Tham vọng "bành trướng" nông thôn của Grab

Mỹ Huyền| 14/06/2021 04:45

Grab công bố kế hoạch giải cứu nông sản, hé lộ chiến lược lâu dài ở nông thôn. Một kịch bản chung tại Đông Nam Á để tiến sâu vào thị trường nông thôn.

Tham vọng

Đầu tháng 6 này Grab Việt Nam đã khởi động GrabConnect, dự án hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang trên nền tảng. Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam, cho biết Grab chia sẻ mục tiêu của Chính phủ để tiêu thụ nông sản kịp thời bằng  năng lực công nghệ, mạng lưới rộng khắp của hệ sinh thái Grab để kết nối nông sản từ người nông dân đến người dùng.

Theo đó, Grab sẽ phân phối vải thiều giao tận nơi tới mạng lưới khách hàng và đối tác cả nước gồm: nhà hàng, quán ăn, cửa hàng thực phẩm, chủ shop online, siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, chợ truyền thống… Grab cũng có một nguồn khách sẵn có từ các nền tảng GrabFood, GrabMart, GrabKitchen và GrabExpress. Đây là các đối tác kinh doanh nhà hàng, quán ăn và cửa hàng thực phẩm… trong hệ sinh thái của Grab.

GrabConnect được công bố trong bối cảnh các mặt hàng nông sản gặp nhiều khó khăn để đến được tay người tiêu dùng. Tiếp sau vải thiều Lục Ngạn, Grab có kế hoạch hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ nông sản đang chuẩn bị bước vào mùa thu hoạch ở miền Bắc và Nam Trung Bộ. 

Ngày 8/6, Grab Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ cùng Cục Phát triển Doanh nghiệp (AED - thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Agrotrade, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC-VCA, thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) để cùng thực hiện Chương trình hợp tác hỗ trợ Chuyển đổi số, kết nối tiêu thụ nông sản cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam.

Theo biên bản ghi nhớ, Grab Việt Nam sẽ đóng vai trò như một mô hình thử nghiệm về tính hiệu quả trong hỗ trợ chuyển đổi số cho các nhà sản xuất nông nghiệp từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Đây là một trong các sáng kiến của chương trình "Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025" mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai, tập trung cho các nhà sản xuất lĩnh vực nông nghiệp.

Dự án này là chiến lược lâu dài của Grab để phân phối nông sản từ tận nguồn đến tay người tiêu dùng. Thông qua dự án, Grab thể hiện mong muốn giúp nông dân sản xuất tiếp cận thương mại điện tử (TMĐT) trong quá trình tiếp cận với nền tảng đặt hàng và cách làm việc với đối tác kinh doanh trong lĩnh vực vận chuyển. Đại diện của Grab cho hay mục tiêu dài hạn của dự án là thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, ủng hộ Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.

Grab Việt Nam đã tung lực lượng “phủ xanh” địa bàn khắp miền Bắc -Trung - Nam - miền Tây -Tây Nguyên nhưng chủ yếu là lực lượng chuyên chở giao thông: GrabBike, GrabBike Premium, GrabCar, GrabCar Plus, GrabTaxi. Khả năng sắp tới hãng gọi xe công nghệ này sẽ phủ xanh các tỉnh thành bằng các dịch vụ trong hệ sinh thái là hoàn toàn có thể xảy ra sau dự án giải cứu nông sản.

Tại các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, Grab cũng đã bành trướng dịch vụ của hãng ở các vùng nông thôn. Ở Malaysia, Grab đã vươn tới các tỉnh thành của nước này với dịch vụ GrabCar, GrabFood and GrabMart trong năm ngoái. Tiếp sau đó là dịch vụ thanh toán GrabPay, theo theiskandarian.com.

Ở Philippines, Indonesia và Thái Lan Grab đã cùng Bộ Nông nghiệp phân phối nông sản qua GrabExpress, GrabAssistant và GrabMart, theo agfundernews.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tham vọng "bành trướng" nông thôn của Grab
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO