Tìm dư địa mới cho đồ gỗ, dệt may

Hồng Nga| 10/12/2019 07:00

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang cơ hội rất lớn cho ngành dệt may, da giày, đồ uống, đồ gỗ…

Tìm dư địa mới cho đồ gỗ, dệt may

Chia sẻ tại hội thảo "Ngành dệt may, giày dép, đồ gỗ và đồ uống Việt Nam trước cơ hội và thách thức từ CPTPP" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kết hợp Đại sứ quán Úc ở Việt Nam tổ chức, các chuyên gia cho rằng, dệt may, da giày, đồ uống, đồ gỗ là những ngành sản xuất và xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam thời gian qua và sẽ có nhiều cơ hội khi CPTPP có hiệu lực.

Hiện, xuất khẩu da giày Việt Nam đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Xuất khẩu dệt may cũng đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và xấp xỉ bằng Ấn Độ. Trước khi CPTPP có hiệu lực, thị trường các nước ký kết CPTPP đang chiếm 12,5% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép, 16% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may và 20% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và hơn 23% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ uống của Việt Nam ra thế giới.

Riêng với đồ gỗ, kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng trưởng và có bước phát triển đột phá những năm qua. Việt Nam được xem là nước xuất khẩu gỗ lớn thứ hai châu Á, sau Trung Quốc và là một trong 5 nước xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới. Năm 2019, dự kiến kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam đạt khoảng 11 tỷ USD. Với những tiềm năng hiện có, Chính phủ và doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam đặt mục tiêu tổng giá trị xuất khẩu khoảng 20 tỷ USD vào năm 2025.

Theo các chuyên gia, cơ hội mang lại cho ngành gỗ là rất lớn. Bởi ngay khi CPTPP được thực thi, 95 dòng thuế sẽ được giảm về 0%. Doanh nghiệp gỗ sẽ có lợi khi nhập khẩu nguyên liệu với thuế 0% từ các thị trường Canada, Nhật Bản… và xuất đi trong nội khối cũng bằng 0%. Việc hưởng lợi thuế nhập khẩu bằng 0 còn là cơ hội lớn để doanh nghiệp giảm 20-30% chi phí cho việc đổi mới máy móc, thiết bị…

CPTPP được kỳ vọng sẽ tạo ra cú huých lớn cho hoạt động xuất khẩu bởi quy mô thị trường lớn và mức độ cam kết cắt giảm thuế quan sâu nhất từ trước đến nay.

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2030, xuất khẩu của Việt Nam vào các nước CPTPP sẽ tăng từ 54 tỷ USD lên 80 tỷ USD, chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Còn theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với ngành công nghiệp nhẹ và thâm dụng lao động, CPTPP có thể tạo mức tăng trưởng bình quân từ 4-5%, tăng trưởng xuất khẩu từ 8,7-9,6%.

Trong các nước tham gia CPTPP, Úc là một trong những thị trường còn nhiều không gian để tăng trưởng xuất khẩu. Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho biết, có hơn 88% số dòng thuế được xóa bỏ ngay với ngành dệt may. Tuy không tạo thêm thuận lợi về thuế quan (vì đã xóa bỏ trước đó với các FTA trước) nhưng CPTTP lại mở rộng hơn đường cho doanh nghiệp đi.

"Chúng ta đang có lợi thế rất lớn với các sản phẩm đồ uống, đặc biệt là nước trái cây tự nhiên. Nước Úc xem ngành chế biến nước trái cây là công nghiệp nhẹ nên rất thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành này", bà Nguyễn Thị Thu Trang nói.

det-may-5656-1575968042.jpg

Ngành dệt may còn nhiều dư địa để tăng trưởng xuất khẩu

Mặc dù tăng trưởng xuất khẩu cao và tiềm năng rất lớn nhưng ông Võ Tân Thành - Phó chủ tịch VCCI cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam mới tập trung vào một số thị trường truyền thống, đã có Hiệp định thương mại tự do song phương từ trước như Nhật Bản, Úc.

Tỷ trọng xuất khẩu vào các thị trường như Canada, Peru, Mexico… còn rất khiêm tốn. Bên cạnh việc tạo ra cơ hội tiếp cận thị trường mới, CPTPP với những cam kết về mở cửa thị trường cũng tạo sức ép cạnh tranh không nhỏ cho các doanh nghiệp ngay tại thị trường nội địa.

Không chỉ vậy, các điều kiện về quy tắc xuất xứ của CPTPP khá chi tiết, phức tạp, nên không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng để tận dụng được ưu đãi thuế quan. Chưa kể, CPTPP còn bao gồm nhiều cam kết về lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ… khiến chi phí của doanh nghiệp tăng lên đáng kể.

Các chuyên gia cho rằng, hiện nay, các ngành đồ gỗ, dệt may, da giày vẫn còn nhiều không gian để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường CPTPP nhưng mỗi ngành hàng lại có những cam kết cắt giảm thuế quan, quy tắc xuất xứ khác nhau. Do vậy, muốn tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần có kế hoạch, chiến lược kinh doanh thích hợp để tận dụng tối đa các lợi ích mà hiệp định mang lại.

Cụ thể, doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách chủ động nguồn nguyên liệu, đổi mới công nghệ, quản trị… Đây là những giải pháp bền vững để doanh nghiệp vừa có thể tận dụng cơ hội từ CPTPP vừa đảm bảo sự phát triển ổn định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tìm dư địa mới cho đồ gỗ, dệt may
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO