Xuất khẩu 2013: Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất

T.THANH - H.NGA| 12/11/2012 04:42

Dù hiện nay kinh tế thế giới vẫn chưa hồi phục, các đơn hàng xuất khẩu giảm sút nhưng theo dự đoán, trong năm 2013, Mỹ sẽ là thị trường xuất khẩu lý tưởng cho các quốc gia, trong đó, có Việt Nam.

Xuất khẩu 2013: Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất

Dù hiện nay kinh tế thế giới vẫn chưa hồi phục, các đơn hàng xuất khẩu giảm sút nhưng theo dự đoán, trong năm 2013, Mỹ sẽ là thị trường xuất khẩu lý tưởng cho các quốc gia, trong đó, có Việt Nam.

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế của WTO, dự báo mức tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2012 sẽ là 3,7%, tiếp tục giảm sâu so với mức 5% của năm 2011.

Tuy nhiên, theo thông tin từ IHS Global Insight, hãng dự báo kinh tế hàng đầu của Mỹ, nhu cầu nhập khẩu của nước này sẽ tiếp tục tăng nhẹ từ mức 2.312 tỷ USD trong năm 2012 lên 2.334 USD trong năm 2013.

Như vậy, Mỹ vẫn sẽ là thị trường xuất khẩu lý tưởng cho các quốc gia trong đó có Việt Nam trong bối cảnh ảm đạm của cuộc khủng hoảng.

Sản xuất kềm xuất khẩu tại Công ty Kềm Nghĩa. Ảnh: Quý Hòa

Thống kê của sàn thương mại điện tử B2B lớn nhất thế giới Alibaba.com cho đến hết quý III-2012 cho thấy dù có sự giảm sút nhưng Mỹ vẫn chiếm vị trí đầu tiên về lượng đặt hàng dành cho các sản phẩm Việt Nam, với tỷ lệ 10% (tỷ lệ này tại cùng kỳ năm 2011 là 12%); theo sau vẫn là Trung Quốc và Ấn Độ với tỷ lệ lần lượt là 8% và 7%. Bên cạnh đó, xuất hiện 3 quốc gia mới trong top 10 quốc gia quan tâm đến sản phẩm Việt Nam bên cạnh Anh, Hàn Quốc, Malaysia,Việt Nam (nhà nhập khẩu tại Việt Nam tìm kiếm nguồn hàng ngay tại Việt Nam) là Nga, Hồng Kông và Úc.

Dù trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, cơ cấu thị trường và sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang các nước vẫn không có nhiều biến động. Nhóm nông phẩm, thực phẩm - đồ uống vẫn là thế mạnh hàng đầu của Việt Nam với tỷ lệ hỏi hàng chiếm 42%. Theo sau là nhóm hàng vật liệu xây dựng với tỷ lệ 8% và nhóm sản phẩm dùng cho nhà ở và vườn chiếm 5%.

Theo thông tin của Bộ Nông nghiệp Mỹ, kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp hầu như không thay đổi trong năm 2012, nhưng dự báo sẽ tăng từ 106,5 tỷ USD lên 117 tỷ USD vào cùng kỳ tháng 8/2013.

Một trong những yếu tố được đánh giá làm tăng kim ngạch nhập khẩu của quốc gia này được các chuyên gia nhận định là do sự điều chỉnh giá dưới tác động của sự sụt giảm về lượng cầu của thế giới. Như vậy, yếu tố giá sẽ giữ một vai trò quan trọng mà doanh nghiệp Việt cần lưu tâm trong giai đoạn cạnh tranh gay gắt hiện nay.

Bên cạnh đó, nhu cầu nhập mặt hàng đồ gỗ nội thất của thị trường Mỹ được các chuyên gia dự báo sẽ tăng trở lại do nguồn dự trữ trong năm 2011, 2012 đã cạn kiệt. Theo nhận định của ông Phạm Quang Đỉnh, Giám đốc điều hành của DB Furniture, một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu mặt hàng đồ gỗ nội ngoại thất, cho rằng, thương mại điện tử là môi trường giúp đánh giá xu hướng thị trường một cách nhanh nhất.

“Chúng tôi đã nhận được nhiều đơn đặt hàng thông qua Alibaba.com và hiện đang tiến hành giao dịch với một số đối tác tiềm năng. Sắp tới sẽ là chu kỳ mua hàng trở lại của thị trường Mỹ, chúng tôi đã có sự chuẩn bị cho giai đoạn này”, ông Đỉnh dự đoán.

Đánh giá về triển vọng xuất khẩu sản phẩm Việt Nam sang thị trường Mỹ, ông Timothy Leung, Giám đốc cao cấp Bộ phận Dịch vụ và Kinh doanh toàn cầu của tập đoàn Alibaba.com chia sẻ: “Ngày càng nhiều doanh nghiệp nhập khẩu Mỹ chuyển hướng tìm kiếm nguồn hàng từ các thị trường truyền thống sang các khu vực có chi phí rẻ hơn, trong đó có các quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nên có sự chuẩn bị chu đáo nhằm đáp ứng những yêu cầu khắt khe của nhà nhập khẩu Mỹ”.

Bên cạnh việc tận dụng các thế mạnh cạnh tranh là chi phí sản xuất thấp để đưa ra các mức giá cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh nhạy trước những thay đổi về nhu cầu từ người mua và cố gắng đáp ứng các tiêu chuẩn cao của ngành hàng nhằm tạo nên sự khác biệt so với các nhà cung cấp khác.

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt nên thường xuyên đánh giá lại hiệu quả của các công cụ marketing và chọn ra những phương thức phù hợp với các xu hướng tìm kiếm nguồn cung toàn cầu hiện nay.

Quy định mới về xuất khẩu thực phẩm sang thị trường Mỹ:

Theo nguồn tin từ Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, bắt đầu từ ngày 1/10/2012 toàn bộ các cơ sở làm hàng thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam và của các nước khác có xuất khẩu vào thị trường Mỹ đều phải tiến hành thủ tục đăng ký lại/đăng ký mới với Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) để được nhận một mã số kinh doanh mới. Mã số này chỉ có giá trị trong 2 năm, vì vậy, cứ 2 năm một lần các cơ sở làm hàng thực phẩm xuất khẩu vào thị trường Mỹ lại phải làm thủ tục đăng ký lại để nhận mã số kinh doanh mới.

Từ ngày 1/1/2013 FDA sẽ tiến hành kiểm tra toàn bộ các lô hàng thực phẩm xuất khẩu vào Mỹ, nếu phát hiện không có mã số kinh doanh mới hợp lệ do FDA cấp từ ngày 1/10/2012, hàng của các nhà xuất khẩu sẽ bị giữ tại cửa khẩu hoặc bị từ chối nhận hàng và toàn bộ chi phí này đếu do bên xuất hàng chịu.

Song song với việc đăng ký mã số kinh doanh mới, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng phải đăng ký chính thức với FDA một người đại diện tại Mỹ cho cơ sở của mình. Người đại diện tại Mỹ (US Agent) có thể là một người, một công ty hoặc một cơ quan có trụ sở tại Mỹ đóng vai trò là người liên lạc tại chỗ, duy trì liên lạc thông suốt với FDA 24/24 giờ, đồng thời là người phải trả lời các câu hỏi của FDA liên quan đến cơ sở làm hàng xuất khẩu và mặt hàng xuất khẩu trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của FDA.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu 2013: Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO