Thời sự

Đề xuất không tăng tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia lên 100%

Thanh An 03/07/2024 11:17

Hiệp hội Bia - rượu, nước giải khát Việt Nam (VBA) vừa đề xuất lùi thời hạn và giảm mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia tối đa chỉ 80% vào năm 2031, thay vì 100% như dự kiến của Bộ Tài chính.

Được biết, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến để tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn (bia, rượu) và nước ngọt. Theo đó, Bộ đề xuất tăng thuế này theo lộ trình với rượu trên 20 độ lên 100% vào 2030. Tương tự, rượu dưới 20 độ chịu thuế 50% sau đó tăng lên cao nhất 70%. Bia các loại cũng tăng dần từ 80% lên 100%.

Bộ Tài chính đánh giá việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn (bia, rượu) sẽ làm tăng giá bán, góp phần hạn chế việc sản xuất và tiêu thụ mặt hàng này, từ đó hạn chế tác hại của việc uống rượu, bia nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân.

Tuy nhiên, VBA lại cho rằng việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia lên mức tuyệt đối sẽ khiến doanh nghiệp trong ngành đối mặt với nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, VBA cũng cho biết, doanh nghiệp rượu còn phải đối mặt với vấn đề khoảng 70% lượng rượu tiêu thụ trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không được quản lý, không những gây thất thu cho ngân sách nhà nước, tác động xấu đến sức khoẻ con người mà ảnh hưởng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chính thống.

Đồng thời, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước giải khát có đường sẽ tác động lớn đến đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp là ngành nước giải khát và các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như mía đường, bao bì, bán lẻ và hậu cần ở Việt Nam, đặc biệt là ảnh hưởng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Do đó, VBA kiến nghị lùi thời điểm hiệu lực của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đến năm 2027, thay vì năm 2026 như dự kiến của Bộ Tài chính.

tang-thue-tieu-thu-dac-biet-doi-voi-thuoc-la-bia-ruou-dspl.jpg
VBA kiến nghị lùi thời điểm hiệu lực của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đến năm 2027

Về thuế suất, VBA cũng đề nghị đối với rượu từ 20 độ trở lên cần tăng từ 75% vào 2027, theo lộ trình lên 80% vào 2031. Với rượu dưới 20 độ, mức thuế sẽ từ 40% lên tối đa 50%. Bia các loại từ 70% lên cao nhất 80%.

Hiện tại, mức thuế tiêu thụ đặc biệt với bia là 65%, rượu 35-65% tùy độ cồn dưới hay trên 20 độ. Bộ Tài chính muốn tăng thuế nhằm điều chỉnh giá bán thêm 10% theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Tuy nhiên, VBA cho rằng cơ sở đề xuất điều chỉnh thuế, đánh giá tác động của cơ quan soạn thảo chỉ tập trung vào mục tiêu tăng giá bán, chưa nhìn nhận ở góc độ ảnh hưởng tới giảm tiêu dùng, ngân sách hay doanh nghiệp.

Hiện ngành bia chiếm 98,6% thị phần ngành đồ uống có cồn tại Việt Nam. Mỗi năm, nước ta sản xuất và tiêu thụ khoảng 4 tỷ lít bia. Trong đó Sabeco, Heineken Việt Nam, Habeco, Carlsberg là những doanh nghiệp nắm giữ gần 95% thị phần và tổng sản lượng ngành.

Thế nhưng hiện các doanh nghiệp này đang gặp nhiều khó khăn do giảm sản lượng bán hàng, doanh thu và lợi nhuận, thậm chí còn có nhà máy bia phải đóng cửa.

Theo số liệu từ VBA, Heineken Việt Nam hiện đang chiếm thị phần bia lớn nhất cả nước nhưng lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ đã sụt giảm thị phần 2 con số trong năm 2023. Mặc khác, từ năm 2021 tới nay, Sabeco cũng ghi nhận tăng trưởng âm so với năm 2019 cả về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận từ một tới hai con số. Mức tiêu thụ sản phẩm của Habeco vào năm 2023 cũng giảm khoảng 30% so với năm 2019, ngân sách giảm 10% và phải cắt giảm 25% lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đề xuất không tăng tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia lên 100%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO