Ùn tắc nông sản rồi giải cứu: Nhìn người ngẫm đến ta

Gia Lê| 12/01/2022 07:00

Từ tháng 12/2021 đến nay, tình trạng ùn ứ hàng nghìn container chở nông sản tại các cửa khẩu với Trung Quốc lại tái diễn. Đáng nói là nhiều loại nông sản nếu để lâu sẽ bị hư hại. Làm sao để chấm dứt tình trạng này?

Ùn tắc nông sản rồi giải cứu: Nhìn người ngẫm đến ta

Từ giữa năm 2021, Trung Quốc đã tăng kiểm soát và tạm dừng việc xuất nhập hàng hóa tại một số cửa khẩu. Với việc theo đuổi chính sách "Zero Covid", gần đây Trung Quốc cho biết từ ngày 1/1/2022 sẽ áp dụng một số chính sách mới về các mặt hàng nông sản nhập khẩu, đặc biệt là hàng đông lạnh từ các nước láng giềng. Trong đó, nội dung rất quan trọng là Trung Quốc sẽ không khuyến khích nhập khẩu theo đường tiểu ngạch.

Đáng lưu ý là trái cây Việt Nam xuất sang Trung Quốc bị kiểm tra 100%, trong khi các loại trái cây có nguồn gốc từ Thái Lan và các nước ASEAN khác chỉ bị kiểm tra khoảng 30%. Nguyên nhân do sinh vật có hại trong trái cây của Việt Nam khá cao, càng gây chậm trễ thông quan.

Hệ quả là không chỉ hàng nghìn xe nông sản "bị giam" tại các cửa khẩu mà trái cây tươi ở nhiều địa phương lập tức rớt giá, gây thiệt hại nghiêm trọng đối với nông dân và cả thương lái, doanh nghiệp.

Trớ trêu thay, tình cảnh này lại diễn ra ở thời điểm mà Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Ngay trong ngày này, tàu hỏa của Trung Quốc chở hơn 800 tấn hàng hóa vào Việt Nam để bán vì được miễn thuế theo RCEP.

RCEP đã mở ra cơ hội cho các đối tác thương mại trong khu vực được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, tăng cường tiêu thụ hàng hóa lẫn nhau. Và trong khi nhiều doanh nghiệp đang hồ hởi có thể hưởng lợi từ các quy định ấy, không loại trừ việc một số nước sẽ tìm cách gia tăng hàng rào kỹ thuật, như nâng tiêu chuẩn chất lượng, tăng cường  kiểm soát hàng hóa thông quan, như là cách để hạn chế nhập khẩu từ các đối tác thương mại.

Nhưng nói người cũng phải nhìn lại mình. Không thể phủ nhận ngành nông nghiệp nước ta còn manh mún, chưa xây dựng được chuỗi cung ứng hàng hóa xuất khẩu, dịch vụ logistics cũng như sản xuất chưa gắn với chế biến trước những yêu cầu mới của thị trường.

Việc quá tập trung vào một thị trường lớn như Trung Quốc cũng khiến chúng ta dễ bị phụ thuộc và trở tay không kịp mỗi khi "ông bạn láng giềng" ban hành chính sách mới, hoặc chỉ đơn thuần để gây sức ép.

Nhiều năm qua, Trung Quốc luôn là thị trường lớn không chỉ của Việt Nam mà nhiều quốc gia khác, một bạn hàng truyền thống mà nhiều doanh nghiệp không thể từ bỏ, khi quốc gia này luôn chiếm tổng giá trị kim ngạch, tỷ trọng áp đảo trong cơ cấu các thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam, từ nông, lâm, thủy sản, nguyên liệu cho các ngành hóa chất, vật tư nông nghiệp, công nghiệp chế biến, dệt, hàng tiêu dùng. Nhưng rõ ràng việc giao thương mang tính tiểu ngạch và phụ thuộc vào Trung Quốc có nhiều bất lợi cho Việt Nam.

Chính vì vậy, cần phải có giải pháp căn cơ từ quy trình canh tác đến thương mại phải chuyên nghiệp, mua bán theo hợp đồng, kho bảo quản, tạm trữ phải được đầu tư bài bản gắn với chế biến, sự phối hợp của nhiều ngành, nhiều cấp để làm sao từ sản xuất, chế biến, vận tải, cung ứng, lưu thông hàng hóa cho đến quản lý xuất nhập khẩu vận hành thông suốt.

Như Thủ tướng Phạm Minh Chính gần đây đã nhấn mạnh, việc ùn tắc nông sản ở biên giới năm nào cũng xảy ra, do đó ngành nông nghiệp cần phải làm bài bản từ khâu quy hoạch, dự báo thị trường và xuất khẩu chính ngạch. Để khai thác tối đa sự gia tăng giá trị nông sản Việt Nam, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ đủ mạnh của các ngành nhằm chủ động ứng phó với những tình huống bất lợi. Cần đẩy nhanh hơn tốc độ số hóa các ngành kinh tế và ngành thương mại.

Việt Nam cần phải đa dạng hóa đối tác thương mại ở các mặt hàng nông sản, tận dụng triệt để cơ hội từ các FTA thế hệ mới. Thực tế thời gian qua, Mỹ đã trở thành bạn hàng nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, EU, Đông Á cũng trở thành bạn hàng quan trọng của các doanh nghiệp chuyển đổi tốt và chủ động tìm kiếm, khai phá các thị trường mới.

Không thể kéo dài tình trạng mỗi khi ùn tắc nông sản lại kêu gọi "giải cứu" từ người tiêu dùng trong nước, mà có giải cứu cũng không thể nào tiêu thụ hết sản lượng lớn nông sản vốn có kế hoạch dành cho quốc gia tỷ dân kề bên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ùn tắc nông sản rồi giải cứu: Nhìn người ngẫm đến ta
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO