Trong khó khăn, doanh nghiệp biến "nguy" thành "cơ”

Tâm An| 02/03/2023 07:00

Đại dịch Covid-19 làm cho tình hình kinh tế khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) đã biến "nguy" thành "cơ” để tái cấu trúc, tranh thủ thời gian xây dựng lực lượng, củng cố đội ngũ, chuẩn bị tăng tốc sản xuất, kinh doanh.

Trong khó khăn, doanh nghiệp biến

Thời gian vàng để xây dựng lực lượng

Ông Trịnh Tiến Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ khí Xây dựng - Thương mại Đại Dũng cho biết, Đại Dũng có phương án phát triển kinh tế bền vững, lấy văn hóa DN là kim chỉ nam, luôn quan tâm đến đời sống nhân viên, xem nhân viên là tài sản quý giá nhất, thực hiện triết lý kinh doanh là sống có trách nhiệm với cộng đồng, với khách hàng. 

Trước tình hình kinh tế thế giới khó khăn ảnh hưởng đến DN trong nước, Công ty Đại Dũng đã xem đây là "thời gian vàng" để xây dựng lực lượng. Trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, công ty đã tập trung đào tạo đội ngũ, nâng cấp số hóa, sử dụng các phần mềm quản trị số, mời các đơn vị tư vấn, xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng văn hóa DN. Vì thế, sau hai năm đại dịch, nội lực của Đại Dũng đã mạnh lên rất nhiều.

"Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, công nhân Đại Dũng làm việc cả ngày 30 Tết, mùng 2 Tết để đóng hàng, mùng 6 khai trương ký được hợp đồng xuất khẩu trị giá hơn 100 triệu USD. Mục tiêu năm 2023 của Đại Dũng là ký hợp đồng đạt 8.000 tỷ đồng, tăng 52,6% so với năm 2022", ông Dũng cho biết. 

Quảng cáo là ngành bị "đóng băng" hoàn toàn bởi Covid-19. Ông Bùi Minh Quân - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Quảng cáo Kim Ngân chia sẻ, đại dịch khiến hầu hết DN trong ngành bị ảnh hưởng, DN ngành quảng cáo ngoài trời cũng khốn đốn khi phải gồng những khoản tiền lớn như thuê mặt bằng, nhân sự. Khi dịch đã được kiểm soát, tình hình vẫn không mấy khả quan bởi DN chưa đầu tư nhiều cho mảng quảng cáo. Nhờ bản lĩnh của người đứng đầu DN, xác định phải nhanh chóng thích ứng với hoàn cảnh, công ty tranh thủ thời gian tái cấu trúc, đào tạo và bổ sung kiến thức chuyên môn cho nhân viên.

"Mình là đầu tàu thì phải nghĩ ra phương hướng, cách để duy trì năng lượng cho anh em. Trong thời kỳ dịch, chúng tôi tiến hành các khóa đào tạo online về chuyên môn, kỹ năng mềm, lịch sử, địa lý và chuyển đổi số để anh em có thêm kiến thức. Chúng tôi không cắt giảm nhân sự, chế độ lương thưởng và phúc lợi xã hội duy trì được 80%. Nhờ đó, khi dịch bị đẩy lui, chúng tôi có đủ nguồn lực để phát triển. Hiện tại, dù còn nhiều khó khăn nhưng doanh thu của công ty đã đạt 80-90% so với trước dịch. Năm nay, chúng tôi tìm thêm cơ hội đầu tư, nhất là lĩnh vực truyền thông để phát triển", ông Quân khẳng định. 

Với Công ty CP Bóng đèn Điện Quang, thời gian dịch, cấp quản lý tự nguyện cắt giảm 30% lương để cùng công ty vượt khó. Đây cũng là thời gian cả công ty ổn định đội ngũ, xây dựng văn hóa DN, đặc biệt đầu tư nghiên cứu sản xuất các thiết bị hiện đại cũng như những giải pháp thông minh cho cơ sở lưu trú du lịch, bất động sản... Nhờ các chính sách, kế hoạch hành động đã được xây dựng và triển khai, khi dịch bị đẩy lui, công ty đã tăng tốc trở lại, năm 2022 doanh thu tăng 30% so với năm 2020.

"Năm nay, chúng tôi đặt mục tiêu cao hơn. Tuy khó khăn, nhưng do đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ và có nguồn lực sẵn, chúng tôi tin rằng sẽ sớm về đích", ông Hồ Quỳnh Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bóng đèn Điện Quang tiết lộ.

Tái cấu trúc để tăng trưởng

Là DN bị ảnh hưởng nhiều do đại dịch Covid-19, năm 2020, doanh thu của Công ty Du lịch Vietravel giảm gần 5 lần so với năm 2019, năm 2021 chỉ còn khoảng 60% so với năm 2020, Vietravel thực hiện chiến lược "ngủ đông tích cực", phân chia lại hoạt động cho từng nhóm công việc. Những nhóm công việc phải duy trì bao gồm nhóm nguồn nhân lực, nhóm thị trường, nhóm chăm sóc khách hàng, marketing và nhóm về tài chính.

Trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, nhiều DN đã tập trung đào tạo đội ngũ, nâng cấp số hóa, sử dụng các phần mềm quản trị số, mời các đơn vị tư vấn, xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng văn hóa công ty. Vì thế, sau hai năm đại dịch, nội lực của không ít DN đã mạnh lên.

Sau đợt dịch lần thứ tư vào cuối năm 2021, Vietravel đã khởi động lại các văn phòng bán tour trong và ngoài nước với những sản phẩm du lịch đáp ứng đầy đủ tiêu chí an toàn, chất lượng, mức giá bình ổn và kèm nhiều ưu đãi. Công ty tiến hành thay đổi để thích nghi với trạng thái "bình thường mới", tập trung đầu tư phát triển những thế mạnh kinh doanh của công ty, đồng thời liên kết, kết nối chặt chẽ hơn với các địa phương, các DN có cùng hệ sinh thái kinh doanh. Vietravel tập trung đổi mới công nghệ, chuyển đổi cách thức kinh doanh dựa trên nền tảng số.

"Năm 2019, Vietravel đạt doanh thu 7.000 tỷ đồng, dẫn đầu cả nước về du lịch lữ hành. Thời gian xảy ra đại dịch, doanh số trở về 0, mất hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2021, khi trở về giai đoạn bình thường mới, Vietravel nhanh chóng "rã đông", hồi sức và phát triển. Năm 2022, Vietravel đạt doanh thu 3.800 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra. Nhân sự trước dịch trên 2.000, nay còn khoảng 1.500, tuy giảm 25% nhưng những người còn lại là cốt cán, vừa giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, vừa có tinh thần lao động cao, sẵn sàng tiếp thu công nghệ mới", ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel cho biết.

Phân tích về việc DN tận dụng cơ hội khi gặp khó, biến "nguy" thành "cơ”, ông Nguyễn Hải Minh - Giám đốc Công ty Tư vấn thương hiệu Wisdom Agency cho rằng, việc khơi dậy, nuôi dưỡng, phát huy và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực và tạo động lực tăng trưởng luôn là yếu tố quan trọng của quản trị và phát triển DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trong khó khăn, doanh nghiệp biến "nguy" thành "cơ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO