Thị trường giống cây trồng: Hạt nội đấu hạt ngoại

LÊ LOAN - DUY KHUÊ| 20/03/2016 01:54

Việc ngày càng nhiều thương hiệu giống cây trồng hiện diện tại Việt Nam cho thấy xu hướng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp giống cây trồng chỉ là bề nổi của một thị trường nhiều tiềm năng.

Thị trường giống cây trồng: Hạt nội đấu hạt ngoại

Xu hướng mua bán, sáp nhập (M&A) DN giống cây trồng thoạt nhìn như "hiện tượng lướt sóng" của các nhà đầu tư (NĐT) nhằm đầu cơ kiếm lời. Thế nhưng, sự hiện diện ngày càng nhiều các thương hiệu về giống cây trồng tại thị trường Việt Nam cho thấy đó chỉ là bề nổi của một thị trường nhiều tiềm năng.

Đọc E-paper

Năm 2014, thị trường cây giống và hạt giống Việt Nam được xem là nhộn nhịp khi cùng lúc diễn ra hàng chục thương vụ mua bán cổ phần không chỉ giữa các DN trong nước với nhau mà còn diễn ra giữa DN FDI với DN Việt Nam.

Nếu như trên sàn chứng khoán, thời điểm đó, những cái tên như Công ty CP Giống cây trồng Miền Nam (MCP: NSC), Công ty CP Giống cây trồng Trung ương (MCP: SSC), Công ty CP Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (MCP: TSC), Công ty CP Xuyên Thái Bình Dương (MCP: PAN) trở thành tiêu điểm bình luận của các chuyên gia phân tích chứng khoán với nhiều nhận định về tiềm năng phát triển ngành hạt giống, cây giống.

Cùng lúc, những cuộc mua bán "ngoài sàn" tuy thầm lặng nhưng tác động không nhỏ đến ngành này. Đơn cử nhà sản xuất hạt giống của Pháp là Vilmorin mua lại cổ phần Công ty CP Phát triển và Đầu tư Nhiệt Đới (Tropdicorp), một trong những đơn vị hàng đầu tại Việt Nam về lai tạo và sản xuất hạt giống, với doanh số 6 triệu USD thời điểm chuyển nhượng, chiếm 20% thị phần ngành giống cây trồng của Việt Nam.

Điều này cũng góp phần giúp Vilmorin trở thành nhà sản xuất giống cây trồng nước ngoài đầu tiên có mặt trực tiếp tại Việt Nam. Do vậy, thương vụ này mở đường cho nhà sản xuất hạt lớn thứ tư thế giới Vilmorin (có doanh số 1,9 tỷ USD) "định vị” vững chắc hơn tại thị trường Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập cùng nhiều chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp được Nhà nước Việt Nam hướng đến.

Cùng với Vilmorin, Syngenta (Thụy Sĩ), Takii và Sakata (Nhật Bản), East West (Hà Lan)... đang ngày càng mở rộng thị phần với tỷ lệ chiếm hữu lên đến trên 85% thị trường cây giống, hạt giống Việt Nam.

Hơn thế nữa, trong số 10 tập đoàn phát triển hạt giống, cây giống chiếm khoảng 70% thị phần hạt giống rau thế giới, đã có 6 tập đoàn hiện diện tại Việt Nam. Cho thấy, cuộc cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt, khi hầu hết ưu thế đang rơi vào tay các DN ngoại trong khi tiềm năng của thị trường giống cây trồng Việt Nam là rất lớn.

Điều đáng nói nữa là đa phần các DN FDI hiện diện tại Việt Nam đều có xuất phát điểm là thông qua hệ thống phân phối do các DN Việt Nam xây dựng.

Ngay như Tập đoàn Lộc Trời (LT Group) với 25 chi nhánh và hơn 5.000 đại lý và nhà bán lẻ cũng phân phối chủ yếu các sản phẩm từ Công ty Syngenta (DN chuyên về thuốc bảo vệ thực vật hàng đầu thế giới), trong đó có lúa giống. Hiện LT Group đang là nhà phân phối lúa giống và bắp lai giống lớn thứ hai tại Việt Nam.

Dù hoạt động trong lĩnh vực phân bón, nhưng từ năm 2015, Syngenta đã trở thành công ty đầu tiên được phép thương mại hóa giống bắp chuyển gene tại Việt Nam, một trong những thị trường trọng điểm của Syngenta ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng. 

430 triệu USD

Năm 2013, quy mô ngành giống cây trồng Việt Nam (chỉ tính riêng thị trường giống lúa, ngô và rau) đạt khoảng 430 triệu USD, trong đó nhập khẩu chiếm khoảng 35%.

Dự báo đến năm 2020, quy mô thị trường khoảng 1 tỷ USD (dự báo dựa trên tốc độ tăng trưởng thị trường là 13%/năm).

Hiện nay, mới có khoảng 30% diện tích trồng trọt được sử dụng giống hàng hóa và dự báo đến năm 2020, tỷ lệ này được nâng lên 70%.

(Nguồn: Công ty Chứng khoán Thiên Việt)

Sản phẩm của Syngenta đều được đóng gói tại nhà máy ở Biên Hòa và đã phân phối trên toàn quốc. Với thực trạng như vậy, có thể thấy, các DN Việt Nam gần như thuộc "chiếu dưới" khi thị phần tại "sân nhà” quá khiêm tốn. Thế nhưng, điều này lại không làm các DN trong nước bi quan để rồi xem đây là trở lực trong "đấu trường" vẫn chưa phân thắng bại này.

Theo ông Huỳnh Đoàn Thông, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Chánh Phong, một DN tư nhân khá thành công trong việc phát triển các loại rau, củ, quả giống, như mướp đắng, dưa leo, ớt, cà tím..., tiềm năng của ngành hạt giống, cây giống tại Việt Nam vẫn còn rất lớn.

Bởi lẽ, ngành cây giống, hạt giống đang được phân chia ra rất nhiều loại, cụ thể gồm nhóm hạt giống bắp, cà phê, cao su, hồ tiêu..., nhóm hạt giống rau, quả và nhóm hạt giống hoa. "Chúng tôi có thế mạnh trong phát triển nhóm hạt giống rau, quả từ 4 tấn năm 2010, đã đạt 15 tấn năm 2015.

Những năm 2013 - 2014, Chánh Phong tăng trưởng gần như 100%/năm. Đến nay, có nhiều DN nước ngoài đặt vấn đề mua hạt giống và hợp tác với Chánh Phong nhưng chúng tôi không có xu hướng cho các DN FDI tham gia bằng hình thức chuyển nhượng quyền sở hữu", ông Thông khẳng định.

Để chuẩn bị cho cuộc đua sắp tới, Công ty CP Giống cây trồng Trung ương đã đặt mục tiêu nâng thị phần lên từ 30 - 35%. Theo đó, SSC cũng đặt mục tiêu tăng trưởng 25%/năm trong vòng 5 năm tới.

Mới đây, đại hội cổ đông thường niên của Công ty CP Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2016 với doanh thu 2.337 tỷ đồng (tăng 100% so với năm 2015), lợi nhuận sau thuế đạt 177 tỷ đồng (tăng 64% so với năm 2015).

Theo Ban lãnh đạo TSC, sự tăng trưởng này đến từ tất cả các mảng kinh doanh (nông nghiệp, hạt giống và nhóm hàng tiêu dùng nhanh - FMCG). Dù xác định tầm quan trọng của FMCG, song chiến lược kinh doanh của TSC vẫn tập trung mở rộng sản xuất ngành chế biến thực phẩm và hạt giống, bởi hai mảng này năm 2015 đã đóng góp 50% vào lợi nhuận của DN.

Song, điều đáng lưu ý là trong năm 2016 này, các công ty con của TSC lại đang có chủ trương thâu tóm mảng kinh doanh hạt giống của Pioneer Việt Nam, độc quyền phân phối các sản phẩm chất lượng cao của tập đoàn giống cây trồng thuộc hàng top thế giới này.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Từ Minh Thiện, Phó Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM (AHTP), cho biết, tại AHTP, DN Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực phát triển giống cây trồng đang chiếm tỷ lệ khoảng 50%.

AHTP đang tiếp nhiều DN đến từ khu vực châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản... có ý định đầu tư vào lĩnh vực phát triển giống cây trồng tại Khu nông nghiệp Công nghệ cao ở huyện Củ Chi.

Nói về thị trường giống cây trồng hiện nay, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, ngành công nghiệp hạt giống Việt Nam sẽ phát triển nhanh đến năm 2018 dưới sự điều phối của các DN mạnh, đặc biệt là DN FDI, khi nhu cầu về hạt giống chất lượng cao đang ngày một gia tăng, không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.

>Thị trường giống cây trồng: Cạnh tranh mạnh mẽ

>Lúa gạo: "Cây trồng chính trị" hay "hàng hóa"?

>Chính sách đặc thù hỗ trợ Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường giống cây trồng: Hạt nội đấu hạt ngoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO