Sôi động "đấu trường" gọi xe công nghệ

TUYẾT ÂN| 22/09/2018 03:35

Ngày càng nhiều ứng dụng gọi xe công nghệ mới ra đời, nguồn tiền mới tiếp tục đổ vào phát triển hệ sinh thái bao phủ dịch vụ, tiếp tục ươm tạo các startup mới đưa vào thị trường.

Sôi động

Sau TP.HCM, Go-Viet tiếp tục mở rộng ra thị trường Hà Nội

Đối thủ mới

Tại lễ ra mắt ứng dụng đa dịch vụ Go-Viet mới đây, ông Nadiem Makarim - nhà sáng lập Go-Jek, không giấu tham vọng mở rộng những dịch vụ mới trên nền Go-Viet.

Ông Nadiem Makarim khẳng định: "Kể từ khi ra mắt tại Indonesia năm 2015, Go-Jek đã phát triển 17 loại dịch vụ trên nền tảng duy nhất để cung cấp cho người dân các tiện ích thuận tiện. Chúng tôi hy vọng Go-Viet sẽ tiếp tục tìm kiếm những giải pháp mới để cải thiện chất lượng dịch vụ và gặt hái thành công tương tự ở Indonesia".

Với nguồn tài chính hàng tỷ USD của các quỹ đầu tư hàng đầu châu Á, Go-Jek thông qua Go-Viet đẩy mạnh thị trường Việt Nam. Con số không được công bố nhưng ước tính ít nhất 150 triệu USD cho đợt gia nhập thị trường này và sẵn sàng nguồn tài chính để mở rộng.

Với chương trình khuyến mãi "sốc" sau 6 tuần thử nghiệm tại TP.HCM, ứng dụng này đã thu hút hơn 25.000 tài xế và hơn 1,5 triệu lượt tải. Go-Viet tiếp tục mở rộng thị trường Hà Nội với dịch vụ gọi xe 2 bánh Go-Bike và dịch vụ chuyển phát nhanh Go-Send.

Link bài viết

Ông Nguyễn Vũ Đức - đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc Go-Viet cho biết sẽ cung cấp đa dạng loại hình dịch vụ tại Việt Nam. 4 sản phẩm trụ cột cho giai đoạn 2018 - 2019 gồm xe 2 bánh Go-Bike (đã đưa vào vận hành), Go-Car (gọi xe 4 bánh), Go-Food (giao thức ăn) và Go-Pay (thanh toán điện tử).

Quá trình mở rộng loại hình dịch vụ sẽ dựa vào nhu cầu cụ thể của thị trường Việt Nam, nhưng chắc chắn được thừa hưởng kinh nghiệm tại Indonesia, bởi Go-Jek cung ứng từ gọi xe, mua sắm hộ, chuyển phát, giao thuốc, mua vé hộ cho đến đặt lịch chăm sóc sắc đẹp, vệ sinh nhà cửa, sửa ô tô, hàng điện tử...

Thanh toán điện tử là một lợi thế của Go-Jek khi tại Indonesia họ đã kết hợp dịch vụ thu hộ và chi hộ tiền mặt thông qua tài xế và người dùng có thể nạp hoặc rút tiền mà không cần ra ngân hàng hay các điểm giao dịch. Là kỳ lân công nghệ đầu tiên của Đông Nam Á (công ty khởi nghiệp được định giá trên 1 tỷ USD), Go-Jek đã hỗ trợ sự tăng trưởng của các doanh nghiệp nhỏ ứng dụng công nghệ số vào kinh doanh và trở thành đối thủ đáng gờm của các công ty khu vực, kể cả Grab đang dẫn đầu tại Việt Nam.

Tháng 6 vừa qua, ứng dụng gọi xe FastGo ra mắt thị trường, chọn khai thác xe hơi cá nhân và taxi, đã nhanh chóng nhận được sự hậu thuẫn của quỹ đầu tư VinaCapital Ventures. FastGo đặt tham vọng vào 4 dịch vụ, gồm Fast Car (xe hơi cá nhân), Fast Taxi (liên kết với các hãng taxi), Fast Airport (dịch vụ xe tại sân bay) và Fast Luxury (xe sang).

FastGo cũng nhắm phát triển Fast Protection (gói bảo hiểm cho tài xế và taxi) và Fast Pay (thanh toán điện tử). Ông Nguyễn Hữu Tuất - CEO FastGo cho biết, mục tiêu phát triển tại 8 thành phố lớn với khoảng 5 triệu khách hàng và 20.000 đối tác, năm đầu tiên phát triển được 500.000 khách hàng thường xuyên, đạt 2 triệu ở năm kế tiếp và năm thứ 3 khoảng 5 triệu.

Tích hợp nhiều tiện ích

Grab đang dẫn dắt thị trường gọi xe Việt Nam với số liệu công bố hiện có 175.000 tài xế đối tác. Song song với GrabPay, nhà cung cấp này cũng vừa hợp tác với ví điện tử Moca để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Họ bắt đầu tiến vào các dịch vụ phục vụ đời sống hằng ngày, thí điểm với dịch vụ cung cấp hàng tạp hóa hợp tác với HappyFresh. Nguồn tiền hàng tỷ USD tiếp tục đổ vào để Grab mở rộng nhiều dịch vụ mới nhắm đến nền tảng di động O2O (online-to-offline) hàng đầu Đông Nam Á.

Hiện có hàng chục ứng dụng gọi xe trên thị trường, kể cả của các hãng vận tải giàu kinh nghiệm ở thị trường truyền thống như Mai Linh, Vinasun với V.Car, SunTaxi với S.Car, Phương Trang với VATO cho đến những startup được các công ty công nghệ tài trợ phát triển như Go-ixe (Công ty Công nghệ phần mềm Go-ixe thuộc Vườn ươm Công viên Phần mềm Quang Trung), T.Net (FPT), 123xe (VNG), Xelo (Công ty Công nghệ trực tuyến SkySoft). Chưa kể hàng loạt ứng dụng còn xa lạ trên thị trường như Didi, Emddi, Mego, MVL.

Mặc dù việc cạnh tranh với các đối thủ đáng gờm như Grab hay Go-Jek là không dễ, nhưng các nhà đầu tư vẫn đặt tham vọng vào thị trường gọi xe công nghệ đang tiếp tục tạo nên sức hút mới. Song song đó, dự báo dòng tiền sẽ hướng mạnh vào các giải pháp B2B khi tối ưu hóa các dịch vụ logistics đang chiếm đến 20% GDP Việt Nam và ngốn không ít chi phí của doanh nghiệp.

Từ các ứng dụng ban đầu, các nhà cung cấp đang tạo bàn đạp phát triển hệ dịch vụ người dùng để tiếp cận đời sống cá nhân rộng rãi hơn. Chẳng hạn như Giaohangnhanh phát triển Ahamove (ứng dụng giao hàng nội thành), ứng dụng Now chuyên giao thức ăn của Foody cũng nhảy vào lĩnh vực vận chuyển hành khách với dịch vụ mới NowMoto. Foody công bố tận dụng lợi thế đội ngũ giao hàng khoảng 7.000 người ở các thành phố lớn hiện nay để lấn sân sang dịch vụ "xe sang 2 bánh".

Chưa kể các nhà cung cấp thứ ba cũng tận dụng hệ thống gọi dịch vụ để tham gia thị trường, điển hình như ứng dụng ngân hàng số Yolo của VPBank vừa tung ra, ngoài cơ chế hoạt động như các ứng dụng ngân hàng thông thường còn tích hợp tiện ích gọi xe taxi, gọi món ăn, mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn, mua bảo hiểm... Những tính năng cộng thêm này được hợp tác với các đối tác thứ ba. Xu hướng này thúc đẩy các mô hình kinh doanh chia sẻ phát triển và len lỏi khắp ngõ ngách đời sống.

Dự báo thị trường sẽ càng cạnh tranh khốc liệt theo xu thế các công ty lớn chiếm lĩnh top 3 thị trường sẽ vận hành song song với các doanh nghiệp quy mô nhỏ hướng vào các dịch vụ ngách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sôi động "đấu trường" gọi xe công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO