Vi phạm sở hữu trí tuệ: Thiệt đơn, thiệt kép

BẢO NGỌC| 04/06/2016 06:24

Sử dụng phần mềm không bản quyền cũng giống như DN đang "chơi với lửa", bởi giữa các cuộc tấn công mạng và việc sử dụng phần mềm không bản quyền có mối liên hệ chặt chẽ.

Vi phạm sở hữu trí tuệ: Thiệt đơn, thiệt kép

Sử dụng sản phẩm vi phạm sở hữu trí tuệ sẽ dẫn đến những rắc rối không đáng có, làm ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu doanh nghiệp (DN). 

Đọc E-paper

Theo khảo sát Phần mềm toàn cầu mới công bố của Liên minh Phần mềm (BSA), người sử dụng máy tính Việt Nam đang sử dụng phần mềm không bản quyền với tỷ lệ đáng báo động, bất chấp mối liên hệ giữa phần mềm không bản quyền và các cuộc tấn công mạng.

Cụ thể, có đến 78% máy tính tại Việt Nam cài đặt phần mềm không phép. Số lượng người sử dụng phần mềm không bản quyền có giảm (năm 2013, tỷ lệ này là 81%) nhưng vẫn còn rất cao so với các nước trên thế giới (bình quân là 39%).

Bỏ qua yếu tố chi phí (DN cho rằng sử dụng phầm mềm không phép sẽ giảm chi phí đầu tư), hiện nay, DN Việt Nam vẫn còn rất "mù mờ" trong việc quản lý các phần mềm. Có đến 15% số nhân viên của DN tải các phần mềm trên mạng mà các giám đốc công nghệ thông tin không hề hay biết.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc BSA Victoria A. Espinel cho rằng, nhiều giám đốc công nghệ thông tin chưa nắm bắt được đầy đủ về những phần mềm được triển khai trên hệ thống hay phần mềm đó đã được hợp thức hóa hay chưa. DN cần biết rõ trong hệ thống mạng của công ty đang sử dụng những phần mềm nào.

Trên thực tế, sử dụng phần mềm không bản quyền cũng giống như DN đang "chơi với lửa", bởi giữa các cuộc tấn công mạng và việc sử dụng phần mềm không bản quyền có mối liên hệ chặt chẽ. Khi sử dụng phần mềm không bản quyền, nguy cơ gặp phải mã độc sẽ tăng cao, trong khi chi phí để xử lý những mã độc đó là rất lớn. Lúc đó, DN sẽ rơi vào tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng".

Năm 2015, các cuộc tấn công mạng trên thế giới đã làm tiêu tốn của DN tới hơn 400 tỷ USD. Theo thống kê của BSA, năm 2013, có tới 81% các phần mềm được cài đặt trên máy tính cá nhân Việt Nam không có giấy phép. Chưa có con số thống kê cụ thể thiệt hại về kinh tế cho việc xử lý nạn tin tặc nhưng các nguy cơ mất dữ liệu, bị tin tặc tấn công là điều dễ dàng xảy ra.

>>Thêm 2 doanh nghiệp bị phát hiện vi phạm bản quyền phần mềm

Mới đây, Reuters dẫn tuyên bố của Tiên Phong Bank xác nhận quý IV/2015 đã bị tin tặc quốc tế tấn công để trộm 1,1 triệu USD. May mắn là ngân hàng này đã nhận diện được các yêu cầu khả nghi, giả mạo các lệnh giao dịch từ các quỹ thông qua hệ thống SWIFT và chặn đứng vụ việc.

Ngoài thiệt hại khi phải xử lý nạn tin tặc, sử dụng phầm mềm không có bản quyền sẽ khiến DN gặp những rắc rối đáng tiếc và thậm chí phải ra tòa. Tại Việt Nam đã có những DN phải hầu tòa vì sử dụng phần mềm không bản quyền. Đơn cử là Công ty TNHH Thúy Mỹ Tư Việt Nam (Trimmers) và Công ty TNHH Gold Long John.

Đầu tháng 7/2015, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đã phải mở phiên tòa xử lý vụ Công ty Microsoft Việt Nam kiện Trimmers sử dụng phần mềm máy tính vi phạm bản quyền Microsoft. Trước đó, vào cuối năm 2013, Microsoft và Lạc Việt cũng đã khởi kiện Công ty TNHH Gold Long John vì sử dụng phần mềm không phép của hai DN này. Kết quả là Gold Long John phải công khai xin lỗi và đền bù 100% giá trị phần mềm cho Microsoft và Lạc Việt.

Theo ông Tarun Sawney - Giám đốc phụ trách chống vi phạm bản quyền khu vực châu Á - Thái Bình Dương của BSA, tòa án là một biện pháp phổ biến để xử lý các vụ việc vi phạm bản quyền ở các nước trong khu vực.

Việc vi phạm sở hữu trí tuệ đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các DN sản xuất phần mềm tại Việt Nam. Quan trọng hơn, những mối đe dọa về an ninh là lý do hàng đầu để người sử dụng cần phải từ chối phần mềm không giấy phép.

Theo BSA, DN có thể giảm thiểu nguy cơ an ninh mạng từ phần mềm không bản quyền bằng cách mua phần mềm từ các nguồn hợp pháp và có chương trình quản lý tài sản phần mềm nội bộ. Những tổ chức triển khai hiệu quả chương trình quản lý tài sản phần mềm sẽ biết trên mạng của mình có những phần mềm nào, phần mềm đó có hợp thức, có giấy phép hay không, và sẽ tối ưu hóa việc sử dụng phần mềm bằng cách triển khai những phần mềm phù hợp nhất cho DN.

DN cũng nên có chính sách, quy trình quản lý việc mua, triển khai, ngừng sử dụng phần mềm cũng như tích hợp đầy đủ quy trình quản lý tài sản phần mềm vào hoạt động của DN.

>>Bài học bản quyền từ Startup Grooveshark

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vi phạm sở hữu trí tuệ: Thiệt đơn, thiệt kép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO