Xuất khẩu nông sản vào Hàn Quốc: Nỗ lực giành thị phần

DUY KHUÊ - ĐỖ PHƯƠNG| 05/09/2017 03:04

Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để giành chỗ cho nông sản tại Hàn Quốc cũng như thế giới...

Xuất khẩu nông sản vào Hàn Quốc: Nỗ lực giành thị phần

Thị trường xuất khẩu rau quả thế giới (không tính các loại hạt) trị giá hơn 140 tỷ USD, trong đó Việt Nam chỉ chiếm khoảng 1%. Đáng chú ý là năng lực cung ứng rau củ quả sạch của Việt Nam đã giảm từ năm 2009 đến nay. Do vậy, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để giành chỗ cho nông sản tại Hàn Quốc cũng như thế giới.

Đọc E-paper

Sau khi Chính phủ ban hành Quyết định số 899/2013/QD-TTg ngày 10/6/2013 (về Phê duyệt Đề án Tái cơ cấu nông nghiêp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững), Việt Nam đã thành lập Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và Văn phòng Tăng trưởng bền vững để thực hiện và thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Ban chỉ đạo về Phát triển bền vững từ năm 2013 để cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2015 - 2020, trong đó lồng ghép nội dung chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2011 - 2020 vào quá trình hoạch định chính sách kinh tế.

Nhìn chung, hệ thống chính sách liên quan đến nông nghiệp xanh của Việt Nam được đánh giá khá đầy đủ. Hơn nữa, các giải pháp, xây dựng hệ thống chính sách nông nghiệp xanh đã xác định rõ vai trò của chính sách trung ương và địa phương, nhân rộng các mô hình nông nghiệp xanh, hỗ trợ và tích hợp các chứng chỉ môi trường vào chiến lược chính sách, thúc đẩy liên kết nông dân, doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp xanh, thúc đẩy đa dạng hóa trong sử dụng đất dựa trên tiếp cận cảnh quan xanh. 

Mặc dù vậy, nhưng Việt Nam cũng chịu nhiều thách thức về vị thế trên thị trường nông nghiệp toàn cầu. Đó là xuất khẩu nông sản tiếp tục tăng nhưng tăng trưởng đi ngang và đóng góp trong nhóm hàng hóa xuất khẩu chủ yếu lại có xu hướng giảm. Thị phần nhiều loại nông sản chủ lực của Việt Nam trên thị trường thế giới ổn định nhưng dư địa cho xuất khẩu nông sản thô đang hẹp dần. Đơn cử như gạo chiếm thị phần không đáng kể tại các thị trường có giá trị lớn nhất thế giới và đang suy giảm thị phần tại các thị trường chính.

Ảnh: QH

Theo ThS. Vũ Thị Quyền - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới TP.HCM, điều đáng suy ngẫm hơn là Việt Nam chỉ chiếm thị phần nhỏ bé (1%) trên thị trường xuất khẩu rau quả (không tính các loại hạt) trị giá hơn 140 tỷ USD của thế giới, chỉ chiếm thị phần đáng kể nhất tại Trung Quốc nhưng có khuynh hướng giảm từ 2009 đến nay. Theo đó, ngành nông nghiệp Việt Nam chủ yếu sản xuất theo định hướng xuất khẩu trong khi thị trường nội địa tăng trưởng nhanh, nhu cầu đa dạng và ngày càng mở rộng cửa.

Chia sẻ tại Hội thảo Thực phẩm hướng về sản phẩm xanh - giải pháp cho tương lai, ông Trương Hải Nam - Giám đốc Công ty ICFood Việt Nam trực thuộc Tập đoàn ICFood Hàn Quốc, đơn vị có hơn 20 chi nhánh trên thế giới, cho biết, dòng sản phẩm mũi nhọn của doanh nghiệp là cung cấp gia vị cho các nhà máy, thực phẩm, nhà hàng tại Hàn Quốc.

Trong đó, ICFood Việt Nam chuyên nghiên cứu, sản xuất và phân phối nguyên liệu thực phẩm tự nhiên, gia vị tự nhiên, bảo quản tự nhiên, men vi sinh chăn nuôi, men rượu cồn, chế phẩm phục vụ lên men. Được biết, Chính phủ Việt Nam đang kêu gọi đầu tư sản xuất, nhưng khâu nghiên cứu và sản xuất trong ngành thực phẩm phụ trợ thì vẫn chưa được chú trọng. Đơn cử như trường hợp của ICFood Việt Nam, theo ông Nam, hiện tại bình quân mỗi tháng doanh nghiệp làm ra từ 20 - 30 sản phẩm để chào bán cho khách hàng.

Tuy nhiên, mức phí đăng kiểm, công bố sản phẩm còn quá cao, từ 6 - 10 triệu đồng/sản phẩm. Bên cạnh việc doanh nghiệp phải tốn chi phí nghiên cứu, doanh nghiệp còn tốn thêm chi phí công bố, chi phí kiểm nghiệm, chí phí không tên khác đối với mỗi loại sản phẩm, dù rằng sản phẩm đó chưa chắc đã đạt chất lượng, yêu cầu từ phía nhà nhập khẩu Hàn Quốc. Đây được xem là thiệt thòi cho doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Theo ông Nam, tại Hàn Quốc luôn có hệ thống để doanh nghiệp tự xem xét, đăng ký sản phẩm, đối chiếu theo danh mục các tiêu chuẩn đã được công nhận thì được phép nhập khẩu. Trong khi ở Việt Nam, mỗi khi doanh nghiệp đưa ra một sản phẩm mới thì phải qua khâu thử nghiệm nhưng vẫn phải làm ra một bản công bố chi tiết và tiếp tục đóng phí.

Ở góc độ khác, khi nói về việc sản xuất thực phẩm sạch, theo đại diện Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA), DN đã tự thực hiện từ khâu nuôi trồng (gạo, heo, đậu bắp, xoài), sản xuất (hàng tươi sống). Tuy nhiên, cái khó để các doanh nghiệp tham gia sản xuất đại trà là do hiện nay chi phí sản xuất thực phẩm xanh khá cao nên giá thành sản phẩm cao hơn sản phẩm thông thường. Vì vậy, sản phẩm chỉ được phát triển trong thời gian đầu, sau đó nhiều sản phẩm đã phải bỏ cuộc, ngưng sản xuất. Trong số này có mặt hàng gạo ở An Giang.

Phân tích thêm về vấn đề này, phía SATRA cho hay, thời gian qua, Công ty có tài trợ cho nông dân để sản xuất gạo sạch, phải mất đến hai năm, chi phí cho sản xuất sạch khá cao, đã đẩy giá gạo bán ra lên tới 30.000đ/kg. Trên thực tế, để có sản phẩm xanh, sạch cần phải đầu tư, DN phải chấp nhận một phần chi phí, vì vậy, đòi hỏi phải có sự chung sức của cả cộng đồng.

>>Xuất khẩu nông sản vào Hàn Quốc: Cửa lớn khó qua

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu nông sản vào Hàn Quốc: Nỗ lực giành thị phần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO