“Vượt lên chính mình”

HỒNG NGA| 29/02/2012 04:53

Mô hình kinh doanh hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn) càng phát triển thì càng đẩy chợ truyền thống vào tình thế khó khăn. Khi nhiều người bi quan cho rằng đã đến thời điểm chợ rơi vào “sách đỏ”, thì tiểu thương đã có nhiều thay đổi để “vượt lên chính mình”.

“Vượt lên chính mình”

Mô hình kinh doanh hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn) càng phát triển thì càng đẩy chợ truyền thống vào tình thế khó khăn. Khi nhiều người bi quan cho rằng đã đến thời điểm chợ rơi vào “sách đỏ”, thì tiểu thương đã có nhiều thay đổi để “vượt lên chính mình”.

Tiểu thương nhiều chợ tại TP.HCM đang thay đổi để tồn tại - Ảnh: Quý Hòa

Siêu thị: Ưu thế tuyệt đối

Tính đến hết năm 2011, TP.HCM có hơn 200 siêu thị lớn, nhỏ tại các quận, huyện, tăng gấp đôi so với năm 2005. Cùng lúc đó, số lượng các cửa hàng tự chọn cũng tăng gấp bốn lần. Ngược lại, số chợ truyền thống từ 300 chợ (năm 2005) đã giảm xuống còn 200 chợ.

Về mặt thương mại, hiện nay, kênh mua sắm hiện đại tại TP.HCM cũng đã chiếm đến 35% tổng doanh thu bán lẻ, tăng hơn gấp đôi so với mức 15% trong năm 2005 và cao hơn mức bình quân 21% của cả nước.

Theo số liệu của các công ty nghiên cứu thị trường, những năm gần đây, người tiêu dùng TP.HCM thích vào siêu thị mua sắm hơn là đi chợ. Ông Đào Sỹ Long, Phó ban Quản lý chợ Tân Định (Q.1), cho biết, hiện nay, mãi lực của chợ chỉ bằng khoảng 70 - 80% so với năm trước.

Kinh tế khó khăn ảnh hưởng nhiều đến sức mua ở chợ nhưng bên cạnh đó, một nguyên nhân không thể phủ nhận là sự cạnh tranh từ các siêu thị.

Theo ông Long, siêu thị có lợi thế là sự tiện lợi và những chương trình khuyến mãi liên tục diễn ra nên thu hút được khách hàng. Chính vì vậy, “dù chợ đã dùng nhiều biện pháp: tăng cường công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, nâng cấp chợ theo hướng văn minh hiện đại hơn, tuyên truyền tiểu thương thay đổi phong cách mua bán..., nhưng vẫn không nâng được sức mua”, ông Long cho biết.

Ông Nguyễn Văn Ba, Trưởng ban Quản lý chợ Hòa Hưng (Q.10), thừa nhận, sức mua ở chợ nhiều năm nay càng lúc càng giảm. Thời điểm Tết vừa qua là một minh chứng.

Trong khi các siêu thị luôn nhộn nhịp khách kể từ đầu tháng Chạp thì chợ Hòa Hưng chỉ thật sự đông khách vào ba ngày cận Tết, nhưng khách đi chợ cũng chỉ mua thực phẩm tươi sống là chính. Nửa tháng trước Tết, sức mua chỉ tăng khoảng 20% so với những ngày bình thường trước đó.

Theo ông Ba, chính các siêu thị, cửa hàng tự chọn xuất hiện ngày càng nhiều đã thu hút một lượng lớn khách hàng của chợ.

Hiện chợ Hòa Hưng được “bao bọc” bởi ba siêu thị khá lớn là Big C Tô Hiến Thành, Maximark 3/2 và siêu thị Satra Sài Gòn. Các siêu thị này liên tục tung hàng khuyến mãi khiến chợ Hòa Hưng... càng thêm ảm đạm.

Chợ: Thay đổi để tồn tại

Dù có khó khăn nhưng hơn 200 chợ ở TP.HCM vẫn được duy trì đủ để đảm bảo cuộc sống cho hàng trăm ngàn tiểu thương cùng gia đình họ và vẫn giữ doanh thu đáng kể trong ngành bán lẻ.

Ông Ba cho biết, dù chịu áp lực từ nhiều phía, nhưng nhiều năm nay, chợ Hòa Hưng vẫn hoạt động bình thường là nhờ sự ổn định mức thuế từ các cơ quan chức năng, cùng với đó là Ban quản lý hỗ trợ tiểu thương vay vốn ngân hàng, còn tiểu thương thì thay đổi phong cách mua bán, xây dựng chợ theo hướng văn minh thương nghiệp...

Ở chợ Hòa Hưng hiện nay không còn chuyện nói thách, tất cả các quầy, sạp đều phải niêm yết giá rõ ràng, nguồn gốc hàng hóa cũng được đảm bảo hơn...

Tương tự, ở các chợ Bến Thành, Tân Định, Nguyễn Văn Trỗi..., chuyện cân thiếu, nói thách cũng bị triệt tiêu, tiểu thương cư xử nhẹ nhàng, hòa nhã với khách hàng.

Các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự... cũng được đảm bảo, mang đến sự an tâm cho người đi chợ.

Ngoài những điều trên, còn có nhiều lý do khiến những người làm công tác quản lý chợ vẫn tin tưởng vào sự tồi tại của các chợ truyền thống, đó là văn hóa chợ.

“Siêu thị sạch sẽ, mát mẻ nhưng không có văn hóa giao tiếp như ở chợ. Người ta đến chợ không chỉ để mua hàng, mà còn là gặp nhau để thăm hỏi, trao đổi thông tin và “cò kè bớt 1 thêm 2”. Đây là một nét đặc trưng của người Việt Nam và các bà nội trợ thường khó bỏ thói quen đi chợ mỗi ngày”, ông Long nói.

Không chỉ thế, chợ còn là nơi tập hợp tất cả các mặt hàng, từ hàng rẻ tiền đến hàng cao cấp, từ món quà quê cho đến cao lương mỹ vị.

Bởi thế, dù siêu thị có hàng chục ngàn chủng loại sản phẩm nhưng vẫn không thể sánh được với lượng hàng phong phú ở các chợ, đó là chưa kể những mặt hàng đặc sản mà chỉ ở các chợ mới có.

Đây cũng chính là lý do khiến một nữ quản lý cấp cao của một hệ thống siêu thị có tiếng trong cả nước vẫn dành những ngày nghỉ cuối tuần để đi chợ. Chị bảo: “Đi chợ có cái thú riêng của nó. Dù chợ không được sạch sẽ như siêu thị, nhưng tôi có thể tìm được tất cả những thứ mình thích, từ mớ tép đồng tươi roi rói cho đến bó rau quê non mượt... Những món này thì không một siêu thị nào có được. Và hơn thế, tôi còn được “sống” trong không khí “rất chợ” với những lời chào mời, thăm hỏi cùng những cách bán hàng khác nhau”.

Ngay như ông Pascal Billaud, Tổng giám đốc hệ thống siêu thị Big C, người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực siêu thị, cũng khẳng định, hệ thống siêu thị không thể thay thế kênh phân phối truyền thống (chợ và các cửa hàng tạp hóa), mà cả hai sẽ cùng phát triển song song.

Tuy nhiên, để trường tồn thì các chợ phải linh động, có những điều chỉnh phù hợp để nâng cao chất lượng dịch vụ và các giá trị gia tăng khác nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng và cạnh tranh với các cửa hàng lớn.

Vấn đề này cũng được Drew Taylor, một nhà báo nước ngoài, đặt ra trên Doanh Nhân Sài Gòn cuối tuần: “Khi chợ trong danh sách “đỏ”, không ai có thể đoán được tuổi thọ của chợ trong thời buổi này. Nhưng việc mất đi văn hóa chợ truyền thống sẽ dẫn đến sự mất mát văn hóa của người dân địa phương. Chính văn hóa địa phương ấy là thứ gắn chặt và làm nên thói quen kinh tế, xã hội của người Việt. Liệu người Việt có để điều quý giá này ra đi?”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Vượt lên chính mình”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO