Áp lực lạm phát khắp nơi: Kỷ nguyên tiền rẻ sắp kết thúc?

Khả Hân| 11/11/2021 01:00

Lạm phát đang xuất hiện ở nhiều nước trước xu hướng giá cả hầu hết hàng hóa tăng vọt, từ nguyên nhiên liệu, thực phẩm cho đến chi phí vận chuyển. Hệ quả là ngân hàng trung ương (NHTƯ) nhiều nước có thể phải thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn...

Giá cả vẫn leo thang

Báo cáo công bố vào cuối tháng 10 vừa qua tại Mỹ cho thấy, lạm phát giai đoạn 12 tháng của nước này tăng nhanh nhất trong hơn 30 năm, bất chấp sự suy giảm của thu nhập cá nhân. Cụ thể, chỉ số chi tiêu, tiêu dùng cá nhân (PCE) - bao gồm năng lượng và thực phẩm - đã tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 4,4% trong giai đoạn 12 tháng. Đây là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 1/1991. Đà tăng mạnh của lạm phát tổng thể đến từ mức tăng 24,9% chi phí năng lượng và 4,1% giá thực phẩm.

Đây dường như là hệ quả tất yếu trước xu hướng giá thực phẩm toàn cầu tăng vọt trong tháng 10 vừa qua. Chỉ số theo dõi các loại thực phẩm thiết yếu, từ lúa mì cho tới dầu thực vật của Liên Hiệp Quốc đã tăng 3%, lên mức đỉnh 10 năm trong tháng 10/2021. Điều này không chỉ khiến nỗi lo về lạm phát của các NHTƯ thêm trầm trọng hơn, mà còn làm gia tăng rủi ro xảy ra nạn đói ở một số nước.

chinh-sach-tien-te-4050-1636518545.jpg

Chính phủ Trung Quốc mới đây liên tục hối thúc chính quyền các địa phương đảm bảo đủ nguồn cung thực phẩm trong suốt mùa Đông này, đồng thời khuyến cáo người dân hãy tích trữ một số nhu yếu phẩm. Các báo cáo cũng cho thấy, giá thực phẩm tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới liên tục tăng mạnh trong tháng 10, khiến áp lực lạm phát gia tăng càng đẩy người tiêu dùng vào thế khó khăn hơn.

Tại Hàn Quốc, lạm phát trong tháng 10 đã phá mốc 3% lần đầu tiên trong gần 10 năm, vì đà tăng mạnh của giá hàng hóa và chi phí vận tải trước giá nhiên liệu leo thang. Lạm phát đã ở trên mục tiêu 2% của NHTƯ Hàn Quốc (BoK) trong 7 tháng liên tiếp, qua đó củng cố thêm cho khả năng BoK nâng lãi suất tại cuộc họp ngày 25/11/2021 sắp tới.

Kỷ nguyên tiền rẻ sắp kết thúc

Lạm phát đang tăng mạnh vì giá năng lượng tăng và sự đứt gãy chuỗi cung ứng có khả năng kéo dài tới năm 2022, trong khi chi phí vận chuyển tăng gần gấp 5 lần kể từ đầu năm 2019, đồng thời với đà nhảy vọt của giá nguyên vật liệu thô và thực phẩm. 

Với việc NHTƯ nhiều nước đang dần kết thúc các chương trình mua tài sản và nâng lãi suất trở lại, kỷ nguyên tiền rẻ dường như sắp đến hồi kết thúc.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021, cho rằng "nỗi lo lạm phát" có thể làm chậm đà phục hồi của thế giới khi khống chế được đại dịch Covid-19. Nhiều NHTƯ cũng đồng quan điểm, cho rằng lạm phát đang tăng mạnh trên toàn cầu. 

Trước tình trạng ấy, các nhà hoạch định chính sách buộc phải hành động sớm hơn. Mở đầu động thái thắt chặt chính sách tiền tệ là Na Uy với đợt nâng lãi suất 0,25% hồi tháng 9/2021 - tín hiệu rõ ràng nhất về sự xoay chiều trong chu kỳ chính sách tiền tệ đang lan rộng ra khắp thế giới. Hàng loạt NHTƯ khác như Pakistan, Hungary, Paraguay, Hàn Quốc, Brazil cũng nối bước nâng lãi suất, trong khi NHTƯ Singapore bất ngờ thắt chặt chính sách tiền tệ đầu tiên trong ba năm, thông qua công cụ tỷ giá. 

Ở Ấn Độ, các nhà hoạch định chính sách đột nhiên tuyên bố ngừng mua trái phiếu, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và NHTƯ Anh báo hiệu sắp đưa ra chính sách thắt chặt tiền tệ. 

Trong cuộc họp chính sách mới đây, FED đã quyết định thu hẹp chương trình mua trái phiếu ngay trong tháng 11 và dự kiến kết thúc vào tháng 7 năm tới. Theo đó, cứ mỗi tháng, FED sẽ giảm mua khoảng 15 tỷ USD từ mức 120 tỷ USD hiện nay, trong đó bao gồm 10 tỷ USD đối với trái phiếu Chính phủ Mỹ và 5 tỷ USD với chứng khoán đảm bảo bằng khoản thế chấp.

Cùng với quyết định trên, FED điều chỉnh đôi chút quan điểm về lạm phát, khi thừa nhận rằng đà tăng của giá cả diễn ra nhanh hơn và kéo dài hơn dự tính. Đối với lãi suất, dù các quan chức FED cho biết không định nâng lãi suất cho tới khi quá trình giảm mua trái phiếu hoàn tất, chỉ dự kiến sẽ có một lần nâng lãi suất vào năm sau, nhưng nhiều chuyên gia tài chính cho rằng FED sẽ có khả năng nâng lãi suất ba lần trong năm 2022.

Với việc NHTƯ nhiều nước đang dần kết thúc các chương trình mua tài sản và nâng lãi suất trở lại, kỷ nguyên tiền rẻ dường như sắp đến hồi kết thúc, khi đó các thị trường tài sản có lẽ sẽ chịu tác động mạnh và biến động khó lường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Áp lực lạm phát khắp nơi: Kỷ nguyên tiền rẻ sắp kết thúc?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO