Xuất khẩu gạo: Tăng chất, giảm lượng

AN PHƯƠNG| 26/10/2017 08:08

Trong 20 năm Việt Nam xuất khẩu gạo, có những năm như năm 2011, 2012 đạt sản lượng rất cao, lần lượt là 7,105 triệu tấn, kim ngạch 3,507 tỷ USD và 8,2 triệu tấn, kim ngạch 3,67 tỷ USD.

Xuất khẩu gạo: Tăng chất, giảm lượng

Mấy năm gần đây, lượng gạo xuất khẩu của nước ta giảm dần nhưng vẫn đứng thứ hai (sau Thái Lan) hoặc thứ ba (sau Thái Lan và Ấn Độ) trong chưa đến một chục nước xuất khẩu gạo trên thế giới, như năm 2015 đạt 6,568 triệu tấn, kim ngạch 2,68 tỷ USD, năm2016 đạt 4,88 triệu tấn, kim ngạch 2,2 tỷ USD, thấp nhất trong vòng 8 năm qua.

Dù giảm, lượng gạo xuất khẩu vẫn cao, như năm 2008 - 2016 chiếm khoảng 15% lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới, nhưng giá trị trên mỗi đầu tấn lại luôn thấp hơn gạo Thái Lan, đặc biệt năm 2008, giá chỉ bằng một nửa gạo Thái Lan. Giá gạo xuất khẩu có năm còn thấp hơn giá bán lẻ trong nước nên có người cho rằng Việt Nam "bao cấp" gạo cho một số nước. Từ chỗ có giá trị kim ngạch cao nhất trong các loại nông sản xuất khẩu, mấy năm gần đây, gạo đã bị nhóm hàng thủy sản, hạt điều, cà phê, rau quả, trái cây "qua mặt" khá xa, ít nhất cũng trên dưới 500 triệu USD.

Nguyên nhân thì các nhà nông học và chuyên gia nông nghiệp đã chỉ ra từ lâu, tựu trung là do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, gạo xuất khẩu chưa có thương hiệu, pha trộn hàng chục giống lúa và chủ yếu là gạo trắng thường 15%, 25% tấm, lại chưa bảo đảm an toàn thực phẩm do dư lượng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học; các doanh nghiệp cạnh tranh nhau về giá thấp để được tham gia thực hiện những hợp đồng chính phủ bán gạo cho Philippines, Indonesia hay vài nước châu Phi, chưa nói việc tự phá giá để tranh giành khách hàng, tức "quân ta đánh quân mình".

Vì thế mà ông Phạm Hoàng Lâm - Tổng giám đốc Công ty CP Hưng Lâm (An Giang) khẳng định: "Việc bán gạo chất lượng thấp với giá rẻ như các năm qua không còn là lợi thế nữa".

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, trong một bài báo mới đây trên VnExpress về sản xuất và xuất khẩu gạo, bức xúc viết: "Thay vì phải thực thi bốn điều kiện của sản xuất nông nghiệp: đất sạch, nước sạch, không xài hóa chất trong phân bón, không thuốc trừ sâu; giống đạt tiêu chuẩn chất lượng; chế biến bảo quản đúng cách; quản lý chất thải đồng ruộng đúng cách thì nông dân ta đang canh tác theo hướng "bốn bất chấp": chất lượng, giá cả, môi trường và sức khỏe người sản xuất".

Bà Hạnh đánh giá: gạo của Việt Nam nổi tiếng thế giới nhưng toàn nổi tiếng về số lượng. Lượng nhiều, giá trị ít, thu nhập kém, môi trường hỏng, vòng xoáy cứ liên tục đi xuống.

Theo Quyết định 492/QĐ-TTG, lượng gạo xuất khẩu giảm dần nhưng tăng giá trị kim ngạch. Chẳng hạn, giai đoạn 2017 - 2020, lượng gạo xuất khẩu hằng năm khoảng 4,5 - 5 triệu tấn, trị giá bình quân 2,2 - 2,3 tỷ USD; giai đoạn 2021 - 2030, lượng gạo xuất khẩu hằng năm khoảng 4 triệu tấn, trị giá khoảng 2,3 - 2,5 tỷ USD.

Về chuyển dịch các loại gạo xuất khẩu, đến năm 2020, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình không quá 20%, gạo trắng phẩm cấp cao chiếm khoảng 25%, gạo thơm, gạo đặc sản, gạo Japonica chiếm khoảng 30%, gạo nếp 20%, các sản phẩm từ gạo khoảng 5%. Đến năm 2030, tỷ trọng gạo trắng cấp thấp và trung bình chiếm khoảng 10%, gạo trắng phẩm cấp cao 15%, gạo thơm, gạo đặc sản, gạo Japonica chiếm khoảng 40%, gạo nếp 25%, các loại gạo có giá trị dinh dưỡng, vi chất, gạo đồ tăng 10%.

Vậy nền nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng phải thay đổi từ đâu và làm thế nào để xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới?

Ngày 3/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã Phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định 492/QĐ-TTg).

Để hiện thực hóa Quyết định 492/QĐ-TTg, theo Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 3,2 triệu hecta đất trồng lúa phải giữ lại, trước hết phải xác định vùng chuyên trồng giống lúa thơm cao sản và lúa chất lượng cao là 30 huyện thuộc 8 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Tiền Giang, Long An) với diện tích ổn định 800.000ha, vì hiện nay 8 huyện này đóng góp đến 75% sản lượng gạo xuất khẩu, để Nhà nước tập trung đầu tư đồng bộ sản xuất, chế biến theo công nghệ cao trong nông nghiệp với 100% bằng cơ giới.

Thứ hai, xác định vùng sản xuất lúa thơm đặc sản, lúa hữu cơ dựa vào điều kiện thích ứng biến đổi khí hậu và điều kiện sinh thái tự nhiên. Đó là vùng chuyên canh tôm - lúa ở các tỉnh ven biển và vùng lúa một vụ ở bán đảo Cà Mau. Với vùng này, Nhà nước phải đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh phục vụ luân canh tôm - lúa với diện tích 150.000ha và có thể tăng thêm 100.000ha. Thứ ba, ổn định khoảng 200.000ha đất luân canh một vụ lúa với cây trồng cạn hoặc cây trồng cạn ngắn ngày như rau, đậu, hoa, cỏ chăn nuôi gia súc.

Theo các doanh nghiệp trồng lúa kiêm xuất khẩu gạo, ý kiến của Cục Trồng trọt mới là định hướng, năm bảy năm nữa chưa chắc thành hiện thực vì nguồn lực của Nhà nước có hạn, nhất là trong tình trạng thâm thủng ngân sách như hiện nay thì không dễ đầu tư đồng bộ cho vùng chuyên canh lúa xuất khẩu. Do đó, đầu tiên là Quốc hội phải sửa Luật Đất đai, trong đó có vấn đề tích tụ ruộng đất để có những cánh đồng lớn vài nghìn hecta trở lên là rất quan trọng.

Thứ hai là đầu tư trực tiếp vào những doanh nghiệp nông nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gạo, như Tập đoàn Lộc Trời là đơn vị đi đầu trong việc liên kết với nông dân thực hiện cánh đồng lớn với diện tích hàng năm từ 50.000-60.000 ha, Công ty CP Xuất nhập khẩu Intemex- một DN lớn trong ngành lúa gạo, Công ty CP Nông nghiệp Trung An - một doanh nghiệp tiên phong ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp... bằng cách được vay vốn lớn với lãi suất ưu đãi để xây dựng vùng nguyên liệu lúa xuất khẩu.

Tức là muốn xuất khẩu gạo theo định hướng của Quyết định 492/QĐ-TTg thì doanh nghiệp nông nghiệp, mà cụ thể là doanh nghiệp sản xuất lúa và trực tiếp xuất khẩu gạo là đầu mối để xây dựng nhiều vùng nguyên liệu lúa với quy trình canh tác sạch bằng các giống lúa chất lượng cao như Thái Lan đã làm với gạo Khaw Dawk Mali, Hom Mali, Ấn Độ với gạo Basmati, gần đây là gạo Phka Malis của Campuchia, để tạo thương hiệu riêng trước khi có thương hiệu gạo quốc gia, từ đó tham gia sâu vào chuỗi giá trị gạo toàn cầu.

>>Xuất khẩu nông sản vào Hàn Quốc: Cửa lớn khó qua

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu gạo: Tăng chất, giảm lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO