Xu hướng đầu tư đa ngành của các doanh nghiệp lớn

HỒNG NGA - THANH NGÂN| 15/12/2017 09:23

Mở rộng ngành nghề kinh doanh ở các lĩnh vực mới hiện đang là xu hướng của nhiều doanh nghiệp lớn.

Xu hướng đầu tư đa ngành của các doanh nghiệp lớn

Không như thời kỳ bùng nổ đầu tư đa ngành giữa những năm 2000, lần này các doanh nghiệp đã tích lũy được nguồn lực về vốn, năng lực quản lý, công nghệ mới. Xu hướng đầu tư này sẽ còn tiếp tục khi các doanh nghiệp Việt Nam đủ sức canh tranh với doanh nghiệp FDI.

Vinamilk đầu tư vào mía đường, Vingroup sản xuất ô tô, Sun Group kinh doanh cảng hàng không, Thế Giới Di Động phân phối dược phẩm... là những điển hình của xu hướng mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp hiện nay.

Ngày 28/11 vừa qua, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) ra mắt Công ty CP Đường Việt Nam (Vietsugar), chính thức bước chân vào ngành mía đường. Vietsugar là tên gọi mới của Công ty CP Đường Khánh Hòa (KSC) sau khi Vinamilk sở hữu 65% cổ phần. Từ đây, đường ăn sẽ là một nhánh mới của Vinamilk sau 40 năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sữa.

Bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Công ty Vinamilk cho biết, Công ty quan tâm đến ngành mía đường từ lâu và đã mua cổ phần của nhiều công ty mía đường trong nhiều năm qua. Lần này Vinamilk quyết định đầu tư sở hữu 65% cổ phần KGC nhằm dần khép kín chuỗi cung ứng nguyên liệu cho nhu cầu sản xuất.

Theo ông Đỗ Thành Liêm - lãnh đạo KSC và giờ là Tổng giám đốc Vietsugar, trong 28 năm qua, KSC đã có nhiều đóng góp cho tỉnh Khánh Hòa, người dân trồng mía và đạt được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, nền kinh tế thị trường luôn cần những bước chuyển mang tính đột phá để phát triển, vì thế Công ty đã hợp tác với Vinamilk.

"Chúng tôi rất phấn khởi và tự hào khi được hợp tác cùng Vinamilk - một công ty dinh dưỡng có uy tín và phát triển bền vững nhất Việt Nam. Chúng tôi tin rằng, sự hợp tác này sẽ đem lại thành công không chỉ cho Vietsugar mà còn đem lại sức bật mới cho sự phát triển của ngành mía đường Việt Nam", ông Liêm chia sẻ.

Link bài viết

Là công ty dinh dưỡng lớn nhất Việt Nam và là một trong 2.000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu (theo Forbes Global 2000 năm 2017), trong nhiều năm qua, Vinamilk luôn cần nhiều đường để sản xuất các loại sữa. Nhưng thị trường đường thế giới liên tục biến động, vì thế, bằng việc sở hữu lượng lớn cổ phần ở KSC, Vinamilk đã an tâm về nguồn đường sản xuất, bởi hiện tại, Vietsuger đã đạt công suất 10.000 tấn mía/ngày, luyện độc lập đường thô 1.500 tấn/ngày.

Với sự đầu tư của Vinamilk, trong thời gian tới, công ty sẽ mở rộng công suất lên 15.000 tấn mía/ngày, luyện đường thô 2.000 tấn/ngày. Với sự đầu tư và kinh nghiệm quản trị tiên tiến của Vinamilk, sự hợp tác này còn mang lại hướng đi mới cho ngành mía đường Việt Nam, từng bước giúp người nông dân nâng cao năng suất cây mía.

Trước thời điểm Vinamilk công bố tham gia vào lĩnh vực mía đường, Vingroup đã khởi động tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast tại Khu Kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng) với vốn đầu tư lên đến 3,5 tỷ USD. Mục tiêu của Vinfast là trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á với công suất thiết kế 500.000 xe/năm vào năm 2025.

Chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Việt Quang - Phó chủ tịch Vingroup cho biết, trong thời gian đầu, khi chưa có nguồn thu từ xuất khẩu và lượng xe bán trong nước chưa nhiều, Vinfast sẽ chưa có lợi nhuận. Nhưng 5 - 10 năm tới, Vinfast sẽ làm được những điều mà các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc đã làm được trong vài chục năm trước.

Vinfast là một tổ hợp trong chiến lược trở thành tập đoàn kinh tế đa ngành của Vingroup. Chiến lược này được Vingroup triển khai trong năm 2015 bằng việc mở rộng hoạt động một loạt lĩnh vực mới, như siêu thị bán lẻ với thương hiệu VinMart, cửa hàng VinMart+, điện máy với thương hiệu VinPro, nông nghiệp với thương hiệu VinEco.

Đánh giá về mô hình nông nghiệp sạch của Vingroup, một chuyên gia kinh tế cho rằng, thế mạnh của doanh nghiệp này là nguồn vốn và mạng lưới phân phối là những trung tâm thương mại, siêu thị mà họ đã xây dựng. Vingroup đã xây dựng nông trường tại TP.HCM, Lâm Đồng, Đồng Nai, Quảng Ninh. Với những kênh đầu tư mới, đến nay, ngoài bất động sản, Vingroup đã hoạt động ở nhiều lĩnh vực, từ giáo dục, y tế đến nghỉ dưỡng, du lịch...

"Khi quyết định đầu tư, chúng tôi đã tính toán kỹ để làm sao đem lại hiệu quả cao nhất. Đa ngành nghề cũng là định hướng để hạn chế rủi ro, giúp phát triển doanh nghiệp theo hướng bền vững", ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Vingroup nói.

Chia sẻ với các cổ đông, Chủ tịch HĐQT Vingroup Phạm Nhật Vượng cho rằng, việc phát triển theo hướng đa ngành nghề không phải là đầu tư theo trào lưu. Vingroup sẽ rút lui ngay nếu nhận thấy dự án không có tương lai, không mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, cổ đông và không tạo ra lợi nhuận cho khách hàng.

"Khi quyết định đầu tư, chúng tôi đã tính toán kỹ để làm sao đem lại hiệu quả cao nhất. Đa ngành nghề cũng là định hướng để hạn chế rủi ro, giúp phát triển doanh nghiệp theo hướng bền vững", ông Vượng nói.

Chưa phát triển nhiều ngành nghề như Vingroup nhưng Công ty CP Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group) bên cạnh bất động sản ở nhiều tỉnh - thành, gần đây đã đầu tư vào lĩnh vực hàng không. Sân bay quốc tế Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) do Sun Group làm chủ đầu tư với vốn 7.500 tỷ đồng sẽ khai thác vào cuối quý II/2018 là một điển hình. Đây là sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam được đầu tư theo hình thức BOT, do doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vận hành, khai thác. Dự kiến, trong năm đầu tiên, sân bay Vân Đồn sẽ đón khoảng 500.000 lượt khách.

Một doanh nghiệp mạnh khác là Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (TGDĐ), từ năm 2016 đã mở rộng hoạt động ra ngoài lĩnh vực thế mạnh. Ông Trần Kinh Doanh - Tổng giám đốc Thế Giới Di Động cho biết, năm 2016 là tiền đề để Công ty chuẩn bị cho kế hoạch dài hơi trong việc tiếp cận những ngành kinh doanh mới.

Theo đó, đến năm 2020, TGDĐ sẽ trở thành công ty đa ngành trong lĩnh vực bán lẻ, không chỉ phát triển mạnh trong mảng điện tử, di động mà còn kinh doanh nhu yếu phẩm, sản phẩm tiêu dùng. Chiến lược này được hiện thực hóa bằng sự ra mắt chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm tươi sống và thiết yếu: Bách hóa Xanh - một lĩnh vực mới hoàn toàn đối với TGDĐ. Hồi giữa năm nay, TGDĐ đã mua lại chuỗi siêu thị điện máy Trần Anh để chinh phục thị trường phía Bắc.

Chia sẻ tại đại hội cổ đông năm 2017, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Công ty TGDĐ cho biết, đến năm 2020, TGDĐ sẽ xếp vị trí số 1 trong lĩnh vực thương mại điện tử và mở rộng sang Lào, Campuchia, Myanmar. Nhưng trước mắt, trong năm 2017, TGDĐ đặt kế hoạch doanh thu 63.280 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 2.200 tỷ đồng, lần lượt tăng 35% và 29% so với năm trước. Công ty sẽ đẩy mạnh mua bán trực tuyến và doanh thu online đạt 6.650 tỷ đồng, tăng 100% so với năm 2016.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xu hướng đầu tư đa ngành của các doanh nghiệp lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO