Việt Nam là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu

HT| 06/12/2022 01:30

Đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu, Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu.

Việt Nam là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu

Tại Nghị quyết 29-NQ/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Ban Chấp hành Trung ương đã đánh giá toàn diện các kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế trong 35 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm vừa qua trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta. Theo đó, Nghị quyết 29 đã khái quát thành một số kết quả quan trọng như công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao, đạt bình quân 6,17%/năm trong 10 năm qua. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình.

Minh chứng rõ nhất cho kết quả này là quy mô của nền kinh tế Việt Nam năm 2020 đã tăng 3,1 lần so với năm 2010, đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á. Thu nhập bình quân đầu người tăng trên 25%, đạt khoảng 3.517,4 USD, vượt mục tiêu của chiến lược, đồng thời vượt mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 (đặt ra ở mức khoảng 3.200-3.500 USD).

Chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Cơ cấu kinh tế vùng chuyển đổi theo hướng tích cực, phát huy lợi thế so sánh của từng vùng và theo hướng tăng cường liên kết, kết nối vùng, các tiểu vùng, bước đầu gắn kết với công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngành dịch vụ phát triển mạnh, theo hướng hiện đại, đóng góp của ngành dịch vụ vào tăng trưởng kinh tế ngày càng tăng; hình thành được một số ngành dịch vụ có hàm lượng khoa học, công nghệ cao như dịch vụ tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông, du lịch, hàng không...

Link bài viết

Việt Nam trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu, đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu. Thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, kinh tế số được chú trọng phát triển, trở thành một động lực tăng trưởng của nền kinh tế, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, xã hội số.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2022 ước tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2022 tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước. Số liệu công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng sôi động hơn về tháng cuối năm nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2022 tăng.

Tổng cục Thống kê nhận định, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng năm 2022 tăng 14,9% so với 11 tháng năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch Covid-19. Mặc dù vậy, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng năm 2022 chỉ đạt 82,5% quy mô của chỉ tiêu này nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay.

Trong 11 tháng đầu năm 2022, các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân dần hồi phục, nhu cầu hàng hóa bắt đầu tăng. Mặc dù thị trường hàng hóa trong nước chịu tác động của thị trường thế giới, giá một số hàng hóa (nhất là các mặt hàng nhóm năng lượng…) có xu hướng tăng theo giá hàng hóa thế giới, tuy nhiên thị trường trong nước nhìn chung đã có sự phục hồi đáng kể sau hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá hàng hóa không có biến động lớn, thị trường tương đối bình ổn. Lưu thông hàng hóa trên thị trường thuận lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Việt Nam là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO