Vì sao ed-tech Việt chưa thu hút nhà đầu tư?

Mỹ Huyền| 03/06/2021 07:00

Covid-19 được xem là tác nhân xoay chuyển vị thế của ed-tech (công nghệ giáo dục), đẩy mạnh quá trình công nghệ hóa ngành giáo dục toàn cầu. Tuy nhiên nhưng start-up ngoại vẫn làm chủ cuộc chơi tại thị trường Việt Nam.

Vì sao ed-tech Việt chưa thu hút nhà đầu tư?

Trên 1.200 giao dịch đầu tư vào lĩnh vực ed-tech với trị giá 36,38 tỷ USD đã được thực hiện trong năm 2020, theo nghiên cứu của ông Nguyễn Trí Hiển, đồng trưởng làng ed-tech tại Techfest 2020. Việc dạy và học qua nền tảng mobile toàn cầu đã tăng trưởng ở tốc độ 36,45%với giá trị 27.32 tỷ USD. Trong đó, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc là những quốc gia dẫn đầu và đặt trọng tâm chuyển đổi số trong ngành giáo dục. Đầu năm nay, một start-up Ấn Độ trong ngành ed-tech, Byju đã nhận được 450 triệu USD vốn từ quỹ một quỹ đầu tư mạo hiểm

Còn ở Việt Nam, thị trường ed-tech đã bước vào giai đoạn thứ 5, khi việc dạy và học trực tuyến đã được mọi người biết đến. Năm ngoái, con số đầu tư đổ vào thị trường lên đến 45 triệu USD, chưa kể những khoản đầu tư ngầm chưa thống kê được. Ước tính thị trường ed-tech sẽ có trị giá lên tới 4 tỷ USD vào cuối năm 2021, theo nghiên cứu của ông Hiển.

Trong khi toàn xã hội bị ảnh hưởng bởi Covid-19, một số trung tâm tiếng Anh đã thể hiện sự nhanh nhạy trong việc thích ứng với hoàn cảnh hạn chế tiếp xúc. Người sáng lập của Edu2Review, nền tảng đánh giá và đặt chỗ khóa học, ông Austin Carter cho hay số lượng đơn đặt hàng các khóa học trực tuyến ngắn hạn tại Edu2Review đã tăng 100% từ năm ngoái.

Yola, Everest và Manabe cũng là những tên tuổi nổi bật trong việc thích ứng với trạng thái mới với các sản phẩm kết hợp mô hình trực tuyến và phi trực tuyến. Còn Classin, Elsa và Tesse nổi bật trong các sản phẩm của thị trường B2B. 

Nghèo vốn vì ít đa dạng

Cùng với sự phát triển ed-tech của Việt Nam là sự xuất hiện của các công ty ngoại tham gia vào thị trường. Các nền tảng ngoại đang áp đảo tại thị trường trong nước là Coursera của Mỹ, UpGrad của Ấn Độ. Ngay cả các chương trình học tiếng Anh trực tuyến cũng từ nước ngoài vào như Cambly, Duolingo, Hello Chao. Còn chương trình dạy thêm và thi thử cũng do SnapAsk, Clevai làm chủ "mặt trận".

Trong khi đó, các doanh nghiệp (DN) trong nước lại đang yếu thế do...thiếu vốn. Đơn cử, chỉ mới có Topica ed-tech Group vừa gọi được 50 triệu USD trong vòng gọi vốn series D năm 2018. Elsa, nhận được 15 triệu USD đầu năm có hơn 13 triệu người dùng trên toàn thế giới theo sau. Tuy nhiên, Elsa lại có người đồng sáng lập là người nước ngoài TS. Xavier Anguera. Ngoài 2 start-up đình đám này, các khoản đầu tư khủng vào ed-tech Việt Nam không nhiều. Đến nay, start-up trong lĩnh vực này vẫn khó khăn xoay xở tìm đồng vốn và thích nghi với thị trường.

Nguyên nhân DN Việt trong lĩnh vực ed-tech kém thu hút nhà đầu tư vì họ chưa đưa vào thị trường nhiều sản phẩm và dịch vụ thích ứng trong tình hình mới, theo ông Austin Carter. Ngoài ra, họ cũng thiếu chiến lược để chiếm lĩnh thị trường. Do đó DN cần đầu tư vào kế hoạch tăng doanh số, tăng trưởng theo các thời kỳ và sản phẩm phải phù hợp với thị hiếu thì mới mong có thể cạnh tranh cùng các đại gia ed-tech nước ngoài.

Thiếu sự đa dạng trong việc hình thành sản phẩm và dịch vụ cũng làm doanh nghiệp ed-tech nội chưa thu hút được nhà đầu tư. Ngoài số đông cung cấp các chương trình học trực tuyến, chỉ có một vài công ty chọn lựa làm dịch vụ công nghệ phục vụ cho ngành giáo dục. Nhà đầu tư Soe Moe Kyaw Oo của Công ty TNHH Nest Tech Việt Nam cho hay, phần đông DN ed-tech Việt hiện chỉ tập trung vào việc đào tạo tiếng Anh. “Đào tạo tiếng Anh là thị trường béo bở, đầu tư vào thị trường này sẽ bảo đảm lợi nhuận cho DN" - ông Soe Moe nhấn mạnh.

Ong-Soe-Moe-Kyaw-Oo-giua-can-t-8932-7377

Ông  Soe Moe Kyaw Oo - giữa - cần tìm thêm startup có sản phẩm đột phá trong lĩnh vực ed-tech

Tương lai ed-tech

Về tương lai ed-tech, Soe Moe chia sẻ rằng: "Dịch Covid-19 đã đẩy mạnh việc học trực tuyến hơn trước nhưng người học vẫn còn chuộng thói quen học trực tiếp với giáo viên. Do đó, các DN cần cân nhắc khi đổ dồn đầu tư vào một phân khúc. Về dài hạn, DN ed-tech cần nghiên cứu và tạo ra các công cụ giúp việc học thú vị hơn và hiệu quả hơn”.

Ông Soe Moe làm một phép so sánh giữa các start-up nội và ngoại trong ngành. Kalpha, một start-up trong lĩnh vực ed-tech của Singapore do ông đầu tư vào 2019 đã cho ra đời nền tảng livestream để phục vụ việc giảng dạy. Ngoài ra, công cụ dạy học 1 đối 1 cho người dạy và học trong nền tảng này đã thu hút thêm 10 ngàn người dùng mới/tháng chỉ riêng tại thị trường TP.HCM. Điều này rất ít thấy ở thị trường ed-tech Việt Nam.

Soe Moe đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư trong ngách B2B của thị trường ed-tech Việt nhưng hiện nay chưa nhiều. Ở ngách B2C, ông tìm kiếm các mô hình dạy và học trực tuyến đồng đẳng hoặc dạy theo từng nhu cầu riêng nhưng các nền tảng hiện tại chưa có lượng truy cập cao.

Mặc dù vậy, các chuyên gia vẫn tin tưởng rằng thị trường ed-tech Việt sẽ phát triển mạnh mẽ trong vòng 3-5 năm tới vì tính hiếu học và hay tìm tòi những điều mới mẻ của người Việt. Tuy nhiên, không thể trông chờ ed-tech bùng nổ như ở lĩnh vực công nghệ tài chính, và thương mại điện tử, theo ông Austin. Số lượng dữ liệu về người dùng thu thập trong lĩnh vực ed-tech có tốc độ chậm hơn. Điều này sẽ kéo theo chất lượng của việc chuẩn hóa sản phẩm cho người dùng. Kế đến là cũng cần có thời gian cho việc làm quen giữa cách học trực tuyến và phi trực tuyến. 

Theo ông Soe Moe, thị trường ed-tech Việt sẽ phát triển bền vững nhưng cần phải nghiên cứu thêm nữa về thói quen và nhu cầu thị trường để phát triển sản phẩm phù hợp cho nhiều phân khúc khách hàng. Hơn nữa, start-up còn phải quan tâm đến chi phí bỏ ra để có thể mang lại sản phẩm vừa túi tiền mà vẫn mang đến sự khác biệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vì sao ed-tech Việt chưa thu hút nhà đầu tư?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO