Thị trường bán lẻ: khuyến mãi khủng không còn đủ hấp dẫn

21/04/2015 08:30

Năm 2015 đánh dấu bước chuyển mình của ngành bán lẻ: đổi mới hoặc là mất thị phần vào tay các nhà bán lẻ nước ngoài.

Thị trường bán lẻ: khuyến mãi khủng không còn đủ hấp dẫn

Nhà bán lẻ muốn tìm được chỗ đứng trên thị trường thì phải có nhiều cải thiện tốt cả về quản lý, chuỗi cung ứng, dịch vụ...

Từ cuối năm 2014, thị trường bán lẻ Việt Nam đón nhận làn sóng phát triển lớn mạnh của các doanh nghiệp (DN) hiện hữu và sự gia nhập của các “đại gia” nước ngoài. Tốc độ gia nhập, phát triển sẽ gia tăng nhiều hơn, cùng với đó là sự luân chuyển vốn, công nghệ, hàng hóa… Năm 2015 được xem như cột mốc đánh dấu thị trường bán lẻ Việt Nam mang vóc dáng mới: Hiện đại hơn, tính kết nối cao hơn nhằm đáp ứng nhu cầu cao hơn, đa dạng hơn của người tiêu dùng.

Bùng nổ mô hình bán lẻ

Hội nhập kinh tế, tác động của những chính sách vĩ mô trong hội nhập khu vực và toàn cầu sẽ tạo sức ép lớn đối với nhà đầu tư bán lẻ cả trong và ngoài nước.

Theo ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc điều hành Big C Việt Nam, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ trên 2 con số, chỉ số GDP cao và ổn định, năm 2014 kiểm soát tốt lạm phát cùng với việc mở cửa thị trường… đã tạo điều kiện thu hút ngày càng nhiều DN bán lẻ vào Việt Nam. Bên cạnh đó, kênh phân phối bán lẻ hiện đại còn thấp, chỉ chiếm khoảng 25% thị trường. Tổng hợp những yếu tố trên cho thấy cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ sẽ tăng cao, đặc biệt là ở 5 thành phố lớn, bao gồm TP.HCM và Hà Nội.

Riêng tại TP.HCM, hiện đã có 35 trung tâm thương mại, 176 siêu thị đang hoạt động. Từ nay đến năm 2020, sẽ có thêm 100 siêu thị, trung tâm thương mại mở cửa đón khách. Theo Sở Công Thương TP.HCM, hiện có khá nhiều dự án đầu tư siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn nhưng chủ trương của thành phố chỉ ưu tiên những dự án khả thi nhất và khuyến khích đầu tư phát triển cửa hàng tiện lợi. Hiện đã có 700 cửa hàng tiện lợi thuộc các chuỗi hệ thống bán lẻ tại TP.HCM.

Việc đẩy nhanh hệ thống cửa hàng tiện lợi cũng nằm trong xu hướng phát triển chung của các nhà bán lẻ. Theo các DN, nhu cầu hiện đại đòi hỏi DN phải đa dạng hóa loại hình kinh doanh. Trong năm 2015 sẽ có sự bùng nổ phát triển cửa hàng tiện lợi vì diện tích nhỏ, quy mô đầu tư ít. Ngoài ra, cùng với sự ra đời của nhiều kênh mua sắm hiện đại như bán hàng qua mạng, home shopping, bán hàng trên truyền hình, điện thoại, các đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi đang lấn dần kênh mua sắm siêu thị truyền thống.

Cạnh tranh ngày càng… khó chịu

Mấu chốt chung của bán lẻ là phải phát triển hệ thống. Vì vậy, để cạnh tranh, các DN đang đua nhau phát triển mạng lưới, đa dạng hóa mô hình kinh doanh.

Có mặt tại Việt Nam hơn 10 năm, Big C đã mở 30 siêu thị và chuỗi 10 cửa hàng tiện lợi C Express, trang thương mại điện tử Cdiscount và đang từng ngày mở rộng chuỗi. Hệ thống Lotte Mart đã mở được 10 siêu thị và tăng tốc để đến năm 2020 có 60 siêu thị; đồng nghĩa với việc từ nay đến đó, mỗi năm có ít nhất 10 Lotte Mart đi vào hoạt động.

Aeon - nhà bán lẻ từ Nhật - đặt mục tiêu đến năm 2020 mở 20 trung tâm mua sắm, siêu thị. Nhà bán lẻ đến từ Nhật Bản này đã mua cổ phần chi phối 2 hệ thống bán lẻ Việt Nam là Fivimart và Citimart. Đại gia bất động sản Vingroup sau khi đưa vào hoạt động hệ thống siêu thị VinMart, cửa hàng tiện lợi VinMart+, siêu thị điện máy VinPro và cửa hàng công nghệ VinPro+, mới đây đã công bố “mua đứt” hệ thống siêu thị Vinatexmart.

Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) đang sở hữu 74 siêu thị Co.opmart, 87 Co.op Food, gần 200 cửa hàng Co.op, kênh bán hàng qua truyền hình HTC Co.op Home shopping, 1 trung tâm thương mại Sense City.

Ngày 19-4, Saigon Co.op chính thức đưa vào hoạt động mô hình bán lẻ hiện đại SC Vivo City (liên doanh với Tập đoàn Mapletree) tại quận 7. Tại địa điểm này, đại siêu thị Co.op Xtra thứ hai (liên doanh với HTX MTU FairPrice - Singapore) cũng mở cửa đón khách.

Nói như bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Giám đốc Maximark Cộng Hòa, cạnh tranh bán lẻ ngày càng khó chịu hơn. “Miếng bánh” bán lẻ được chia nhỏ. Để tồn tại, DN phải phát huy tối đa thế mạnh của mình thông qua những kinh nghiệm sẵn có, chiến lược kinh doanh củng cố, đa dạng hóa mặt hàng, cố gắng phát triển hệ thống…

Còn theo ông Nguyễn Anh Đức - Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op - cạnh tranh về giá, khuyến mãi “khủng” chỉ là công cụ nhất thời để chinh phục người tiêu dùng. Khi người tiêu dùng đã “ngộp” trong khuyến mãi giảm giá và có quá nhiều sự lựa chọn mua sắm, sự chân thành, gắn kết giữa nhà bán lẻ với nhà sản xuất, người tiêu dùng mới chính là chất keo gắn kết lâu dài với khách hàng - người tiêu dùng. Nhà bán lẻ muốn tìm được chỗ đứng trên thị trường thì phải có nhiều cải thiện tốt cả về quản lý, chuỗi cung ứng và dịch vụ…

>Kinh doanh bán lẻ là phải địa phương hóa
>Bí mật của chuỗi bán lẻ Timberland Boot
>Đầu tư vào bán buôn, bán lẻ, dịch vụ sẽ phát triển hơn
>Chinh phục khách hàng trong ngành bán lẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường bán lẻ: khuyến mãi khủng không còn đủ hấp dẫn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO