Quốc tế

Kinh tế Trung Quốc khó bứt phá trong tương lai gần

Bảo Quân 28/10/2023 - 15:11

Bất chấp việc Trung Quốc sắp phát hành 1.000 tỷ CNY trái phiếu chính phủ, nền kinh tế nước này khó có thể bứt phá trong tương lai gần.

Đây là lần điều chỉnh ngân sách đầu tiên của Trung Quốc sau nhiều năm giảm phát, nhằm củng cố niềm tin trong bối cảnh đà phục hồi kinh tế có nhiều dấu hiệu ảm đạm. Thông báo phát hành trái phiếu được đưa ra sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình có chuyến thăm đầu tiên tới Ngân hàng Trung ương (PBoC), cho thấy sự cấp bách của giới lãnh đạo trong việc ổn định tăng trưởng.

Việc điều chỉnh tài khoá mở rộng mục tiêu thâm hụt ngân sách của Trung Quốc năm 2023 từ 3% lên 3,8% GDP. Theo Tân Hoa Xã, số tiền nói trên sẽ được phân phối cho chính quyền địa phương thông qua thanh toán chuyển khoản, nhằm tăng hỗ trợ phòng chống, khắc phục và tái thiết sau các thảm họa, thiên tai trong nước. Dù vậy, giới phân tích cho rằng, thiệt hại do thiên tai gần đây chưa thể sánh với trận động đất 2008 ở Tứ Xuyên hay Covid-19, nên gói kích thích mới có thể nhằm khơi dậy sự lạc quan hơn là tái thiết.

Bình luận về vấn đề này, Larry Hu - nhà kinh tế cấp cao tại Ngân hàng Macquarie nói: "1.000 tỷ CNY không phải số tiền quá lớn và chắc chắn không phải yếu tố có thể thay đổi cuộc chơi".

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ting Lu của Ngân hàng Nomura nói: "Theo Nomura, chúng ta không nên đánh giá quá cao tác động kinh tế mà 1.000 tỷ CNY trái phiếu chính phủ sắp phát hành tạo ra, nhất là trong tương lai gần".

Thế nên, "ý định thúc đẩy tăng trưởng và tăng cường niềm tin là khá rõ ràng", các chuyên gia phân tích của Citi Research cho biết.

kinh-te-trung-quoc-kho-but-pha-trong-tuong-lai-gan-1.jpeg
Dù 1.000 tỷ CNY tương đương khoảng 2% tổng doanh thu của các chính quyền địa phương, nó không phải số tiền quá lớn và là yếu tố có thể thay đổi cuộc chơi.

Nhiều dấu hiệu ảm đạm

Quý III năm nay, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm còn 4,9%, từ mức 6,3% quý trước, do niềm tin bị xói mòn vì khủng hoảng bất động sản. Tính cả 9 tháng đầu 2023, doanh số bán bất động sản giảm, bất chấp lãi suất vay thế chấp thấp hơn và các quy định mua được nới lỏng.

Theo báo cáo phát hành cách đây vài ngày, S&P Global Ratings dự báo nếu doanh số bất động sản Trung Quốc giảm mạnh trong năm tới, tăng trưởng GDP thực cả năm có thể chỉ còn 2,9%. Hiện, S&P dự báo doanh số bán bất động sản Trung Quốc sẽ giảm 10-15% năm nay và tiếp tục đi xuống 5% vào năm tới.

Bên cạnh đó, việc số liệu lạm phát và thương mại gần nhất không đạt kỳ vọng không khỏi tạo ra nhiều sự lo lắng về khả năng nền kinh tế Trung Quốc hiện đang đứng trên cái nền không vững vàng. Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng bất ngờ đi ngang trong tháng 9/2023 sau khi hồi phục vào tháng trước cho thấy nhu cầu yếu và ảnh hưởng từ các biện pháp thắt chặt tín dụng của Bắc Kinh. Xuất khẩu của Trung Quốc cũng giảm trong tháng gần nhất, dù ở mức độ thấp hơn so với tháng 8/2023.

Trái với kỳ vọng rằng tiêu dùng của người dân sẽ hồi phục mạnh vào thời điểm nền kinh tế Trung Quốc mới mở cửa, kịch bản ấy rốt cục đã không xảy ra. Và, 2 tháng còn lại của năm, xuất khẩu được cho là vẫn sẽ giảm cũng như gây sức ép lên tăng trưởng bởi nhu cầu của nước ngoài với hàng hóa Trung Quốc hạ nhiệt.

Thế nên, Ngân hàng Goldman Sachs cho rằng thông báo phát hành trái phiếu vừa qua là dấu hiệu thể hiện sự lo lắng của các nhà hoạch định chính sách về tăng trưởng và cũng là sự thừa nhận về các thách thức tài chính mà chính quyền địa phương phải đối mặt, đồng thời là gợi ý để sử dụng đòn bẩy cao hơn trong trung và dài hạn.

kinh-te-trung-quoc-kho-but-pha-trong-tuong-lai-gan.jpg
Nếu doanh số bất động sản Trung Quốc giảm mạnh trong năm tới, tăng trưởng GDP thực cả năm có thể chỉ còn 2,9%.

Khó bứt phát do nhiều cơn gió ngược

Hiện, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm nay và năm sau xuống 5% và 4,2%, từ mức 5,2% và 4,4% trước đó. Theo CNBC, mục tiêu dự báo của IMF là có thể đạt được, tuy nhiên thách thức thực sự sẽ chỉ diễn ra trong những năm tới. Và, có nhiều cơn gió ngược hiện đang bủa vây, khiến kinh tế Trung Quốc khó bứt phá.

Thứ nhất, căng thẳng Mỹ - Trung leo thang đã phá vỡ mối quan hệ cộng sinh vốn giữ vai trò quan trọng cho tăng trưởng trong hơn 4 thập niên qua. Gần đây, lệnh hạn chế đầu tư vào chất bán dẫn, vi điện tử, trí tuệ nhân tạo và công nghệ thông tin lượng tử của Washington cũng giáng đòn không nhỏ vào các startup Trung Quốc. Nguồn vốn mạo hiểm thắt lại do lệnh hạn chế không chỉ kéo theo sự sụt giảm trong dòng FDI mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của cả ngành công nghệ.

Thứ hai, nền kinh tế nội địa chuyển biến ảm đạm kết hợp với bong bóng bất động sản vỡ đã làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng, khiến người dân tiết kiệm nhiều hơn bất chấp lãi suất tiền gửi giảm liên tục. Theo dữ liệu từ PBoC, tiền gửi ngân hàng của hộ gia đình Trung Quốc đã tăng 1.600 tỷ USD trong 6 tháng đầu 2023, mức tăng lớn nhất 10 năm trở lại đây.

Người Trung Quốc thực sự không có nhiều tiền trong túi. Do đó, tham vọng dựa vào tiêu dùng của người dân để thúc đẩy nền kinh tế đang lâm vào bế tắc. Giờ, khi người dân cắt chi tiêu, khả năng thành công của chiến lược này thậm chí còn ít hơn nữa

He-Ling Shi - Phó giáo sư kinh tế tại Đại học Monash ở Melbourne

Thứ ba, nỗi lo gián đoạn chuỗi cung ứng, già hóa dân số và mức lương tăng mạnh đã tạo nên xu hướng Trung Quốc+1. Đây là chiến lược kinh doanh quốc tế sử dụng bởi các tập đoàn đa quốc gia vài năm trở lại đây nhằm giảm rủi ro khi đầu tư vào Trung Quốc, mà hậu quả nhãn tiền là ảnh hưởng của đại dịch và sự trừng phạt do dùng công nghệ của nước này.

Theo đó, doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào nền kinh tế số hai thế giới cũng mở rộng chi nhánh hoặc dịch chuyển cơ sở sản xuất sang cả các quốc gia khác trong khu vực như Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Myanmar.

Gút lại, một kịch bản mà trong đó Trung Quốc không còn tăng trưởng vượt trội nữa dường như đang dần trở thành hiển nhiên. Theo dự báo của IMF, trong những năm tới GDP nước này sẽ tăng dưới 4%, chưa bằng một nửa so với bình quân 40 năm qua. Capital Economics cũng cho rằng tăng trưởng GDP sẽ từ mức 5% năm 2019 xuống còn quanh 2% vào năm 2030.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế Trung Quốc khó bứt phá trong tương lai gần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO