M&A ngành mía đường - xu hướng tất yếu khi hội nhập

P.V| 16/05/2017 05:40

Trong bối cảnh hiện nay của ngành mía đường, việc tái cấu trúc ngành, doanh nghiệp hợp tác với nhau chính là xu hướng. Trong đó, giải pháp mua bán, sáp nhập (M&A) là con đường tất yếu.

M&A ngành mía đường - xu hướng tất yếu khi hội nhập

Theo nhận định của các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay của ngành mía đường, việc tái cấu trúc ngành, doanh nghiệp hợp tác với nhau chính là xu hướng. Trong đó, giải pháp mua bán, sáp nhập (M&A) là con đường tất yếu nhằm tạo sự cộng hưởng để cùng phát triển.

Cách làm này không chỉ tạo sức cạnh tranh cho doanh nghiệp mà còn mang lại lợi ích lớn cho ngành đường Việt Nam.

Thách thức ngành đường phải đối mặt

Có thể thấy, ngành mía đường đang đối mặt với những thách thức lớn (với cả doanh nghiệp và nông dân) khi giá đường trên thị trường không được như kỳ vọng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất, tác động tới chính sách thu mua nguyên liệu cho người trồng mía...

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), tính đến đầu tháng 5/2017, lượng đường tồn kho của Việt Nam ở mức cao kỷ lục trong lịch sử. Nguyên nhân khiến đường tồn kho tăng cao chủ yếu do sức tiêu thụ trong nước bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đường gian lận thương mại đang hoành hành.

Mặt khác, theo lộ trình đến năm 2018, thuế xuất nhập khẩu mía đường từ các nước trong khu vực ASEAN sẽ về 0% thay vì 30% như hiện nay. Đến thời điểm này, lượng đường từ các quốc gia ASEAN sẽ tạo ra những sức ép không nhỏ đối với ngành mía đường Việt Nam.

Thời gian qua, một số doanh nghiệp ngành mía đường cũng đã chuẩn bị tích cực cho việc hội nhập, tuy nhiên, quá trình này còn không ít khó khăn, vướng mắc, dù mía đường là một trong những ngành nông nghiệp ngay từ đầu đã gắn sản xuất với chế biến, nông nghiệp với công nghiệp, hình thành chuỗi giá trị trong tổ chức sản xuất. Đến nay, cả nước có khoảng 41 nhà máy đường với vùng nguyên liệu mía khoảng 300 ngàn hecta, hệ thống cơ sở hạ tầng khá.

Sau khi tái cơ cấu, chuyển đổi sở hữu (năm 2004) đến nay, 41 nhà máy đường chuyển thành công ty cổ phần, nhiều nhà máy không còn vốn nhà nước đã vượt qua khó khăn, khắc phục tình trạng thua lỗ, chuyển sang kinh doanh có hiệu quả, lợi nhuận tăng dần và nộp ngân sách tăng, góp phần giải quyết cho hàng vạn lao động, hàng ngàn hộ nông dân có thêm việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo.

Thế nhưng theo các chuyên gia lĩnh vực ngành mía đường, khi bước vào hội nhập kinh tế quốc tế, ngành mía đường phải đối diện với nhiều thách thức khó khăn, trực tiếp là về kinh tế - giá cả.

Nguyên nhân do chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm cao, năng suất, chất lượng mía thấp so với bình quân chung của thế giới cũng như các nước trong khu vực (năng suất bình quân 64 tấn/ha, chữ đường 9,4CCS, trong khi thế giới là 70 tấn/ha và 10CCS). Trong bối cảnh này, phải tái cơ cấu lại ngành sản xuất mía đường, trước hết cần phải tổ chức lại vùng nguyên liệu theo hướng tập trung đất đai, tạo ra cánh đồng lớn, tổ chức sản xuất giống (3 cấp) cung cấp cho nông dân trồng mía, cải tiến, áp dụng mô hình canh tác (từ làm đất, trồng chăm sóc, bón phân,…), cơ giới hóa đồng bộ từ làm đất đến thu hoạch để năng suất, chất lượng cao, giá thành hạ, nâng cao thu nhập cho người trồng mía, tăng khả năng cạnh tranh với cây trồng khác.

Doanh nghiệp và người trồng mía phải tìm hướng đi, giải pháp tối ưu trong thời gian tới để tồn tại và từng bước phát triển. Hay nói cách khác, đã đến lúc ngành mía đường Việt Nam phải đẩy mạnh cải cách cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng cường khả năng cạnh tranh với khu vực và thế giới; đầu tư phát triển giống và áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất mía nguyên liệu; tăng cường thể chế và công cụ quản lý thương mại nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng cho thương mại chính đáng đối với sản phẩm đường..

M&A: Hướng đi mới cho ngành đường

Việc đẩy mạnh tái cấu trúc ngành, tái cấu trúc doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất (M&A) các doanh nghiệp ngành mía đường được các chuyên gia kinh tế đưa ra nhận định, chính là xu thế trong bối cảnh hiện nay, góp phần củng cố nội lực cho doanh nghiệp và tăng khả năng cạnh tranh không chỉ ở phạm vi trong nước mà còn nâng lên tầm khu vực.

Hiện tại, mỗi công ty đường có từng thế mạnh khác nhau, có công ty nổi trội về thương hiệu, thị phần, có công ty chiếm ưu thế về công nghệ sản xuất, chất lượng sản phẩm, có công ty mạnh về vùng nguyên liệu, giá thành.

Tuy nhiên, để tạo thế cạnh tranh, đảm bảo năng lực kinh doanh là chưa đủ trong khi thị trường đang cần những doanh nghiệp đường hội đủ các yếu tố trên. Vì thế “cộng hưởng cùng phát triển” là xu thế, là hướng đi đúng đắn trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay. Không chỉ riêng với ngành mía đường, các doanh nghiệp liên kết, sáp nhập với nhau để trở thành một doanh nghiệp lớn mạnh hơn về quy mô tài chính, năng lực kinh doanh cũng giúp nâng cao vị thế cạnh tranh, mang đến cho nhà đầu tư và người tiêu dùng nhiều lợi ích.

Chuyên gia kinh tế - TS. Trần Du Lịch cho rằng, M&A giữa các doanh nghiệp mía đường hướng đến mục tiêu tận dụng được thế mạnh của các bên. Trước hết là giúp các doanh nghiệp mía đường mở rộng thị phần, giảm giá thành từ việc tiết kiệm chi phí (vận chuyển, nghiên cứu, phát triển, quản lý doanh nghiệp), sử dụng được nguồn lực nhân sự giỏi của nhau từ đó nâng cao được nội lực, sức mạnh tài chính để tạo ra các giá trị gia tăng cho khách hàng và nhà đầu tư. Đối với doanh nghiệp thì những giá trị vô hình như sự cảm nhận, sự trung thành với thương hiệu của người tiêu dùng không chỉ mang lại cho doanh nghiệp lợi nhuận và doanh số mà còn xác định vị thế của doanh nghiệp trên thị trường. Tuy nhiên, để xây dựng những giá trị vô hình đó, doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian, chi phí, chứng thực về chất lượng, uy tín của sản phẩm và cả tâm huyết của những nhà lãnh đạo. Còn việc M&A giữa một doanh nghiệp đã có những giá trị nhất định về thương hiệu với một doanh nghiệp đang trong quá trình khẳng định tên tuổi trên thị trường sẽ làm tăng hiệu quả về thương hiệu mà tiết kiệm được thời gian, nguồn nhân lực với chi phí không phải nhỏ. Với nhà đầu tư, M&A giữa các doanh nghiệp mía đường sẽ tạo ra tính thanh khoản cao cho cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Có thể nói, trước lộ trình Hiệp định AFTA đang đến gần, việc cộng hưởng những giá trị của nhau là một cách để nâng cao vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp ngành đường. Tuy nhiên, để làm được điều đó không phải đơn giản vì M&A đòi hỏi sự đồng thuận cao giữa các bên tham gia, trong đó các bên phải cùng nhìn thấy được triển vọng của thương vụ và luôn đòi hỏi sự tương đồng và cân bằng về năng lực quản lý, năng lực tài chính, văn hoá doanh nghiệp… để cùng chia sẻ trên tinh thần hợp tác cao nhất có thể.

Công ty CP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (Mã: SBT) vừa công bố họp Đại hội cổ đông bất thường năm 2017 vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới. Nội dung là chủ trương sáp nhập và hoán đổi toàn bộ cổ phiếu đang lưu hành của Công ty CP Đường Biên Hòa (Mã: BHS); phát hành cổ phiếu để hoán đổi.

Cùng với chủ trương sáp nhập này, HĐQT sẽ trình phương án kinh doanh sau sáp nhập; kế hoạch niêm yết bổ sung cổ phiếu phát hành; việc bổ sung ngành nghề kinh doanh sau sáp nhập và dự thảo Điều lệ sau sáp nhập... SBT đề xuất sáp nhập Đường Biên Hòa, tỷ lệ 1: 1,02. Như vậy, SBT dự kiến phát hành 303,83 triệu cổ phần để thực hiện hoán đổi 297,87 triệu cổ phần BHS. Sau khi hoán đổi, SBT sẽ trở thành chủ sở hữu duy nhất sở hữu 100% vốn điều lệ đường Biên Hòa.

Trước thương vụ này, ngành đường chứng kiến sự sáp nhập giữa Công ty CP đường Ninh Hòa và Công ty CP BHS, tỷ lệ 1:1. Sau sáp nhập, đường Ninh Hòa có tên mới là Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa.

Các chuyên gia cho rằng, cuộc “se duyên” giữa BHS và SBT là điều tất yếu trong bối cảnh các doanh nghiệp mía đường đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay. Sau sáp nhập, SBT đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 8.353 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 674,5 tỷ đồng niên độ 2017 - 2018, tăng lần lượt 2,6 lần và 2,3 lần kế hoạch niên độ trước. Trong khi đó, kế hoạch cho BHS với doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt 4.688 tỷ đồng; 323 tỷ đồng.

Các cổ đông cũng được hưởng lợi từ việc M&A lần này giữa BHS và SBT. Khi hiệu quả hoạt động được gia tăng sau sáp nhập nhờ cộng lực các yếu tố như cắt giảm chi phí ở những bộ phận có cùng chức năng, tăng doanh thu, nâng cao tiềm lực tài chính sẽ làm gia tăng giá trị doanh nghiệp, và quan trọng là làm tăng giá trị vốn chủ sở hữu và thanh khoản cổ phiếu được tốt hơn.

Được biết, cả BHS và SBT đều là đơn vị thành viên của Tập đoàn TTC trong mảng mía đường. SBT và BHS cũng là 2 doanh nghiệp có doanh thu từ mảng đường cao nhất trong ngành; sau khi sáp nhập, doanh thu và lãi hợp nhất của BHS và SBT dự kiến khoảng 13.041 tỷ đồng và gần 998 tỷ đồng, trở thành doanh nghiệp có doanh thu và lãi sau thuế cao nhất trong nhóm doanh nghiệp mía đường niêm yết trên thị trường chứng khoán.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
M&A ngành mía đường - xu hướng tất yếu khi hội nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO