Thấp thỏm lo hàng ách tắc

CÁC NGỌC| 17/12/2009 08:26

Chưa có dự báo nào về xuất khẩu thủy sản trong năm tới, chỉ có những cảnh báo, khuyến nghị thực hiện những yêu cầu về chất lượng của các nước nhập khẩu thủy sản Việt Nam

Thấp thỏm lo hàng ách tắc

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong 11 tháng qua đạt gần 3,93 tỷ USD, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm 2008. Bộ Công Thương lạc quan cho rằng, tháng cuối năm nếu khai thác tốt thị trường thì cả năm có thể đạt kim ngạch 4,4 tỷ USD, gần bằng năm 2008 (4,5 tỷ USD). Chưa có dự báo nào về xuất khẩu thủy sản trong năm tới, chỉ có những cảnh báo, khuyến nghị thực hiện những yêu cầu về chất lượng của các nước nhập khẩu thủy sản Việt Nam (VN). Sắp tới, hàng rào kỹ thuật sẽ càng được quy định cao hơn. Điều quan trọng là chính mỗi doanh nghiệp (DN) hết sức trung thực về chất lượng sản phẩm, Nhà nước phải đưa ra quy trình kiểm soát từ khâu nguyên liệu, chế biến đến lưu thông. Điểm yếu của VN không phải là kỹ thuật sản xuất, mà là cách tổ chức sản xuất để vượt qua những rào cản của các nước.
Thấp thỏm lo hàng ách tắc

Vất vả lắm, ngành thủy sản VN mới có thể giữ cho sản lượng và kim ngạch xuất khẩu vào những thị trường quan trọng như Liên minh Châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản không bị giảm sút nhiều; đồng thời mở thêm những thị trường triển vọng tốt như Nga, Úc, Trung Quốc, Canada, các nước Bắc Phi, Trung Đông,.. Chỉ còn nửa tháng nữa là kết thúc năm 2009, nhưng các DN ngành thủy sản hầu như chưa muốn nói về chỉ tiêu năm 2010 bởi điều họ quan tâm lúc này là bằng cách nào thực hiện kịp những thủ tục quy định về kiểm soát khai thác, chế biến, chất lượng sản phẩm mà các nước nhập khẩu thủy sản đã đưa ra và đến thời hạn phải thi hành.

Không thông quy định, nguy cơ ách tắc thị trường

VN là một trong sáu nước chịu áp đặt thuế chống bán phá giá (CBPG) tôm của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) từ năm 2005. Vào đầu năm 2010, Ủy ban Thương mại Quốc tế của Mỹ (ITC) sẽ “rà soát hoàng hôn” (sunset review) đối với quyết định CBPG tôm. Đây là cơ hội cho tôm VN có được mức thuế suất tối thiểu.

Theo Quy định IUU, đánh bắt hải sản phải có giấy đăng ký, mỗi lần cập bến phải khai báo nguồn đánh bắt, sản lượng.

Theo LS Keneth J. Pierce, Trưởng Ban Phòng vệ thương mại quốc tế và hải quan Washington (Mỹ) có thể hủy bỏ thuế CBPG đối với tôm VN nếu như DN VN đưa ra chứng cứ rằng khó khăn của ngành tôm tại Mỹ không phải do DN VN gây ra, chứng minh tôm xuất khẩu vào Mỹ được nuôi từ các điều kiện tự nhiên. Đây là lần “rà soát hoàng hôn” đầu tiên đối với tôm đông lạnh VN, DN VN có đạt mong muốn được hủy bỏ thuế CBPG hay không là tùy thuộc vào sự chuẩn bị đầy đủ chứng cứ và thái độ làm việc tích cực, nghiêm túc.

Các DN dự báo nhu cầu sử dụng tôm ở thị trường Mỹ sẽ tăng trở lại, nên việc đạt kết quả tốt trong lần rà soát này sẽ hỗ trợ cho việc xuất khẩu tôm trong năm tới.

Thương vụ VN tại Mỹ còn lưu ý thêm một điều, nhiều DN xuất khẩu thủy sản do không nắm được quy định của Mỹ nên khi chào hàng tôm, cá đông lạnh vẫn sử dụng cách tính trọng lượng cả nước đá ướp. Ở Mỹ, nếu tính trọng lượng sản phẩm thủy sản đông lạnh có cả trọng lượng đá ướp thì bị coi là vi phạm pháp luật (gian lận về trọng lượng).

Đối với các DN xuất khẩu hải sản, từ khai thác, đánh bắt, lo lắng nhiều hơn cả là gần đến ngày 1/1/2010, thời điểm bắt đầu áp dụng Quy định số 1005/2008 của Ủy ban Châu Âu về thiết lập hệ thống kiểm soát nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xoá bỏ hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản bất hợp pháp

Nhằm đảm bảo uy tín cho thủy sản xuất khẩu của VN, Thương vụ VN đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công Thương, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản VN (VASEP) thông báo cho DN biết và tránh mọi sơ suất có thể coi là hành vi gian lận khi xuất khẩu vào Mỹ.

Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) cũng đã thông báo kể từ tháng 11/2009, Cơ quan Chứng nhận bang Victoria của Úc tiến hành kiểm tra khối lượng tịnh của sản phẩm bao gói sẵn nhập khẩu (không bao gồm vật liệu bao gói, đối với thủy sản đông lạnh không bao gồm nước đá và khối lượng mạ băng).

Theo quy định, các thông tin về khối lượng tịnh của sản phẩm, tên và địa chỉ của cơ sở sản xuất đóng gói phải được thể hiện rõ trên bao bì. Trường hợp kiểm tra phát hiện khối lượng tịnh của sản phẩm không đúng với khối lượng in trên bao bì, Úc sẽ áp dụng mức phạt tiền 20.000 đôla Úc đối với cá nhân và 100.000 đôla Úc đối với DN vi phạm. Nhằm tránh các vướng mắc, Nafiqad đề nghị các DN nghiêm túc tuân thủ việc ghi nhãn trên bao bì khi xuất khẩu khi vào thị trường bang Victoria.

Nafiqad cho biết theo quy định hiện hành của VN, việc cấp chứng nhận chất lượng cho các sản phẩm thủy sản xuất khẩu được thực hiện theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Hiện tại, VN chưa nhận được yêu cầu chính thức của Cơ quan thẩm quyền Úc về việc các lô hàng thủy sản nhập khẩu từ VN phải kèm theo giấy chứng nhận chất lượng (chứng thư vệ sinh) của Nafiqad.

Vì vậy, các Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng chỉ kiểm tra, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm cho các lô hàng thủy sản đăng ký xuất khẩu vào Úc khi có yêu cầu của DN (chứng nhận dịch vụ). Để tránh các vướng mắc, DN phải chủ động liên hệ với nhà nhập khẩu Úc để lựa chọn cách thể hiện thông tin về khối lượng tịnh của sản phẩm, tên, địa chỉ cơ sở bao gói cho phù hợp khi xuất khẩu thủy sản vào bang Victoria.

Nóng lòng với thị trường EU

Đối với các DN xuất khẩu hải sản từ khai thác, đánh bắt, lo lắng nhiều hơn cả là gần đến ngày 1/1/2010, thời điểm bắt đầu áp dụng Quy định số 1005/2008 của Ủy ban Châu Âu về thiết lập hệ thống kiểm soát nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xoá bỏ hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là Quy định IUU), cấm nhập vào EU các sản phẩm hải sản có nguồn gốc từ hành vi đánh bắt bất hợp pháp. EU đang và sẽ tiếp tục là thị trường nhập khẩu thủy hải sản lớn nhất của VN, chiếm 27 - 35% tổng kim ngạch thủy hải sản hàng năm, trong đó xuất khẩu hải sản khai thác chiếm tới 1/3 như cá ngừ, cá thu, ghẹ, mực...

Theo Quy định IUU, tàu cá đánh bắt hải sản phải có đăng ký, mỗi lần cập bến phải khai báo nguồn đánh bắt, sản lượng. Thực tế hầu như ở Việt Nam không có tàu nào thực hiện nghiêm vấn đề này. Do vậy, việc bắt buộc DN ghi rõ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm đánh bắt là không dễ. Theo VASEP, dù muốn hay không, DN cũng phải tuân thủ quy định để giữ thị trường. Các DN biết đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản và an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, thời gian đã cận kề, để đáp ứng những yêu cầu của IUU, tự mỗi DN khó thực hiện được, đòi hỏi phải có một sự chỉ đạo chung của Bộ NN&PTNT và thống nhất triển khai xuống từng địa phương.

Ngày 3/12 vừa qua, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cùng VASEP đã phối hợp triển khai Quyết định của Bộ NN&PTNT về Quy chế chứng nhận thủy sản, xác nhận sản phẩm thủy sản khai thác xuất khẩu vào thị trường Châu Âu. Theo đó, hoạt động khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định khi tổ chức, cá nhân vi phạm: khai thác thủy sản mà không có giấy phép khai thác hợp lệ; không hoàn thành nghĩa vụ ghi nhật ký và báo cáo khai thác thủy sản theo quy định, bao gồm cả việc truyền dữ liệu từ hệ thống giám sát tàu cá thông qua vệ tinh đối với tàu cá sử dụng hệ thống giám sát tàu cá qua vệ tinh; khai thác trong vùng cấm khai thác, thời gian cấm khai thác, các loài thủy sản cấm khai thác hoặc khai thác các loài có kích thước nhỏ hơn quy định cho phép khai thác; sử dụng ngư cụ khai thác bị cấm hoặc không đúng quy định...

VASEP cho biết, Quy định IUU chỉ áp dụng cho các hoạt động khai thác trên biển diễn ra từ ngày 1/1/2010. Các sản phẩm chế biến được thu mua từ hoạt động khai thác trước ngày 1/1/2010 không buộc phải có chứng nhận khai thác dù được nhập khẩu vào EU sau ngày 1/1/2010. EC biết trước khi xuất khẩu sang EU, nguyên liệu chế biến và các sản phẩm thủy sản chế biến có thể được lưu kho trong một thời gian nhất định. Quy định IUU sẽ áp dụng cho tất cả các sản phẩm thủy sản và không gia hạn, không giai đoạn chuyển giao và không ưu đãi đặc biệt.

Trong trường hợp có nghi ngờ về ngày khai thác, cơ quan có thẩm quyền tại một nước thành viên EU có thể yêu cầu một số thông tin cần thiết để xác minh xem hoạt động khai thác diễn ra khi nào. Điều 17 của Quy định IUU nêu, các nước thành viên EU có thể tiến hành tất cả các cuộc thẩm tra được cho là cần thiết để đảm bảo việc áp dụng chính xác các điều khoản của Quy định này. Do vậy, để tránh trì trệ trong khâu nhập khẩu, các sản phẩm thủy sản được khai thác trước ngày 1/1/2010 muốn nhập vào EU nhưng không có Chứng nhận Khai thác cần phải có hồ sơ phù hợp về ngày khai thác.

Ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng Tài chính Tiền tệ Quốc gia: hàng rào kỹ thuật sẽ không giảm


Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) quy định cho phép các nước được đưa ra các quy định để bảo vệ sức khỏe con người và động vật sống, cũng như bảo vệ môi trường. Hiện nay, VN không chứng minh được các quy định của EU, của Mỹ là cao quá.

Cho nên hàng rào kỹ thuật là một thực tế phải chấp nhận và nó không hề giảm đi trong tương lai, thậm chí còn cao lên vì nhu cầu con người cần được bảo vệ ngày càng cao. Chỉ khi nào VN chứng minh được rằng những quy định của họ là sai thì chúng ta mới kiện được.

Các cơ quan khoa học VN chưa đủ sức nghiên cứu để bác bỏ các quy định về chất lượng của các nước. Điều quan trọng là bản thân DN phải hết sức trung thực bảo đảm chất lượng, Nhà nước phải đưa ra quy trình kiểm soát từ khâu sản xuất, chế biến đến lưu thông.

Đây là điểm yếu của chúng ta, bắt nguồn từ cách tổ chức sản xuất manh mún. Vấn đề của VN không phải là kỹ thuật sản xuất, mà trước hết phải là cách tổ chức sản xuất, chỉ có trên nền tổ chức sản xuất tốt thì mới phát triển được và đáp ứng được các quy định chất lượng khắt khe của các nước. Doanh nghiệp không được coi thường việc này, nếu như làm không tốt thì sẽ mất thị trường, mất uy tín cả ngành thủy sản VN đối với thế giới.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thấp thỏm lo hàng ách tắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO