Vì sao giá xăng giảm - hàng hóa không hạ?

MINH HÀO| 13/01/2015 03:31

Sau 13 lần liên tục giảm giá xăng, cước vận chuyển đã giảm nhẹ nhưng giá hàng hóa vẫn nơi giảm nơi không.

Vì sao giá xăng giảm - hàng hóa không hạ?

Sau 13 lần liên tục giảm giá xăng, cước vận chuyển đã giảm nhẹ nhưng giá hàng hóa vẫn nơi giảm nơi không.

Đọc E-paper

Cước vận chuyển giảm

Ngày 22/12/2014, lần giảm giá xăng lần thứ 12 (2.050 đ/lít) trong năm đã đưa xăng xuống mức 17.880 đ/lít. Và chỉ 2 tuần sau đó, ngày 6/1/2015, giá xăng lại tiếp tục giảm 310 đ/lít, còn 17.570 đ/lít. Đây là đợt điều chỉnh lần thứ 13 kể từ đầu năm 2014 và tính đến nay, giá xăng dầu đã giảm tổng cộng từ 22- 28% so với đầu năm 2014.

Ngay sau đợt giảm giá xăng này, hầu hết các thành viên của Hiệp hội Taxi TP.HCM đã giảm giá cước 500 đ/km. Trước đó gần 2 tháng, các hãng taxi tại TP.HCM cũng đã giảm giá 500 - 2.000 đ/km. Cùng với taxi, các tuyến xe khách tại các bến xe Miền Đông, Miền Tây cũng đã giảm giá cước từ 5 - 10%.

Không chỉ các hãng xe vận tải giảm giá mà các hệ thống bán lẻ cũng đang cố gắng để kéo giá xuống. Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Đối ngoại hệ thống siêu thị Big C, cho biết, Tết là giai đoạn người tiêu dùng chi tiêu nhiều nhất nhưng đây cũng là thời điểm giá cả tự do trên thị trường có biến động lớn.

Vì vậy, để chia sẻ đồng thời thu hút khách hàng đến mua sắm tại Big C, từ ngày 30/12/2014 - 20/2/2015, Big C niêm yết giá không đổi tất cả các mặt hàng tiêu dùng nhanh và sản phẩm thuộc ngành hàng vải sợi, điện máy và đồ gia dụng.

Đây là những loại hàng hóa chiếm 90% tổng lượng hàng hóa bày bán tại siêu thị. Giá không đổi này sẽ được giữ cố định như đã niêm yết ngay cả khi giá tham khảo của các sản phẩm này tại các siêu thị bán lẻ hiện đại khác tăng, dù bất cứ lý do gì.

Tương tự như thế, nhằm chia sẻ với người tiêu dùng, sau khi giá xăng giảm, hệ thống siêu thị Co.opmart ngay lập tức thiết lập lộ trình khuyến mãi và giảm giá nhiều mặt hàng từ cuối năm 2014 đến tháng 2/2015.

Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, Tổng giám đốc chuỗi siêu thị Co.opmart, cho biết: "Saigon Co.op phối hợp chặt chẽ với các nhà cung cấp thực hiện chương trình khuyến mãi, giảm giá theo hướng có lợi nhất cho người tiêu dùng. Tùy theo nhóm hàng cụ thể, việc tác động giá xăng đến tỷ lệ chi phí đầu vào của từng chủng loại sản phẩm mà tiến hành giảm giá nhanh nhất".

Kế hoạch giảm giá của Co.opmart được triển khai từ khi xăng giảm hơn 2.000 đ/lít. Cụ thể, từ ngày 27/12/2014, các mặt hàng rau củ được hệ thống Co.opmart giảm giá trung bình 15% so với giá bán trước đó, hàng rau giảm trung bình 10 - 20%.

Các mặt hàng như hóa phẩm, thực phẩm công nghệ, đồ dùng, may mặc... được giảm giá bán bằng nhiều hình thức như giảm giá trực tiếp, mua sản phẩm tặng sản phẩm...

Khó giảm thêm

Đó là nhận định của hầu hết các nhà sản xuất ngành hàng thực phẩm khi đề cập đến việc giảm giá bán khi giá xăng giảm. Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food, cho biết, nhiên liệu sản xuất ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm của Công ty là dầu FO nhưng trong thời gian qua, dầu FO không hề giảm.

Còn xăng thì mặc dù giảm giá nhưng các nhà cung cấp vận chuyển cho Công ty không giảm cước vận chuyển nên việc giảm giá hàng hóa theo giá xăng là khó có thể xảy ra.

Ngoài yếu tố trên, theo bà Lâm, từ tháng 4/2014, quy định của Bộ Giao thông - Vận tải về việc siết chặt tải trọng xe đã khiến chi phí vận chuyển tăng. Không những thế, sức mua của người tiêu dùng giảm nên hiện nay các hệ thống siêu thị đặt đơn hàng chia nhỏ dẫn đến chi phí giao hàng tăng.

Hơn nữa, DN phải thường xuyên khuyến mãi mới kích cầu được người tiêu dùng. Rồi việc tăng cường chăm sóc hàng hóa và thử mẫu sản phẩm tại các điểm bán; tăng lương tối thiểu và các khoản trích theo lương từ tháng 1/2014 đã khiến chi phí sản xuất tăng. Đó là những lý do khiến Saigon Food không thể giảm giá hàng hóa và đề nghị với Sở Tài chính TP.HCM được giữ nguyên giá bán như hiện nay.

Cùng những nguyên nhân này, ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, nói: "Hiện nay, giá xăng chiếm một tỷ trọng rất nhỏ (0,1%) trong giá thành trứng gia cầm nên việc giảm giá bán khi giá xăng giảm là điều rất khó. Trước đây, giá xăng tăng, các DN tham gia bình ổn giá cũng không điều chỉnh giá bán tăng nên khi giá xăng giảm chắc chắn DN cũng sẽ không giảm giá bán".

Theo phân tích của ông Thiện, với việc xiết chặt tải trọng xe từ tháng 4/2014 thì một chuyến hàng vận chuyển trước đây sẽ tăng thành hai chuyến và như vậy, giá vận chuyển đã tăng chứ không hề giảm.

Đại diện một DN chăn nuôi và chế biến thực phẩm thuộc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn cũng cho rằng, việc điều chỉnh giá bán sản phẩm khi xăng giảm giá là không khả thi. Bởi, trong năm qua, giá cả đầu vào của ngành chăn nuôi không chịu chi phối từ giá xăng dầu mà phụ thuộc chủ yếu vào cung cầu của thị trường.

Chẳng hạn, nhiều tháng qua, giá heo hơi tăng đến vài chục ngàn đ/kg so với cùng kỳ năm trước nhưng giá bán lẻ không tăng bao nhiêu. Hơn nữa, các DN ngành thực phẩm thường phân phối qua hệ thống siêu thị trong khi các siêu thị lại thường xuyên thực hiện chương trình khuyến mãi, giảm giá nên mức tăng sau khi điều chỉnh cũng không lại mức khuyến mãi nên rất khó để giảm giá tiếp nếu chỉ có giá xăng dầu giảm.

Hiện nay, dù đang cố gắng giữ giá bán theo chương trình bình ổn giá đã đăng ký nhưng ông Thiện vẫn lo ngại giá trứng gia cầm có thể sẽ tăng trong thời gian tới. "Hiện nay, nguồn cung đang khan hiếm nên có khả năng, giá trứng gia cầm trên thị trường sẽ tăng mạnh trong dịp cận Tết", ông Thiện cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vì sao giá xăng giảm - hàng hóa không hạ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO