Vẽ lại bức tranh ngành đường

DIỆU THẢO| 23/09/2016 01:30

Nắm giữ mảng mía đường của HAGL sẽ là bước đệm thuận lợi để TTC thực hiện tiếp những kế hoạch phục vụ cho mục tiêu hội nhập toàn cầu.

Vẽ lại bức tranh ngành đường

Cuối cùng Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cũng xác nhận việc tập đoàn này đang đàm phán để chuyển nhượng nhà máy đường ở Lào cho Tập đoàn Thành Thành Công (TTC). Xác nhận này cùng với chia sẻ chính thức từ ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT HAGL - tại đại hội cổ đông ngày 15/9 đã ít nhiều cho thấy viễn cảnh ngành đường sẽ thay đổi, và TTC sẽ gia tăng lợi thế cạnh tranh. 

Đọc E-paper

Lâu nay, TTC được biết đến như doanh nghiệp đứng đầu ngành mía đường khi nắm giữ cổ phần chi phối ở nhiều công ty mía đường lớn như Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT), Mía đường Nhiệt điện Gia Lai (SEC), Đường Biên Hòa (BHS), Đường Ninh Hòa (NHS) và Mía đường Phan Rang.

TTC đã sáp nhập SEC vào SBT, NHS vào BHS. Theo dự báo của giới phân tích, trong tương lai, BHS và SBT có thể sẽ sáp nhập vào nhau. Dù như thế nào thì TTC sẽ vẫn sở hữu những ưu thế mà cả SBT và BHS đã có, đó là nền tảng công nghệ hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm, thương hiệu lâu đời và hệ thống bán lẻ rộng khắp.

Ngoài ra, BHS có chuỗi sản phẩm đa dạng (đường ký, đường công nghiệp, đường túi, đường phèn, đường viên, đường vitamin, đường làm bánh, đường que, đường nâu...) và là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất sở hữu dây chuyền tinh luyện đường của Nhật Bản. Nhờ vậy, đường của BHS nói riêng hay TTC nói chung có chất lượng tốt và luôn được bán với giá cao hơn các đơn vị cùng ngành.

TTC cũng tăng cường đầu tư vào một loạt doanh nghiệp mía đường khác như Đường Nước Trong, Bourbon An Hòa, Đường La Ngà, Đường 333... Tất cả củng cố vị thế số 1 của TTC trong ngành đường. Theo AgroMonitor, TTC đứng đầu cả nước với thị phần 17,2%. Nếu xét riêng miền Nam, con số này là 27%.

Nhưng ngôi vị này của TTC có thể bị đe dọa bởi hàng ngoại nhập, nhất là khi Việt Nam đã gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN từ cuối năm ngoái. Theo đó, mức thuế suất của đường từ ASEAN nhập vào Việt Nam đã giảm về 5% cả trong và ngoài hạn ngạch và sẽ tiếp tục về mức 0% vào sau năm 2018.

Đây thực sự là mối lo bởi Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) từng thừa nhận, khả năng cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam rất kém. Mới đây, VSSA còn đề xuất với Bộ Tài chính tiếp tục bảo hộ ngành mía đường đến cả sau năm 2018.

Trên thực tế, đường Việt Nam chưa thể cạnh tranh với đường ngoại nhập do chi phí sản xuất quá cao. Chẳng hạn, trong khi giá thành đường sản xuất ở Thái Lan là 375 USD/tấn thì con số này ở Việt Nam là 518 USD/tấn, theo OECD Stat. Về năng suất, mỗi hecta đất trồng mía ở Thái Lan cho thu hoạch 77,8 tấn mía thì tại Việt Nam chỉ 66,9 tấn.

Do năng suất thấp, giá thành sản xuất cao nên lâu nay giá đường của Việt Nam không thể cạnh tranh với các nước. Cụ thể, trong khi giá bán lẻ của đường Việt Nam vào khoảng 15.000 - 16.000 đồng/kg, có khi lên tới 19.000 - 20.000 đồng/kg thì đường Thái Lan, đường Lào tại các cửa khẩu biên giới chỉ 7.000 - 8.000 đồng/kg.

Vì thế, đã có ý kiến cho rằng, nếu không thể hạ được giá đường, ngành đường Việt Nam nên chuyển sang sản xuất nước mía đóng chai thay vì luyện đường. Bởi trong tương lai, khi mọi rào cản bảo hộ được gỡ bỏ theo các hiệp định thương mại ký kết, đường ngoại nhập sẽ tràn vào Việt Nam với giá bán có thể sẽ còn rẻ hơn.

Khi đó, người tiêu dùng sẽ chuyển sang dùng đường của Thái, của Lào. Chưa kể, Thái Lan đang nắm trong tay 2 chuỗi bán lẻ lớn nhất nhì của Việt Nam là Metro và Big C. Với giá đường Thái Lan hấp dẫn, chắc chắn các nhà bán lẻ Thái sẽ tìm cách đưa mặt hàng này vào bày bán rộng rãi tại các hệ thống siêu thị của họ.

>>Ngành đường gặp khó

Trong bối cảnh đó, các công ty mía đường không thể ngồi yên. Tại đại hội cổ đông thường niên, niên vụ 2014 - 2015, ông Phạm Hồng Dương - Chủ tịch HĐQT SBT cho rằng, phải hạ giá thành sản xuất để cạnh tranh với đường nhập lậu và đầu tư tăng thị phần nội địa.

Để giảm giá thành, Công ty kết hợp với nông trường để cơ giới hóa từ khâu làm đất, tưới tiêu, nuôi cấy mô... Ở mảng đầu tư, SBT đầu tư 12 triệu USD thành lập Công ty TSU tại Singapore để xuất khẩu trực tiếp sản phẩm ra nước ngoài. Tương tự, BHS đầu tư nâng cấp nhà máy luyện đường, đầu tư vùng nguyên liệu...

Nhưng các động thái này chưa thể giải quyết trọn vẹn bài toán nâng cao sức cạnh tranh cho TTC. Theo quan sát của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), TTC chỉ mới đi 1 - 2 bước đầu tiên trong chiến lược dài hạn của mình. Đó là tái cấu trúc và tổ chức lại hoạt động ở các công ty mía đường trong nước cho mục đích tăng tính minh bạch, giảm thiểu mua bán lòng vòng giữa các công ty, chiếm lĩnh thị phần trong nước.

Còn những bước đi kế tiếp, có tính quyết định hơn trong việc hạ giá thành đường, tăng năng suất lại nằm ở khả năng M&A các công ty có vùng nguyên liệu lớn, đưa các giống mía Thái Lan, Úc... về trồng ở Việt Nam... Việc mua lại nhà máy đường của HAGL tại Lào phù hợp với chiến lược lâu dài của TTC.

Thực tế, mảng mía đường của HAGL có những đặc điểm khiến bất cứ doanh nghiệp mía đường nào cũng thèm muốn. Đó là lợi thế từ vùng nguyên liệu 6.000ha được trồng tập trung trên vùng thổ nhưỡng khí hậu phù hợp, có hệ thống tưới tiêu theo công nghệ cao...

Nhờ đó, năng suất trồng mía của HAGL có thể lên tới 120 tấn/ha, gần gấp đôi mức trung bình của doanh nghiệp trong nước và HAGL lại có nhà máy đường nằm gần kề. Đặc biệt, HAGL nhận được nhiều ưu đãi từ Chính phủ Lào. Vì thế, phía HAGL từng cho biết, đường của HAGL rẻ và đủ sức đánh bật đường từ Thái Lan.

HAGL đã bán đường vào Việt Nam theo hạn ngạch được Bộ Công Thương cấp hằng năm. Nhưng sắp tới đây, đường HAGL sẽ có nhiều lợi thế để vào Việt Nam hơn nữa nhờ hưởng thuế suất 0%, theo Hiệp định thương mại biên giới Việt - Lào.

Nắm giữ mảng mía đường của HAGL là TTC có được những lợi thế về mở rộng vùng nguyên liệu, gia tăng quy mô, gia tăng công suất - sản lượng, nâng cao chất lượng, đặc biệt là hạ được giá thành - một trong những điểm then chốt trong chiến lược cạnh tranh ngành đường. Đây cũng sẽ là bước đệm thuận lợi để TTC thực hiện tiếp những kế hoạch của mình, cho mục tiêu hội nhập toàn cầu.

>>“Đã đến lúc ngành mía đường cần thay đổi”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vẽ lại bức tranh ngành đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO