Thức uống không cồn: Xu hướng về với thiên nhiên

NGUYÊN BẢO - THIÊN YẾT| 29/07/2016 01:24

Các loại thức uống có nguồn gốc tự nhiên, cụ thể là các loại nước trái cây, xuất hiện ngày càng nhiều trong kênh phân phối hiện đại và người tiêu dùng ngày càng chú ý hơn đến sản phẩm này.

Thức uống không cồn: Xu hướng về với thiên nhiên

Các loại thức uống có nguồn gốc tự nhiên, cụ thể là các loại nước trái cây, xuất hiện ngày càng nhiều trong kênh phân phối hiện đại và người tiêu dùng ngày càng chú ý hơn đến sản phẩm này.

Đọc E-paper

Một cuộc khảo sát trực tuyến của Nielsen Việt Nam cho thấy, bên cạnh mối lo ngại về những bất ổn kinh tế, việc làm, thì sức khỏe là mối quan tâm tiếp theo của người tiêu dùng. Do đó, họ có xu hướng chọn các loại sản phẩm đảm bảo được yếu tố dinh dưỡng và an toàn.

Liên quan đến vấn đề này, theo ông Nguyễn Minh Tâm - Giám đốc Thu mua ngành thực phẩm khô Lotte Mart, gần đây, một vài sự cố liên quan đến chất lượng của trà xanh đóng chai đã phần nào tác động đến tâm lý người tiêu dùng. Theo đó, họ có xu hướng chuyển sang lựa chọn dòng sản phẩm khác, nhất là những sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên.

Đồ họa: Tiến Đạt - Nguồn: Statista, EUI và VPBS Research

Tại các kênh bán lẻ hiện đại, nhiều thương hiệu nước uống không cồn đã bắt đầu thâm nhập vào Việt Nam, từ trà xanh (nhập của Đài Loan), nước trái cây cho đến nước uống bổ sung vi chất. Chẳng hạn, tại siêu thị Giant, Lotte (Q.7, TP.HCM), bên cạnh các loại thức uống không cồn được sản xuất tại Việt Nam đã có nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Úc, Mỹ, Pháp, Hàn Quốc.

Đặc biệt, thông qua các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu như Công ty TNHH Tiếp thị Đồng Thắng, Công ty CP Lộc Thái, Công ty TNHH Lamsoon Việt Nam..., nước trái cây có nguồn gốc từ Thái Lan như nước trái cây Malee, nước Lychee, nước trái cây UFC (táo, cam, dừa)... đã chiếm diện tích không nhỏ trên các kệ hàng (nước hoa quả chủ yếu phân phối qua kênh Horeca - nhà hàng, khách sạn và kênh phân phối hiện đại).

Nói về các sản phẩm có nguồn gốc từ hoa quả, đại diện một DN Việt Nam nhập khẩu nước trái cây của Thái Lan cho rằng, không chỉ hàng nhập mà ngay tại Việt Nam, với lợi thế về nguồn nguyên liệu, nếu khai thác đúng cách sẽ không khó để thu hút thêm các nhà sản xuất đến đây.

Nếu cách đây 3 năm, nước trái cây là "cuộc chơi" của Vinamilk (nước cam ép Vfresh và nước trái cây chứa sữa Vfresh Moothies), Tân Hiệp Phát (Juices), Coca-Cola (Nutri Boost) thì hiện nay ngành này đã thu hút thêm một số gương mặt mới, trong đó có Công ty CP Vườn trái cây Cửu Long (Les Vergers du Mékong, do một người Pháp sở hữu, đã xây dựng nhà máy sản xuất ở Cần Thơ, sản xuất nước trái cây với thương hiệu Le Fruit, mật ong, cà phê, trà).

Đây được xem là thương hiệu ở phân khúc khá cao, bởi hệ thống phân phối sản phẩm của họ chủ yếu đi vào kênh Horeca, cửa hàng tiện lợi, siêu thị ngoại và các chuỗi F&B lớn.

Công ty CP Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) thuộc Tập đoàn Thành Thành Công cũng đã đưa nhà máy sản xuất nước dừa và sữa dừa đóng hộp vào khai thác (nước dừa mang thương hiệu CocoXim, có 4 hương vị: dừa xiêm xanh, tắc, sen, dứa), phần lớn sản phẩm của nhà máy được xuất khẩu.

>>Nước uống bổ sung chất dinh dưỡng: Âm thầm tái đấu

Liên quan đến mặt hàng nước trái cây, báo cáo phân tích về ngành thức uống không cồn của Việt Nam (tháng 4/2014) của Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Công thương (VietinbankSC) đã đưa ra dự báo, tuy còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn nhưng trong tổng doanh thu của ngành, nước hoa quả (nước ép trái cây, nước trái cây chứa sữa) là phân khúc có tiềm năng lớn. Tốc độ tăng trưởng của ngành hàng này giai đoạn 2009 - 2013 đạt mức 21%/năm và đến 2018, mức tăng bình quân đạt 17,5%/năm.

Thêm nữa, nếu xét trong phạm vi ngành nước giải khát không cồn (nước uống đóng chai, nước tăng lực, trà xanh, nước giải khát có gas), năm 2013, nước hoa quả chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, khoảng 1,63%, song khảo sát mới đây của Statista (cổng thông tin thống kê trực tuyến uy tín hàng đầu thế giới) cho thấy, thị phần của ngành nước trái cây đang đứng vị trí thứ 4, với 9,9%, sau trà xanh đóng chai, nước tăng lực và nước giải khát không có gas.

Trước sự tăng trưởng của loại thức uống này, đã có không ít nghi vấn được đặt ra: trong tương lai không xa, biên độ tăng trưởng của ngành trà xanh đóng chai - loại thức uống được liệt vào nhóm "có nguồn gốc thiên nhiên" liệu có bị thu hẹp và dư địa phát triển sẽ không còn?

Ông Đỗ Minh Tuấn - Công ty Tư vấn xây dựng thương hiệu LantaBrand nhìn nhận, việc người tiêu dùng chuyển hướng sang thức uống mới là có, nhưng vấn đề nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào việc các thương hiệu mới có đủ khả năng tạo độ tin cậy để thuyết phục và giữ chân người tiêu dùng hay không.

Bởi công nghệ thông tin đang hỗ trợ khá tốt cho người tiêu dùng, nếu DN chỉ đơn thuần dừng lại ở quảng cáo sản phẩm, tạo độ phủ rộng khắp theo phương châm "mạnh vì quảng cáo, bạo vì phân phối" là chưa đủ, vì hiện nay người tiêu dùng đã cảm thấy "ngợp" với các chương trình quảng cáo.

Định hướng của giới truyền thông về tiêu dùng cũng đóng vai trò không nhỏ, tác động đến quyết định của khách hàng. Còn những sự cố vừa qua của một số sản phẩm trà xanh đóng chai cũng như sự xuất hiện của nhiều loại nước giải khát mới chưa phải là căn cứ thuyết phục để đưa ra nhận định ngành trà xanh đóng chai sẽ đi vào thoái trào hoàn toàn.

Bởi các nhà sản xuất trà xanh đóng chai đã bắt đầu có những cải tiến về quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm để bắt kịp tâm lý người tiêu dùng, theo đó, họ sẽ tạo ra sản phẩm chú trọng đến yếu tố dinh dưỡng, tăng cường sức khỏe, như Olong, Linh chi không đường...

>>Khởi nghiệp với nước giải khát từ rau, củ, quả

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thức uống không cồn: Xu hướng về với thiên nhiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO