Thu mua trực tiếp cà phê: Nestlé vào cuộc

HỒNG NGA| 12/09/2012 05:09

Hàng loạt các báo trong nước dẫn nguồn từ Bloomberg đăng thông tin Nestlé sẽ tăng thu mua trực tiếp cà phê từ nông dân.

Thu mua trực tiếp cà phê: Nestlé vào cuộc

Hàng loạt các báo trong nước dẫn nguồn từ Bloomberg đăng thông tin Nestlé sẽ tăng thu mua trực tiếp cà phê từ nông dân. Thông tin này đã khiến doanh nghiệp (DN) trong nước thêm phần lo lắng vì 60% lượng cà phê Việt Nam xuất khẩu đều đã thuộc DN nước ngoài.

Đọc E-paper

Hiểu lầm...



Ngày 6-7/9, truyền thông trong nước dẫn nguồn Bloomberg thông tin: “Giám đốc Điều hành Nestlé ViệtNam, ông Rashid Qureshi cho biết, Nestle SA (NESN) đang có kế hoạch thúc đẩy thu mua trực tiếp cà phê từ nông dân Việt Nam. Theo đó, Nestlé Vietnam có thể mua 60.000 tấn cà phê mỗi năm trong thời gian 5 năm tới, so với mức 12.000-14.000 tấn hiện nay. Công ty này đã bắt đầu thu mua trực tiếp cà phê từ nông dân Việt Nam vào năm ngoái... Ông Rashid Qureshi cho rằng, rút ngắn chuỗi cung ứng để tiếp cận trực tiếp hơn với người nông dân sẽ giúp tăng thu nhập của họ, cũng như biết rõ nguồn gốc cà phê”.

Trước thông tin này, nhiều DN kinh doanh cà phê trong nước cho rằng, việc Nestlé thu mua trực tiếp cà phê từ nông dân là trái với quy định pháp luật về mua bán hàng hóa của DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Nghị định 23/2007/NĐ-CP ngày 12/02/2007 quy định các DN có vốn đầu tư nước ngoài không được mua trực tiếp từ nông dân và cũng không được lập cơ sở để thu mua hàng xuất khẩu. Và việc trực tiếp thu mua cà phê của Nestlé sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các DN trong nước.

Tuy nhiên, trao đổi với Báo Doanh Nhân Sài Gòn, ông Vũ Quốc Tuấn, Trưởng phòng Đối ngoại Nestlé Việt Nam, cho biết, Nestlé không mua cà phê trực tiếp từ nông dân mà là “do cách hiểu và cách dịch tiếng Anh của các báo. Chính xác là Nestle tìm cách rút ngắn chuỗi cung ứng để đến gần nông dân hơn”.

Theo ông Tuấn, 60.000 tấn cà phê mà các báo nhắc tới là số cà phê đạt chuẩn 4C trong 5 năm tới, nằm trong dự án “Nescafé Plan” mà công ty đã triển khai từ tháng 8/2010. Theo dự án này, Nestlé hỗ trợ nông dân về đào tạo, giống, công nghệ sau thu hoạch để sản xuất bền vững, cung cấp ổn định cà phê chất lượng cao cho Nestlé.

Hiện nay, Nestlé có hai nhà máy sản xuất cà phê hòa tan ở Việt Nam và như vậy Nestlé không phải là công ty thương mại nên có quyền thu mua cà phê, ít nhất là để phục vụ cho nhà máy.

“Tuy nhiên, chúng tôi chưa bao giờ sử dụng quyền được thu mua trực tiếp từ nông dân và chúng tôi cũng chưa thu mua một ký lô cà phê nào trực tiếp từ nông dân cả. Cho đến nay, Nestle vẫn chỉ thu mua thông qua các DN Việt Nam có đăng ký kinh doanh”, ông Tuấn khẳng định.

Nhưng lo không lầm

Trong quá khứ đã xảy ra trường hợp UBND tỉnh Đắk Lắk có công văn gửi Bộ Công Thương đề nghị xem xét cho Công ty Man - Buôn Ma Thuột (Công ty Dakman - liên doanh giữa Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu cà phê 2-9 Đắk Lắk và Công ty E.D. & FMan Vietnam Holdings B.V, Anh) được trực tiếp thu mua cà phê của nông dân.

Lý do là Man - Buôn Ma Thuột đã liên kết với nông dân trồng 3.676 ha cà phê sạch 4C với sản lượng khoảng 12.000 tấn/năm, nếu không cho trực tiếp thu mua thì DN này bị thiệt thòi. Đây là trường hợp DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tiên được tỉnh Đắk Lắk đề xuất xin cơ chế riêng để mua cà phê.

Dù đề xuất này đến nay vẫn chưa được thông qua nhưng đã khiến các DN cà phê trong nước thật sự lo lắng. Bởi 2 năm nay, tuy không được phép mua cà phê trực tiếp từ người dân, nhưng bằng nhiều hình thức khác nhau (như mua cà phê của những nông dân có đăng ký kinh doanh, hoặc thành lập các hợp tác xã), các công ty nước ngoài đã ngày càng mở rộng hệ thống mua cà phê trên thị trường nội địa.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), cho biết, những năm trước, DN xuất khẩu cà phê trong nước chiếm giữ hơn 80% tổng lượng cà phê xuất khẩu, nhưng niên vụ cà phê vừa qua, chỉ còn khoảng 40%.

Hiện nay, 12 DN FDI đã chiếm đến 60% tổng sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam, tương đương 900.000 tấn mỗi năm. Nhiều công ty đã đẩy giá cà phê lên cao nhằm “tranh mua” khi có lợi thế về vốn và lãi suất chỉ khoảng 3,5 đến 4%/năm.

Ưu thế này cộng với tiềm lực tài chính dồi dào sẵn có, DN nước ngoài lấn át DN trong nước là điều dễ hiểu. Thực tế cho thấy, các DN trong nước mất nguồn hàng và rơi vào tình thế không đủ lượng hàng xuất khẩu như trong hợp đồng đã ký.

Theo các chuyên gia, việc “tranh mua” của các DN nước ngoài trước mắt đã làm cho giá thu mua cà phê trong nước tăng lên, nông dân được hưởng lợi do sản phẩm ngày càng có giá trị.

Tuy nhiên, về lâu về dài, khi các DN nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh, tạo thế độc quyền thu mua sẽ dẫn đến hệ lụy là khi thị trường tốt thì họ vào tranh mua, lúc thị trường xấu thì không ai mua.

Và một khi vùng nguyên liệu đã nằm trong tay các DN nước ngoài, rất có thể chính người nông dân cũng bị những DN này thao túng, ép giá.

“Một khi các DN nước ngoài khống chế thì Việt Nam không thể thực hiện bất cứ một chiến lược nào của ngành cà phê cả vì lúc đó họ đã kiểm soát từ đầu vào cho đến đầu ra cuối cùng. Bài học này đã thấy rõ từ Thái Lan”, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên, nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thu mua trực tiếp cà phê: Nestlé vào cuộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO