![]() |
Áp lực thời trang ngoại
Bất chấp dịch Covid-19, các thương hiệu thời trang quốc tế vẫn liên tục đổ bộ thị trường Việt với việc liên tục mở cửa hàng tháng tại các trung tâm kinh tế lớn. Đơn cử, trong tháng 1/2021, hai thương hiệu thời trang của Pháp là Sandro và Maje chính thức ra mắt tại Việt Nam bằng hai cửa hàng ở Diamond Plaza và Saigon Centre. Đây là thương hiệu hoàn toàn mới, được phân phối bởi Công ty Quốc tế Tâm Sơn - cũng là đơn vị phân phối các thương hiệu xa xỉ như Hermes, Saint Laurent, Kenzo, Boss... Dù xa lạ ở Việt Nam nhưng Sandro và Maje có đến 700 cửa hàng tại 39 quốc gia.
Đây là hai trong những thương hiệu thời trang châu Âu đến Việt Nam với mục đích rõ ràng là để hưởng lợi thế thuế quan từ Hiệp định EVFTA. Trước đây, hàng thời trang châu Âu vào Việt Nam chịu thuế ít nhất 30%, còn theo lộ trình từ nay đến năm 2023, mức thuế nhập khẩu giảm về 0%.
Trong khi, theo Công ty Nghiên cứu Thị trường Statista (Đức), thị trường thời trang Việt Nam năm 2019 ước đạt 5,6 tỷ USD, dự kiến trong giai đoạn 2019-2023 sẽ đạt mức tăng trưởng 8,8%/năm. Còn theo nghiên cứu của Nielsen, Việt Nam là quốc gia đứng thứ ba thế giới về yêu chuộng hàng hiệu, 56% người tiêu dùng sẵn sàng chi tiền cho hàng hiệu, chỉ sau Trung Quốc (74%) và Ấn Độ (59%). Đây là chất xúc tác để các hãng thời trang nước ngoài hướng đến.
Trước đó, trong hai năm 2019 và 2020, các thương hiệu thời ngoại gồm Zara, H&M, Uniqlo cũng thâm nhập thị trường Việt Nam bằng việc mở cửa hàng thời trang tại TP.HCM và Hà Nội. Thống kê chưa đầy đủ từ các công ty nghiên cứu thị trường, hiện nay có khoảng 200 thương hiệu thời trang nước ngoài từ trung bình đến cao cấp có mặt tại Việt Nam như Chanel, Giovani, Mango, Zara, H&M, Uniqlo... Giám đốc điều hành H&M khu vực Đông Nam Á Fredrik Famm từng cho rằng, Việt Nam là thị trường hấp dẫn, đầy tiềm năng và dự kiến trở thành thị trường thứ 68 của H&M trên toàn cầu. Và sau hơn hai năm kinh doanh tại Việt Nam, H&M mở 6 cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM. Doanh thu năm 2019 đạt hơn 1.100 tỷ đồng, tăng đến 60% so với năm trước đó.
Còn Tổng giám đốc Uniqlo Việt Nam Osamu Ikezoe trong chia sẻ với báo giới cách đây chưa lâu cho hay, trong 3-5 năm tới, Uniqlo nhanh chóng mở rộng cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM.
Doanh nghiệp nội: Khó chồng khó
Sức “tấn công” của thời trang ngoại đã khiến các thương hiệu Việt như Ninomaxx, N&M, Blue Exchange, PT 2000, Việt Thy... phải dần thu hẹp hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh. Hiện thị trường thời trang Việt chỉ còn vài cái tên như IVY Moda, Hnoss... Trong phân khúc thời trang dành cho trung niên, hàng Việt có thêm một vài thương hiệu trụ lại, như An Phước, Việt Tiến...
Bên cạnh “sức công phá” của thời trang ngoại, năm 2020, doanh nghiệp nội còn chịu sức ép giảm doanh thu vì dịch Covid-19. Bà Nguyễn Thu Hà - Tổng giám đốc Công ty SLK, chủ thương hiệu thời trang thiết kế trẻ em Skabelle và thương hiệu đồng phục người lớn Celino cho biết, áp lực tiết giảm chi tiêu của người dùng khiến công ty đóng 2 cửa hàng mới mở.
“Hàng của Skabelle hướng đến khách du lịch từ nước ngoài. Năm qua khách quốc tế không có, còn khách nội thì chú ý nhiều đến giá cả hơn là chất lượng sản phẩm nên doanh số tụt giảm mạnh buộc chúng tôi phải đóng cửa”, bà Nguyễn Thu Hà cho biết.
Ngoài ra, thương hiệu nội còn đuối sức trong cuộc đua khuyến mại trước các tên tuổi ngoại. Năm 2020, thị trường thời trang Việt có thời điểm chứng kiến thương hiệu ngoại giảm giá sản phẩm lên đến 70-80%. “Hàng ngoại sale liên tục, nếu mình không sale thì sao bán được hàng. Biết là không thể đua với doanh nghiệp nước ngoài nhưng vẫn phải thực hiện các chương trình sale xen kẽ để thu hút khách đến với cửa hàng”, chủ một thương hiệu thời trang có tiếng trong nước cho biết.
Theo Bà Nguyễn Thị Điền - Tổng giám đốc Công ty An Phước, thương hiệu có 160 cửa hàng nội địa chuyên bán thương hiệu thời trang dành cho người trung niên theo kiểu “một mình một chợ”, dịch Covid-19 khiến thị trường nước ngoài bị đình trệ, mọi hoạt động đều trông chờ vào thị trường trong nước. Nhưng thị trường nội địa giờ cũng phập phù, doanh thu không ổn định nên công ty phải xoay qua làm đồng phục, may đồ trang phục theo yêu cầu của các doanh nghiệp.
Không chỉ gặp khó là đầu ra, hiện doanh nghiệp nội còn vướng khó khi nguyên liệu đầu vào bị gián đoạn. “Không có đầu ra, thiếu nguồn nguyên liệu để sáng tạo khiến doanh nghiệp thời trang trong nước khó có thể có những bộ sưu tập mới, đẹp, cạnh tranh với hàng ngoại nhập”, chủ một doanh nghiệp thời trang dành cho thanh niên cho biết.
Ý KIẾN CỦA BẠN