Quốc tế

Kinh tế thế giới 2024 và những cơn gió ngược

Khả Hân 14/12/2023 12:00

Một trong những lực cản lớn ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2024 được cho là đến từ các chính sách thắt chặt tài chính và tiền tệ áp dụng thời gian qua, vốn đã khiến không ít doanh nghiệp kiệt quệ.

Tăng trưởng chậm lại?

Từng có lúc vượt mốc 5% trong tháng 10 năm nay, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm và trong những ngày gần đây đã rớt ngưỡng 4,2% sau khi dữ liệu Khảo sát cơ hội việc làm và luân chuyển lao động công bố chạm mức thấp nhất kể từ tháng 5/2021, khi chỉ có 8,73 triệu, thấp hơn rất nhiều so với mức 9,35 triệu của tháng trước và con số 9,31 triệu theo dự báo.

image3-1698033132616-1698033133538638998419.jpg

Nền kinh tế Trung Quốc cũng được dự báo sẽ chậm lại từ mức tăng trưởng 5,2% trong năm nay xuống 4,7% vào năm 2024, tiếp đó có xuống còn 4,2% trong năm 2025.

Trước tín hiệu thị trường lao động đang suy yếu dần và nguy cơ tỷ lệ thất nghiệp sẽ đi lên trong giai đoạn tới, nhiều chuyên gia kinh tế đang lo ngại trước kịch bản hạ cánh cứng của nền kinh tế Mỹ. Xu hướng lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm trở lại, tức giá trái phiếu tăng, đã phần nào phản ánh viễn cảnh suy thoái của kinh tế Mỹ trong năm sau. Là nền kinh tế Số 1 thế giới, sự suy yếu của Mỹ sẽ tác động tiêu cực lên kinh tế thế giới.

Dù vậy, theo nhận định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) mới đây, nền kinh tế toàn cầu trong năm 2024 dù sẽ chậm lại so với năm 2023 nhưng nguy cơ hạ cánh cứng đã giảm bớt. Trong báo cáo mới nhất, OECD dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 sẽ ở mức 2,7%, thấp hơn so với mức dự báo 2,9% trong năm 2023 và có xu hướng tăng lên 3% vào năm 2025. Các nền kinh tế phát triển được cho là đang có xu hướng “hạ cánh nhẹ nhàng”.

Trong khi đó, tại khu vực đồng Euro, OECD dự đoán tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ tăng từ 0,6% trong năm nay lên 0,9% vào năm 2024 và 1,1% vào năm 2025 khi Đức - nền kinh tế lớn nhất khu vực thoát khỏi suy thoái kinh tế trong năm nay.

Sự tăng vọt của các đồng tiền điện tử như Bitcoin gần đây, cũng như các tài sản an toàn như thị trường vàng hay trái phiếu Chính phủ, không chỉ vì nhà đầu tư dự báo các ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu quay trở lại với chu kỳ giảm lãi suất, mà còn đang phần nào phản ánh những rủi ro và bất ổn của nền kinh tế trong giai đoạn tới.

Những cơn gió ngược

Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được cho là sẽ bắt đầu giảm lãi suất từ năm 2024, nhưng trong phát biểu hồi đầu tháng này của Chủ tịch Fed là Jerome Powell, ông cho biết vẫn còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng lạm phát, từ đó đẩy lùi các kỳ vọng Fed sớm giảm lãi suất. Ông Powell nhấn mạnh Fed vẫn sẽ duy trì chính sách thắt chặt cho tới khi họ tự tin rằng lạm phát đang trên đà giảm về mục tiêu 2% một cách bền vững.

Hiện Fed đang duy trì lãi suất chính sách ở mức 5,25%-5,5%, là mức cao nhất trong 22 năm qua, còn các nhà giao dịch dự báo Fed sẽ giảm lãi suất 25 điểm cơ bản ngay vào tháng 3/2024, theo dữ liệu từ CME FedWatch.

Đặc biệt, khi những gói kích thích kinh tế của Mỹ và châu Âu đang đi vào giai đoạn kết thúc, lực đỡ cho nền kinh tế cũng đang giảm dần. Trong khi đó, nền kinh tế thứ 2 thế giới là Trung Quốc cho đến giờ vẫn không đưa ra một gói kích thích đáng kể nào. Để hỗ trợ nền kinh tế, Bắc Kinh thời gian qua chỉ đơn thuần hạ lãi suất và có thể sắp tới chỉ cắt giảm thêm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, bất chấp nước này phải đối mặt với hàng loạt bất ổn trong thị trường bất động sản cũng như người tiêu dùng tiết kiệm nhiều hơn trước.

Không chỉ Trung Quốc, những căng thẳng trên thị trường bất động sản cũng đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn ở quy mô toàn cầu, ngay cả những nền kinh tế lớn như Đức hay Thụy Điển. Trong tuần trước, tập đoàn bán lẻ và bất động sản khổng lồ Signa của Áo đã tuyên bố vỡ nợ, trở thành nạn nhân lớn nhất cho đến nay trong cơn suy thoái bất động sản ở châu Âu. Điều này đang làm tăng rủi ro vỡ nợ của khách hàng vay tiền.

Tăng trưởng kinh tế của nước này có thể yếu đi còn do các công ty tìm cách chuyển địa điểm sản xuất nhằm tăng hiệu quả về chi phí. Ngoài ra, giới phân tích cũng cho rằng sự phục hồi yếu hơn dự kiến của ngành sản xuất chế tạo của Trung Quốc, cùng với chuỗi cung ứng tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục đứt gãy và cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, cũng như chu kỳ tồn kho năng lượng đã phải điều chỉnh do xây dựng tồn kho quá mức vào năm ngoái, đều đè nặng lên hoạt động sản xuất toàn cầu vốn vẫn đang chật vật hồi phục.

Một cơn gió ngược khác được dự báo cũng sẽ tác động xấu đến tăng trưởng và các hoạt động sản xuất cho năm sau, đó là thách thức giá năng lượng nói chung và giá dầu nói riêng tiếp tục leo thang.

Cuối tháng 11 vừa qua, nhiều thành viên nhóm OPEC đã cam kết cắt giảm nguồn cung tổng cộng hơn 2 triệu thùng/ngày, trong đó một nửa đến từ Ả Rập Xê út. Còn trong cuộc phỏng vấn mới đây, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê út, cho biết Liên minh OPEC+ có thể kéo dài chính sách cắt giảm sản lượng dầu nếu cần thiết.

Theo OECD, tăng trưởng của Mỹ sẽ đạt mức 2,4% trong năm 2023 và giảm sâu xuống 1,5% vào năm tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế thế giới 2024 và những cơn gió ngược
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO