Quốc tế

Chuyên gia nói gì về khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc?

Nguyễn Văn Phong 02/10/2023 - 14:36

Ông Zhang Yansheng - chuyên gia kinh tế tại Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế của Trung Quốc (CCIEE) mới đây đã có buổi trả lời phỏng vấn với Nikkei Asia về cuộc khủng hoảng bất động sản đang diễn ra.

Theo ông Zhang, nền kinh tế số 2 thế giới cần nhiều thời gian và tiền bạc hơn để khắc phục các hậu quả do đại dịch Covid-19 để lại. Ngoài ra, ông Zhang gợi ý các quy định liên quan đến nợ của những công ty bất động sản cần được nới lỏng, như giảm lãi suất và kéo dài thời gian trả.

Nhận xét của ông Zhang được đưa ra trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn, như tiêu dùng yếu, các công ty bất động sản chìm trong nợ, xuất khẩu đi xuống và tình trạng giảm phát có nguy cơ kéo dài.

00china-farms-video-still-cpjl-superjumbo-v2.jpg
Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn

Sau đây chúng tôi xin trích nguyên văn cuộc phỏng vấn của ông Zhang đăng trên Nikkei Asia.

* Kinh tế Trung Quốc phục hồi đang không như mong đợi. Ông nghĩ sao về viễn cảnh sắp tới?

- Đại dịch Covid-19 kéo dài 3 năm, do vậy quá trình phục hồi cần ít nhất thời gian tương tự. Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng nội địa vẫn thấp, các công ty chưa bán được nhiều sản phẩm như mong muốn. Khối kinh tế tư nhân vẫn đối mặt nhiều khó khăn và tương lai bất định ở phía trước. Tôi nghĩ rằng, quá trình phục hồi sẽ đan xen nhiều yếu tố phức tạp, nhưng tựu chung viễn cảnh ngắn hạn sắp tới có vẻ sẽ trì trệ.

* Có ý kiến cho rằng, cuộc khủng hoảng bất động sản hiện nay chưa có dấu hiệu sẽ sớm kết thúc. Ông nghĩ sao về nhận định này?

- Các biện pháp của chính phủ đưa ra vẫn chưa đủ. Việc thực thi quy định “3 ranh giới đỏ” nên được dừng lại. Quy định này nhằm kiểm soát giới hạn nợ của các công ty bất động sản lớn. Tôi nghĩ cuối năm 2024 hoặc năm 2025 thì đợt biến động tiêu cực hiện nay của thị trường mới kết thúc, mọi thứ sẽ dần trở lại bình thường.

* Trung Quốc có cần một gói tài chính lớn để kích cầu nền kinh tế hay không?

- Tôi nghĩ là rất cần. Cựu Bộ trưởng Tài chính Lou Jiwei nói rằng, nếu làm vậy ngân sách sẽ thâm hụt từ 1,5 nghìn tỷ lên 2 nghìn tỷ nhân dân tệ - tức khoảng 274 tỷ USD. Tôi chưa đồng ý vì trái phiếu phát hành của chính phủ sẽ lớn hơn con số đó rất nhiều, không cần quá lo lắng. Đầu tư và tiêu dùng cũng cần được đẩy mạnh, thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng và các dự án khác. Điều này có thể dẫn đến tăng trưởng cao trong 10-15 năm tới.

870168b0-abf7-469b-ab13-607686f8b660.jpg
Ông Zhang Yansheng - chuyên gia kinh tế tại Trung tâm CCIEE của Trung Quốc

* Một số người cho rằng chính sách tài khóa - ví dụ các gói kích cầu nên bao gồm lợi ích trực tiếp đến từng hộ gia đình. Ông nghĩ sao?

- Điều đó thật khó khăn. Ngay cả khi thu nhập trên danh nghĩa của các hộ gia đình tăng lên, thu nhập trên thực tế vẫn không tăng do lạm phát. Để tăng lương thực tế, năng suất lao động của người dân phải tăng. Việc trợ cấp cho người dân để mua hàng hóa và dịch vụ sẽ không tác động bao nhiêu, có thể nói gần như vô nghĩa.

* Tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Trung Quốc, theo ông là bao nhiêu phần trăm?

- Do bất ổn kéo dài trong khu vực kinh tế tư nhân và nhiều yếu tố khác, tốc độ tăng trưởng mong muốn là khoảng 5,5% sẽ rất khó đạt được. Tôi nghĩ khả năng cao là khoảng 5%.

* Trung Quốc có nguy cơ rơi vào giai đoạn trì trệ kéo dài, giống Nhật Bản trước đây hay không?

- Tôi không nghĩ vậy. Nhật Bản gặp rất nhiều khó khăn để vực dậy sau khi bong bóng bất động sản vỡ tan. Các vấn đề nợ của Trung Quốc dù ở địa phương, tài chính của trung ương hay lĩnh vực bất động sản, vẫn chưa đến mức sụp đổ. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào chính phủ. Trong tình huống rủi ro được ngăn chặn, bằng những biện pháp mạnh mẽ và cụ thể sẽ không xảy ra tình trạng kinh tế tụt lùi và giảm phát nghiêm trọng.

* Xin cảm ơn ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chuyên gia nói gì về khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO