Thị trường du lịch: Không dễ "cất cánh"

HỒNG NGA - HẢI ÂU| 21/09/2015 06:29

Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên cùng nền văn hóa đặc sắc, du lịch có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng sẽ rất khó nếu hạ tầng vẫn yếu kém.

Thị trường du lịch: Không dễ

Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên cùng nền văn hóa đặc sắc, du lịch có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng sẽ rất khó nếu hạ tầng vẫn yếu kém.

Đọc E-paper

MICE: Không dễ thắng

Việc định hình sản phẩm du lịch đặc trưng thể hiện rõ ở việc thu hút khách MICE.

Năm 2006 - 2007, như một trào lưu, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh, nhiều địa phương mạnh dạn đặt mục tiêu "là điểm đến của du lịch MICE - khách vừa tham dự hội nghị kết hợp nghỉ dưỡng", nhưng thực tế cho thấy, đây không phải là sản phẩm mà ai cũng có thể khai thác hiệu quả.

Chia sẻ tại thảo luận bàn tròn có chủ đề: "TP.HCM sẽ trở thành điểm nóng tiếp theo của ngành MICE toàn cầu", do Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) tổ chức, các chuyên gia cho rằng, với lợi thế là trung tâm kinh tế, tài chính cùng với sự ổn định chính trị, TP.HCM có tiềm năng trở thành một điểm đến MICE (du lịch kết hợp hội nghị, sự kiện) hàng đầu Đông Nam Á, thu hút một lượng lớn các cuộc họp quốc tế và khách du lịch với số lượng ngày càng tăng, tạo nguồn thu đáng kể cho tất cả các ngành liên quan.

Kể từ khi khánh thành Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Sài Gòn (SECC) năm 2008, một số khách sạn cao cấp và các địa điểm tổ chức sự kiện hiện đại đã và đang hoạt động rất thành công.

Thị thực, cơ sở hạ tầng và an toàn công cộng đã được cải thiện đáng kể góp phần tạo nên sức hút của TP.HCM như một điểm đến MICE đang nổi lên.

Trong khi ngành du lịch đối diện với khó khăn khi số lượng khách lẻ sụt giảm nhưng khách MICE vẫn tăng trưởng. Ước tính, 8 tháng đầu năm nay, du lịch MICE của TP.HCM tăng 15% so với năm ngoái.

>>Phát triển du lịch MICE: Bao giờ vi vu?

Theo Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Lã Quốc Khánh, với những khách sạn tốt nhất, các điều kiện tổ chức hội thảo, hội nghị, sự kiện và cả một hệ thống các dịch vụ hỗ trợ đi kèm như các tour giải trí, golf, mua sắm..., TP.HCM là một trong những nơi tốt nhất để phát triển du lịch MICE.

Cùng nhận định này, ông Đỗ Ngọc Olivier Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư Dynasty (chủ sở hữu Les Rives), cho rằng, TP.HCM vừa có nền văn hoá độc đáo vừa có những hoạt động du lịch thú vị cũng như ẩm thực ngon, giá khách sạn cạnh tranh, cơ sở hạ tầng tốt và không gian hội nghị thoải mái.

Những yếu tố này giúp TP.HCM có thể cạnh tranh với nhiều nước châu Á khác. Điều quan trọng là những người làm du lịch cần kết hợp với nhau để làm cho TP.HCM càng thêm thu hút.

"Du lịch đường sông có thể mang đến cho du khách MICE những trải nghiệm vui và rất thích hợp cho hoạt động team building thông qua việc giới thiệu những điểm độc đáo của Việt Nam và mang đến những trải nghiệm đáng nhớ. Một vài đường tour có thể mang tính giáo dục hoặc được thiết kế riêng theo yêu cầu của những đơn vị tổ chức MICE kết hợp team building và những hoạt động vui nhộn như đạp xe hay nấu ăn mà du khách cũng rất thích", ông Đỗ Ngọc Olivier Dũng nói.

TP.HCM có thể định vị như một sự thay thế hấp dẫn cho các "điểm nóng" MICE khác của châu Á như Bangkok, Hong Kong, Macau, Singapore... nhưng cho đến nay, sự phát triển vẫn đang tụt hậu so với tiềm năng thực tế. Đó là vì Thái Lan, Singapore có những hoạt động tích cực trong việc quảng bá về du lịch.

"TP.HCM nên hướng đến những khách hàng mục tiêu cao cấp hơn là những chương trình quảng bá du lịch rộng rãi. Bên cạnh đó, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ và doanh nghiệp", ông Dũng nói.

>>Phát triển du lịch MICE: Cần có sự đầu tư thỏa đáng

Trong khi đó, ông Trần Trọng Nho - Tổng quản lý của Muine de Century Beach Rosort & Spa, cũng bày tỏ quan điểm, với lợi thế về biển và đa phần các khu nghỉ dưỡng dọc biển, Mũi Né (Bình Thuận) thích hợp với du lịch nghỉ dưỡng, còn du lịch MICE thì nên phát triển thành sản phẩm bổ trợ.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng, Bình Thuận chỉ nên phát triển khách sạn, resort và spa gắn với du lịch thể thao trên biển và cát. Bà Rịa - Vũng Tàu thích hợp với du lịch MICE vì gần TP.HCM và hiện nay lại có thêm cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây càng rút ngắn khoảng cách đi lại.

Khó cất cánh nếu hạ tầng kém

Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên cùng nền văn hóa đặc sắc, du lịch có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng sẽ rất khó nếu hạ tầng vẫn yếu kém.

Ông Herb Cochran - Giám đốc Điều hành AmCham Việt Nam tại TP.HCM, cho rằng, du lịch là ngành có nhiều đóng góp cho nền kinh tế, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.

Chính phủ Việt Nam đã chọn du lịch làm ngành đứng đầu trong 4 lĩnh vực mũi nhọn (du lịch, công nghệ thông tin, nông nghiệp và thực phẩm). Hiện nay, rất nhiều DN thành viên của AmCham tham gia ngành này và muốn có sự hợp tác công-tư trong việc phát triển du lịch.

>>Gõ cửa Amcham Vietnam

Tuy nhiên, ngành du lịch sẽ khó phát triển nếu chưa tháo được các nút thắt quan trọng. Trước hết là hạ tầng không được đầu tư đúng mức.

Ở đây, vai trò cầm trịch của Nhà nước là vô cùng quan trọng trong việc đầu tư, cung cấp cơ sở hạ tầng làm đòn bẩy cho du lịch phát triển.

Tại hội thảo về "Liên kết phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung với vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia" tổ chức mới đây tại Bình Thuận, TS. Trần Du Lịch chia sẻ, định hướng, quy hoạch du lịch đã có nhưng hạn chế là giao thông kết nối giữa các vùng chưa đóng vai trò khai phá. Hiện nay, hệ thống đường bộ, đường sắt của Việt Nam vẫn còn lạc hậu.

Trên thực tế, dù một số tuyến đường cao tốc đầu tư vốn lớn nhưng chưa khai thác hết công suất.

TS. Trần Du Lịch dẫn chứng việc đón khách từ sân bay Tân Sơn Nhất về Mũi Né nhưng phải mất đến 4 - 5 giờ đi xe vì hiện có cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây nhưng từ Dầu Giây đến Phan Thiết 100km thì chưa có cao tốc kết nối.

"Một tour du lịch (từ TP.HCM đến Bình Thuận) mà mất 4 - 5 tiếng đồng hồ thì làm sao phát triển du lịch? Chuyên gia kinh tế này cũng cảnh báo, liệu tư duy phát triển du lịch chỉ dựa vào đường hàng không thông qua việc xây dựng nhiều sân bay có thực sự liên kết du lịch giữa các vùng?

Hiện, khu vực Đông Nam Bộ, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên chủ yếu khai thác 5 cửa ngõ hàng không là Đà Lạt, Đà Nẵng, TP.HCM, Huế và Khánh Hòa.

Để phát triển du lịch một cách bài bản và có hiệu quả thì phải tính đến chuyện liên kết theo địa bàn, sản phẩm du lịch và tour du lịch, làm sao để thay đổi tư duy điểm du lịch thành vùng du lịch nhằm tạo ra sản phẩm du lịch đa dạng.

>>Sản phẩm du lịch mới của một số vườn quốc gia

Các tour du lịch của Việt Nam phải trả lời được 4 câu hỏi: Đi đâu, ở đâu, ăn cái gì và chơi gì thì mới có thể mang đến hiệu quả thực sự. Hiện nay 4 yếu tố này đang phát triển không đồng bộ nên doanh thu của ngành chiếm chủ yếu vẫn là doanh thu từ phòng lưu trú.

Cùng những yếu tố trên, TS. Trần Du Lịch viện dẫn cách làm du lịch của người Thái: Du lịch là sự kết nối giữa con tim với con tim, tức thông qua con người. Việt Nam đã chuẩn bị được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được sự phát triển của ngành?

Bởi "Làm du lịch mà như làm thêm thì bao giờ du lịch mới phát triển", Trưởng Nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung nhấn mạnh.

Hơn nữa, không nơi nào du lịch phát triển nếu người dân không đồng thuận để đón khách với thái độ thân thiện.

Một khi đã chuẩn bị tốt các điều kiện nội tại thì du lịch Việt Nam mới có thể đủ sức cạnh tranh với khu vực vì sắp tới, tầng lớp trung lưu ở châu Á sẽ trỗi dậy và nhỉnh hơn so với các châu lục khác, nên nhu cầu du lịch của họ sẽ cao cấp hơn.

Một số điểm trong Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2030

- Vùng duyên hải Nam Trung Bộ được định hướng phát triển 9 khu du lịch quốc gia và 7 điểm du lịch quốc gia, là những điểm nhấn quan trọng trong phát triển sản phẩm du lịch.

Các khu du lịch quốc gia gồm: Sơn Trà, Bà Nà, Phương Mai, Vịnh Xuân Đài, Cù Lao Chàm, Mỹ Khê, Bắc Cam Ranh, Ninh Chữ và Mũi Né.

- Vùng Đông Nam Bộ được định hướng phát triển mạnh về du lịch đô thị, tìm hiểu văn hóa, lịch sử.

Định hướng phát triển 4 khu du lịch trong thời gian tới là: Núi Bà Đen, Cần Giờ, Phước Hải - Long Hải cùng Côn Đảo và 5 điểm du lịch cấp quốc gia khác.

- Vùng Tây Nguyên được định hướng phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng núi, tìm hiểu văn hóa dân tộc, tham quan thắng cảnh.

Vùng được xác định phát triển 4 khu du lịch quốc gia: Măng Đen, Tuyền Lâm, Đan Kia - Suối Vàng, Yok Đôn và 4 điểm du lịch quốc gia.

>>Phát triển thị trường du lịch: Từ điểm đến vùng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường du lịch: Không dễ "cất cánh"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO