như Mỹ đang liên tiếp đạt đỉnh cao cho thấy rủi ro của các thị trường tài chính dường như sắp tới hạn.

Hành động mới đây của một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới là Deutsche Bank có thể chỉ mới là điểm khởi đầu cho những khó khăn sắp tới mà các thực thể trong ngành tài chính phải đối mặt. Nỗi lo ngại về khủng hoảng và suy thoái sẽ sớm diễn ra vào năm 2020 hoặc 2021 theo như dự báo của một số tổ chức, chuyên gia kinh tế hàng đầu càng khiến nhiều người tin vào điều này, mà việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) mới đây gợi ý đến khả năng đảo ngược chính sách để chống chọi sự suy giảm trong nền kinh tế cũng như hàng loạt ngân hàng trung ương tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng là những minh chứng cụ thể. 

Chưa rõ công cuộc tái cấu trúc của Deutsche Bank sẽ đến đâu, và cho dù tái cấu trúc thành công vẫn cho thấy triển vọng u ám của các thị trường tài chính trong tương lai gần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chỉ dấu khủng hoảng kinh tế thế giới từ Deutsche Bank
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO