Taxi truyền thống chưa qua thời khốn khó

HỒNG NGA| 29/09/2018 03:33

Các doanh nghiệp taxi truyền thống sẽ tiếp tục gặp khó khi dự thảo sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô sau 5 lần trình Chính phủ vẫn không có nhiều thay đổi so với trước.

Taxi truyền thống chưa qua thời khốn khó

Taxi truyền thống gặp khó trong kinh doanhkhi taxi hợp đồng điện tử xuất hiện - Ảnh: X.Thảo

Dự thảo lần thứ 5 Nghị định Quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô đã được Bộ Giao thông - Vận tải gửi đến Chính phủ. Tuy nhiên, theo văn bản kiến nghị của Hiệp hội Taxi TP.HCM mới đây thì "bức xúc vì những vấn đề cơ bản, cốt lõi nhất đã và đang là nguyên nhân dẫn đến sự khiếu nại của taxi chính thống, là tâm điểm của nhiều cuộc tranh luận và thảo luận thì lại không được giải quyết, không được tiếp thu đúng mức".

Khó chồng khó

Các doanh nghiệp cho rằng, dù có một số thay đổi, điều chỉnh nhưng những quy định về xe hợp đồng điện tử đang tạo ra sự hoang mang, lo lắng cho doanh nghiệp và xã hội, nhất là trong bối cảnh Grab thâu tóm Uber ở Việt Nam và gần như độc quyền trong lĩnh vực này. Hiện có sự không công bằng trong quản lý giữa taxi truyền thống và xe hợp đồng điện tử. Chẳng hạn, Grab giảm giá cước, khuyến mãi mạnh vào giờ thấp điểm nhưng lại tăng giá rất cao trong giờ cao điểm mà không bị quản lý.

Trong khi taxi truyền thống muốn tăng, giảm giá thì phải xin phép cơ quan chức năng, lại phải dán nhãn, biểu giá. Đó là chưa nói việc cấm đường, thuế, các điều kiện kinh doanh, Grab đều thực hiện ít hơn taxi truyền thống. Cụ thể, vốn điều lệ của Grab tại Việt Nam là 20 tỷ đồng, sau 2 năm thí điểm lỗ 938 tỷ đồng, nộp thuế 9,5 tỷ đồng. Năm 2017, Grab lỗ tiếp 788 tỷ đồng, nộp ngân sách giảm 59 tỷ đồng so với năm 2016. Trong khi đó Vinasun nộp ngân sách nhà nước 3 năm (2014 - 2016) là 1.200 tỷ đồng và trong năm 2017 vẫn là một trong những đơn vị nộp thuế nhiều nhất. 

Link bài viết

Ông Trương Đình Quý - Phó tổng giám đốc Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) chia sẻ: "Cùng kinh doanh trên một thị trường, phục vụ cùng một đối tượng khách hàng, cung cấp một dịch vụ như nhau nhưng xe taxi phải chịu 13 điều kiện kinh doanh khắt khe (như cấm đường, phù hiệu, quản lý giá cước, kiểm định đồng hồ, bảo hiểm, giờ chạy xe tối đa, niên hạn xe...) còn xe hợp đồng điện tử thì không. Riêng việc lách được quy định cấm đường đã khiến nhiều hành khách bỏ taxi sang gọi xe Grab. Các lợi thế chi phí càng giúp cho loại hình xe này phát triển nhanh chóng, trong khi các doanh nghiệp taxi chuyên nghiệp rơi vào khủng hoảng".

Sụt giảm toàn diện

Tính đến cuối năm 2017, số xe vận tải taxi đã giảm từ 12.654 chiếc xuống còn 9.605, trong đó Mai Linh còn 3.539 xe, Vinasun còn 5.835 xe. Các doanh nghiệp taxi truyền thống còn giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận. Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 của Vinasun cho thấy, doanh thu chỉ đạt 2.937 tỷ đồng, giảm 35% so với năm 2016 và chỉ đạt 73% kế hoạch, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 189 tỷ đồng, giảm gần 40% so với năm 2016.

Đà sụt giảm này tiếp tục diễn ra trong năm 2018. Cụ thể, quý I/2018, doanh thu của Vinasun hơn 489 tỷ đồng, chỉ bằng 44% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận chỉ đạt 11,5 tỷ đồng, bằng khoảng 21% so với cùng kỳ năm 2017. Taxi Mai Linh cũng thế. Doanh thu của Công ty trong năm 2017 chỉ đạt 1.039 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.

Theo Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM, 3 tháng đầu năm 2018, chỉ còn 16 đơn vị vận tải taxi (5 đơn vị ngưng hoạt động gồm Công ty Savico, Công ty Hoàng Long, Công ty Tràm Thanh, Công ty Minh Đức Tân Phú, Công ty CP Sài Gòn Sân bay), số lượng xe taxi tại TP.HCM giảm còn khoảng 8.500 xe.

Trong khi đó, chỉ sau hơn 3 năm có mặt tại Việt Nam (trong đó có gần 2 năm thí điểm), số lượng phương tiện kinh doanh theo hình thức xe hợp đồng điện tử tại TP.HCM đã tăng từ 177 xe (năm 2014) lên hơn 34.562 xe (cuối năm 2017).

Sự tham gia của loại hình taxi mới này đã khiến thị trường vận tải bằng ô tô dưới 9 chỗ tại TP.HCM tăng lên 44.167 xe vào thời điểm cuối năm 2017. Quan trọng hơn là mặc dù số lượng xe tăng nhưng doanh thu của ngành lại giảm. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng doanh thu vận tải đường bộ trên địa bàn TP.HCM năm 2017 giảm đến 3.600 tỷ đồng so với năm trước.

Trước thực tế này, Hiệp hội Taxi TP.HCM kiến nghị, chỉ nên duy trì 2 loại hình taxi và hợp đồng như Luật Giao thông đường bộ quy định, có thể bổ sung, cải sửa điều kiện kinh doanh cho phù hợp với thực tế thị trường. Cần phải bỏ quy định về vận tải hợp đồng điện tử, đồng thời cần xác định rõ bản chất dịch vụ Grab là vận tải taxi bởi hàng trăm triệu cuốc xe Grab không có hợp đồng điện tử nào được ký kết.

"Điểm mấu chốt là tại sao vận tải hợp đồng điện tử lại được nâng tầm thành một loại hình vận tải chủ chốt ở Việt Nam", Vinasun đặt vấn đề trong kiến nghị gửi đến Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng hồi đầu tháng 8 vừa qua.

Ông Trương Đình Quý cho rằng, bản chất cùng là hoạt động taxi nhưng Grap lại là xe hợp đồng điện tử với quy định quản lý lỏng lẻo và chịu rất ít nghĩa vụ với Nhà nước, người lao động, khách hàng. "Như vậy, chúng ta đang tạo sân chơi riêng cho Grap vì lý do gì? Vì sao không quy định cả taxi truyền thống lẫn taxi công nghệ đều là taxi để dễ quản lý, bình đẳng các nghĩa vụ và trách nhiệm. Nếu doanh nghiệp nào ứng dụng công nghệ tiên tiến hơn thì có lợi nhuận cao hơn", ông Trương Đình Quý đặt vấn đề.

Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM Tạ Long Hỷ cho rằng: "Nếu chính sách mà Bộ Giao thông - Vận tải đang áp dụng cho taxi và xe hợp đồng điện tử không thay đổi đồng nghĩa với việc cố ý tạo cho xe hợp đồng điện tử (Grab) cơ hội tiếp tục lấn lướt, lũng đoạn để triệt tiêu taxi truyền thống, độc chiếm thị trường".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Taxi truyền thống chưa qua thời khốn khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO