Về đâu Atisô Đà Lạt?

18/07/2012 04:25

Giá cả xuống thấp, đầu ra khó khăn, lời lãi ít đã khiến người trồng Atisô Đà Lạt (Lâm Đồng) những năm gần đây buộc phải “trở mặt” với loại cây vốn một thời được xem là “bí kiếp” giúp không ít nhà nông xây biệt thự, sắm xe hơi.

Về đâu Atisô Đà Lạt?

Giá cả xuống thấp, đầu ra khó khăn, lời lãi ít đã khiến người trồng Atisô Đà Lạt (Lâm Đồng) những năm gần đây buộc phải “trở mặt” với loại cây vốn một thời được xem là “bí kiếp” giúp không ít nhà nông xây biệt thự, sắm xe hơi.

Trong vòng 10 năm, diện tích và sản lượng Atisô tại Đà Lạt giảm trên 60%, loại đặc sản này đang đứng trước nguy cơ xóa sổ nếu đầu ra vẫn tiếp tục “lao dốc” như hiện nay.

Ký ức Atisô

Atisô được bán rong ở chợ Đà Lạt

Cụ Nguyễn Văn Hưng năm nay đã gần 80 tuổi nhà ở đường Bế Văn Đàn, phường 12, TP Đà Lạt rót nước mời tôi. Từ trong ấm, một làn nước vàng sóng sánh chảy vào ly đem theo hương thơm thoang thoảng của loại rễ cây dược liệu được các lão nông nơi đây tận tình nuôi dưỡng suốt năm trong lòng đất.

“Uống đi chú, thơm mát, tốt cho sức khỏe lắm. Nước rễ Atisô đấy, cây nhà lá vườn cả!...Uống đi, vài năm nữa có khi không có để uống nữa mô nạ!...” – cụ Hưng chép miệng mời tôi trong sự nuối tiếc cho số phận của một loài cây xưa nay xốn được coi là đặc sản Đà Lạt hiện tại xem ra đã hết thời.

Và có lẽ, cụ là một trong số rất ít những gia đình tại phường 12 – nơi chiếm tới 90% diện tích và sản lượng Atisô Đà Lạt còn giữ được nước uống truyền thống nấu từ rễ cây Atisô đến thời điểm này.

Trong ký ức của những lão nông đã một đời gắn bó với nghề trồng Atisô ở Đà Lạt như cụ Hưng, chỉ cách đây hơn chục năm, khi ấy làng hoa Thái Phiên không phải nổi tiếng bằng trồng hoa cúc như bây giờ mà được du khách gần xa biết đến với một vùng chuyên canh cây Atisô lên tới hàng trăm héc ta, trải dài từ những khu dân cư tít tắp đến tận chân các quả đồi thông.

Đó là vào khoảng sau năm 1994, mà “đỉnh cao” của cây Atisô tại Đà Lạt là vào năm 1997, 1998. Thời điểm này ở Thái Phiên nhà nhà bỏ hoa, phá rau đua nhau trồng Atisô bởi lợi nhuận từ cây này đem lại cao gấp nhiều lần so với trồng các loại hoa màu khác.

Khi nhắc về thời kỳ huy hoàng của cây Atisô, chị Nguyễn Thị Trúc (phường 12, TP Đà Lạt) không giấu được vẻ nuối tiếc. Vẫn ôm trên tay khóm thân cây Atisô đem ra đường phơi như cách đây trên 10 năm về trước nhưng tâm trạng chị lúc này đã khác hẳn, chị Trúc than thở: “Có lẽ đây là năm cuối cùng gia đình tôi trồng loại cây này”.

Theo chị Trúc, trung bình mỗi kg bông Atisô tươi cách đây trên 10 năm được thương lái tới mua tại vườn ở mức 100.000 đồng, lá, thân và rễ luôn bán được với giá dao động ở mức 70.000 đồng/kg khô.

Người trồng không phải lo đầu ra vì thị trường tiêu thụ sản phẩm từ cây Atisô lúc này rất mạnh. Phần lớn bông được bán cho người tiêu dùng sử dụng làm thực phẩm hằng ngày, riêng lá, thân và rễ cây Atisô thương lái thu mua cung cấp cho các cơ sở chế biến tại Đà Lạt và TPHCM làm trà, cao và các loại dược liệu.

Vào thời điểm này, nhà vườn chỉ có nhiệm vụ trồng, chăm sóc cây Atisô sao cho đạt năng suất cao nhất để thu lời, riêng khâu thu hoạch sẽ tự các thương lái lo liệu. Cây Atisô đắt đỏ trở nên quý giá được bàn tay con người chăm sóc, nâng niu và tận thu đến từng cọc rễ.

Chỉ tay về phía những căn biệt thự được xây cất cách đây hơn chục năm ở trung tâm phường 12, ông Hồ Ngọc Dinh, Chủ tịch Hội Nông dân phường tâm sự: “Vào thời điểm ấy, nhờ cây Atisô mà không ít gia đình ở Thái Phiên cất biệt thự, sắm được cả xe hơi.

Còn ngày nay, những người trồng Atisô Đà Lạt phần lớn là những gia đình thiếu kinh phí đâu tư xây dựng nhà kính để trồng hoa, hoặc đất không thể trồng được cúc bất đắc dĩ mới trồng Atisô”.

Hết thời

Giá cả xuống thấp trong khi người trồng phải bỏ ra nhiều thời gian, công sức đầu tư chăm sóc nhưng hiệu quả kinh tế đem lại không cao đã khiến những lão nông ở Thái Phiên đang ngày một thờ ơ với cây Atisô.

Nếu so sánh giá bán Atisô hiện nay với cách đây khoảng 10 năm sẽ biết hành động “phản bội” cây Atisô của nông dân Đà Lạt cũng là dễ hiểu.

Bà Ngô Thị Đào, một thương lái chuyên thu mua Atisô tại Thái Phiên, phân tích:

“Cách đây 10 năm, chi phí đầu tư trồng Atisô chỉ bằng 1/4 bây giờ nhưng mỗi kg bông tươi được nhà vườn bán với giá không dưới 100.000 đồng, những sản phẩm khác từ cây Atisô có giá 70.000 đồng/kg khô, thời điểm này vàng có mấy trăm nghìn một chỉ.

Hiện nay mỗi kg Atisô tươi vào chính vụ trung bình được bán với giá 13.000 - 15.000 đồng tại vườn, các sản phẩm khác từ cây có giá dao động ở mức 30.000 đồng/kg khô, chi phí đầu tư cao nhưng hiệu quả kinh tế không được bao nhiêu trong khi giá vàng đã lên tới trên 4 triệu đồng/chỉ”.

Với giá bán này, trừ mọi chi phí mỗi năm người trông Atisô Đà Lạt chỉ thu về khoảng 15 triệu đồng/sào.

Ông Hồ Ngọc Dinh, Chủ tịch Hội Nông dân phường 12, TP Đà Lạt cho biết, nếu đầu tư vào hoa cúc mỗi năm nếu thuận lợi người trồng thu về khoảng 60 triệu đồng/sào sau khi đã trừ mọi chi phí, lãi cao gấp 4 lần trồng Atisô.

“Tất nhiên với lợi nhuận hai bên quá chệnh lệch như vậy người dân sẽ lựa chọn trồng hoa là điều dễ hiểu” – ông Dinh nói. Hiện phường 12, nơi chiếm tới 80% diện tích và sản lượng Atisô của Đà Lạt còn khoảng 40 héc ta trồng Atisô, tiếp tục giảm thêm 10 héc ta với năm 2011.

Theo Phòng Kinh tế Đà Lạt, hiện mỗi năm Đà Lạt thu hoạch trên 3.000 tấn Atisô, chỉ một lượng nhỏ trong số này được bán cho người tiêu dùng sử dụng làm thực phẩm, số còn lại nhập cho các cơ sở chế biến trà, cao và dược liệu.

Hiện Đà Lạt có trên 10 cơ sở chế biến trà, dược phẩm từ cây Atisô trong đó có nhiều đơn vị lớn nhưng mức tiêu thụ không nhiều.

Mới đây, Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt đã nghiên cứu xây dựng quy trình trồng Atisô sạch và an toàn theo hướng VietGAP nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm Atisô.

Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ chú trọng tới việc nâng cao năng suất và chất lượng cây Atisô mà chưa giải quyết được đầu ra cho sản phẩm, vốn là khâu đòi hỏi cấp thiết nhất hiện nay của người trồng Atisô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Về đâu Atisô Đà Lạt?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO